Báo cáo 106/BC-BTP về kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và giai đoạn 2011-2015; định hướng công tác giai đoạn 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 106/BC-BTP
Ngày ban hành 16/05/2016
Ngày có hiệu lực 16/05/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/BC-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2016

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2015 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015; ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2016-2021 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2016

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trên cơ sở theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015; định hướng công tác giai đoạn 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TRONG NĂM 2015 VÀ GIAI ĐOẠN 2011-2015

A. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN

1. Từ năm 2011 đến 2015, Bộ Tư pháp đã thường xuyên phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội Vụ tổ chức các Đoàn công tác liên ngành của Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra, nắm tình hình về việc triển khai thực hiện công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương. Riêng trong năm 2015, Bộ đã tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại 04 địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum. Ngoài ra, các đoàn công tác của Bộ (do Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì) đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại 07 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Thông qua việc kiểm tra trực tiếp tại các địa phương, Bộ Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; trao đổi, làm rõ các văn bản có dấu hiệu vi phạm về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực và đề nghị các địa phương tự tổ chức kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho Bộ Tư pháp; đối với các văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày, Bộ đã đề nghị cơ quan ban hành nghiêm túc xem xét rút kinh nghiệm, đảm bảo ban hành văn bản đúng quy định của pháp luật. Hoạt động kiểm tra trực tiếp của các Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì đã giúp Lãnh đạo các cơ quan cấp Bộ, UBND các địa phương nâng cao nhận thức, quan tâm hơn đối với việc triển khai thực hiện các công tác kiểm tra, xử lý rà soát, hệ thống hóa văn bản, chỉ đạo các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các công tác nêu trên tại cơ quan, địa phương mình.

Đồng thời với việc kiểm tra trực tiếp, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho các công chức làm công tác này tại các cơ quan cấp Bộ và địa phương (năm 2015 tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, cử nhiều lượt lãnh đạo, công chức của Bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ cho các bộ, ngành[1]. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng rà soát thường xuyên, rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, hệ thống hóa văn bản QPPLvới sự tham gia của đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, địa phương và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ trực tiếp làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng rà soát thường xuyên, rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, hệ thống hóa văn bản QPPL theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2013/TT-BTP.

2. Riêng đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, ngay sau khi Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2013/TT-BTP được ban hành, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các Bộ, ngành, địa phương; tổ chức nghiên cứu, biên soạn các tài liệu hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản (Chủ trì biên soạn sách "Một số nội dung quy định về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL”; Sổ tay tình huống nghiệp vụ về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL) nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương triển khai thuận lợi các công tác này.

Tại Bộ Tư pháp, để bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả các nội dung của Nghị định số 16/2013/NĐ-CP, Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP (Quyết định số 1051/QĐ-BTP ngày 06/5/2013); Quy chế phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL” (Quyết định số 3044/QĐ-BTP ngày 13/11/2014). Riêng trong năm 2015, để tiếp tục tổ chức triển khai nhiệm vụ rà soát, hệ thống văn bản QPPL theo Hiến pháp năm 2013 đối với các Bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 11/BTP-KTrVB ngày 29/01/2015 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cập nhật, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013[2].

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động sơ kết đánh giá thực tiễn qua hơn 02 năm thực hiện Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL để làm cơ sở cho việc xây dựng quy định về rà soát, hệ thống hóa văn bản tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, qua đó từng bước hoàn thiện thể chế về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, góp phần đưa công tác này đi vào nề nếp, đồng bộ, thống nhất, tạo cơ chế liên thông, kết nối chặt chẽ giữa các hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, hạn chế những khoảng trống của pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật[3].

B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

I. VỀ THỂ CHẾ

Trong giai đoạn 2011-2015, việc xây dựng thể chế chủ yếu tập trung về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do thể chế về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL đã cơ bản đầy đủ và hoàn thiện. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở Nghị định 16/2013, Bộ đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15/6/2013 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP - đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản nhằm phát hiện và xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiến hành hệ thống hóa, công bố các văn bản còn hiệu lực giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Nghị định 16/2013/NĐ-CP cùng với Nghị định 40/2010/NĐ- CP đã tạo ra công cụ, thiết chế quan trọng trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hp pháp, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại cơ quan, địa phương mình, tạo hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ giúp các công tác này được triển khai thuận lợi trong thực tiễn.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực hoàn thiện các nội dung quy định về kiểm tra, xử lý rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, nhằm khẳng định mạnh mẽ vai trò và tầm quan trọng của các công tác này trong cơ chế đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản QPPL.

II. VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN

1. Kết quả tự kiểm tra, xử lý văn bản[4]

Theo tổng hợp từ báo cáo thống kê của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương[5], trong năm 2015 các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã tự kiểm tra được 107.463 văn bản, trong đó có 29.977 văn bản là văn bản QPPL. Cụ thể: các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tự kiểm tra được 4.135 văn bản (trong đó có 1.283 văn bản QPPL); các địa phương tự kiểm tra được 103.328 văn bản (trong đó có 28.694 văn bản QPPL).

Qua kiểm tra, toàn Ngành đã phát hiện 561 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung (trong đó 88 văn bản QPPL trái pháp luật cả về thẩm quyền và nội dung; 149 văn bản QPPL trái pháp luật về thẩm quyền; 324 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung)[6]. Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã xử lý xong 2.570 văn bản (trong đó có 2.361 văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật, số văn bản còn lại sai về kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan ban hành xem xét, rút kinh nghiệm); còn lại 432 văn bản trái pháp luật đang được cơ quan ban hành nghiên cứu, xử lý theo quy định.

2. Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền[7]

a) Kiểm tra văn bản tại cơ quan kiểm tra do cơ quan ban hành gửi đến

Năm 2015, trên cơ sở văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương[8] đã kiểm tra được 66.849 văn bản; trong đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ kiểm tra được 6.005 văn bản (trong đó có 5.858 văn bản QPPL), các địa phương kiểm tra được 60.844 văn bản (trong đó có 30.415 văn bản QPPL). Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, toàn Ngành đã phát hiện 126 văn bản QPPL sai về cả thẩm quyền ban hành và nội dung; 237 văn bản QPPL sai về thẩm quyền ban hành; 813 văn bản QPPL sai về nội dung[9].

Trên cơ sở các văn bản đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp nêu trên, cơ quan kiểm tra văn bản đã tiến hành phân loại và tùy vào mức độ vi phạm của văn bản mà tiến hành xử lý văn bản đó theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản theo quy định. Đối với những văn bản chỉ có dấu hiệu vi phạm về kỹ thuật trình bày, cơ quan kiểm tra văn bản trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm; đối với những văn bản có dấu hiệu vi phạm về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung, cơ quan kiểm tra văn bản đã tổ chức họp, thảo luận, trao đổi trực tiếp với cơ quan đã ban hành văn bản và các cơ quan có liên quan để thống nhất về nội dung có dấu hiệu vi phạm tính hợp pháp của văn bản và biện pháp xử lý. Theo đó, trong năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã xử lý được 6.019 văn bản (trong đó có 4.830 văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật, còn lại là số văn bản sai về kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm); còn 1.166 văn bản cơ quan ban hành đang nghiên cứu để xử lý theo quy định.

Đối với Bộ Tư pháp:

Trong thời gian từ năm 2011 đến 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 2.679 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ (Thông tư, Thông tư liên tịch và văn bản có chứa QPPL), 9.427 văn bản của địa phương; phát hiện 299 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành, trong đó có 70 văn bản là văn bản của các Bộ, ngành (chiếm 2,61% tổng số văn bản đã kiểm tra). Đến nay các Bộ, ngành đã xử lý được 43/70 văn bản, đạt 61,43% tổng số văn bản sai về thẩm quyền và nội dung đã phát hiện. Đối với những văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật, việc kiến nghị xử lý văn bản chủ yếu được thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ với hình thức đề nghị các Bộ, ngành chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Trong tổng số văn bản đã được kiểm tra trong giai đoạn này, có 115 văn bản là Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; kết quả kiểm tra đã phát hiện 04 văn bản sai về nội dung; đến nay 02 văn bản đã được xử lý[10], 01 văn bản đã có hướng xử lý[11], còn 01 văn bản chưa có thông tin về kết quả xử lý[12]. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn phát hiện và kiến nghị xử lý một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quy định không phù hợp với quy định của pháp luật[13].

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ