​Kế hoạch 556/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024

Số hiệu 556/KH-UBND
Ngày ban hành 12/03/2024
Ngày có hiệu lực 12/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 556/KH-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025;

Căn cứ Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Căn cứ Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai về hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Quyết định 764/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các huyện, thị xã thành phố;

Căn cứ Quyết định 765/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh;

Căn cứ Quyết định 767/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024 (sau đây gọi tắt là Chương trình), cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

Trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai Chương trình của cấp trên; HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, vì vậy Chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; kế hoạch thực hiện đã đề ra 27 chỉ tiêu, tính đến cuối năm 2023 có 21 chỉ tiêu vượt hoặc đạt kế hoạch đề ra; 06 chỉ tiêu không đạt, cụ thể:

+ Các chỉ tiêu xây dựng đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra cụ thể như sau: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2023 giảm 4,21% so với năm 2022; số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa chiếm 99,43%; số thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa chiếm 99,92%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 87,2%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp chiếm 99,99%; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,7%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình 100%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe phát thanh 95%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường chiếm 97,9%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học chiếm 96,1%; học trung học cơ sở chiếm 92,1%; học trung học phổ thông chiếm 48,1%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông chiếm 78,2%; tỷ lệ người đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế 82,0%; tỷ lệ điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư, khai thác song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống 23,5%; 100% hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức về văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn; 97,8% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 49,0% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; 81,99% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề; 88,24% đơn vị hành chính cấp huyện có phòng Dân tộc; 100% đơn vị hành chính cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có cán bộ phụ trách công tác dân tộc (tuy nhiên chủ yếu là cán bộ bán chuyên trách).

+ 06 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra và nguyên nhân:

- Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đến năm 2023 là 50%, tuy nhiên kết quả tính đến cuối năm 2023 chỉ đạt 21,66%. Nguyên nhân: Đối với đất ở và đất sản xuất: Nhiều địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ theo quy định; định mức hỗ trợ của nhà nước và định mức cho vay của ngân hàng chính sách xã hội còn thấp, hộ nghèo không có kinh phí để mua được đất. Chỉ tiêu này đến nay chỉ hỗ trợ được nhà ở còn nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thực hiện được rất thấp so với kế hoạch đề ra.

- Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu: Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế là 84,8% tuy nhiên kết quả chỉ đạt 75,4%. Nguyên nhân: Do người dân chủ yếu đi siêu âm các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, không đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế công lập nên việc thu thập số liệu tại các tuyến vẫn còn bỏ sót do thu thập khai thác trên bệnh nhân, mặc khác một số trường hợp phát hiện thai đã qua 3 tháng nên khám thai chưa đầy đủ (ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ của thai kỳ); một số phụ nữ mang thai ở vùng sâu vùng xa nên còn sinh con tại nhà, không đến được các cơ sở y tế.

- Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là dưới 17% tuy nhiên kết quả tính đến cuối năm 2023 chỉ đạt 19,5%. Nguyên nhân: Do người đồng bào DTTS làm nương rẫy xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn ít được tiếp cận các dịch vụ y tế; kết quả điều tra thực tế cho thấy hầu như trẻ ăn không đủ 4 nhóm thực phẩm nên tỷ lệ suy dinh dưỡng còn nhiều.

- 03 chỉ tiêu về Văn hóa: Tỷ lệ di sản văn hóa truyền thống được kiểm kê, sưu tầm; tỷ lệ di tích xếp hạng được bảo vệ và chống xuống cấp; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng theo kế hoạch lần lượt là 55%, 90% và 55%. Tuy nhiên tại thời điểm báo cáo do chưa đến thời điểm tổng hợp, số liệu đánh giá đang lấy tại thời điểm cuối năm 2022 nên không đạt chỉ tiêu đề ra. Hiện tại, theo kế hoạch đang triển khai điền dã, khảo sát để thu thập thông tin, điền phiếu điều tra, việc tổng hợp ở cấp huyện theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Chương trình còn lúng túng về cơ chế (tính đến tháng 8 năm t2023, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính mới ban hành các thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư đã hướng dẫn trước đây để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong thực hiện Chương trình) dẫn đến triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Các dự án, tiểu dự án của Chương trình chưa thực hiện đồng bộ, còn một số tiểu dự án chưa triển khai do không còn đối tượng thụ hưởng hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định (Nội dung 1 và Nội dung 3 - Dự án 1; Tiểu dự án 1 - Dự án 9).

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 và Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh trong năm 2024.

2. Yêu cầu

Bám sát các nội dung đã được phê duyệt và căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 và Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của Chương trình trong năm 2024.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh; nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS&MN.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ