Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn ở đâu? Đi đến Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn bằng cách nào?
Nội dung chính
Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn ở đâu? Đi đến Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn bằng cách nào?
Chùa Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn tọa lạc tại số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, chỉ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 9 km và cách phố cổ Hội An 25 km.
- Từ trung tâm Đà Nẵng: Đi theo tuyến Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Lê Văn Hiến, sau đó rẽ vào Sư Vạn Hạnh, tổng thời gian di chuyển khoảng 15 phút bằng taxi, xe máy hoặc ô tô.
- Từ Hội An: Theo đường Hai Bà Trưng - Lạc Long Quân - Trường Sa - Non Nước - Sư Vạn Hạnh.
Trên hành trình, du khách có thể ghé thăm các điểm gần kề như: Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước, bãi biển Mỹ Khê,...
Lịch chiêm bái xá lợi Phật tại Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Vào ngày 26/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã thông báo về việc tổ chức chuỗi sự kiện cung rước, chiêm bái và đảnh lễ xá lợi Phật, diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại chùa Quán Thế Âm, thuộc khu vực Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Lễ cung rước xá lợi Phật sẽ được tổ chức vào lúc 16 giờ ngày 30/5, bắt đầu từ sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đoàn rước sẽ di chuyển qua các tuyến đường: Nguyễn Văn Linh - Bạch Đằng - Trần Phú - cầu Rồng - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Sư Vạn Hạnh và kết thúc tại chùa Quán Thế Âm.
Sau đó, lễ cung tiễn xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở về Ấn Độ sẽ diễn ra vào ngày 2/6. Đoàn sẽ xuất phát từ chùa Quán Thế Âm và đi theo lộ trình: Sư Vạn Hạnh - Lê Văn Hiến - cầu Tiên Sơn - đường 2/9 - Nguyễn Văn Linh - sân bay Đà Nẵng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử cùng những người hữu duyên đến chiêm bái và đảnh lễ, Ban tổ chức sẽ mở cửa chùa liên tục 24/24 từ 19 giờ ngày 30/5 đến khi kết thúc sự kiện. Thời gian chiêm bái sẽ được duy trì không gián đoạn nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu tâm linh của cộng đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng dự kiến bố trí từ 20 đến 25 xe ô tô loại 7 chỗ, được trang trí tượng Đức Phật đản sinh trên trần xe. Những phương tiện này sẽ chuyên chở chư tôn đức tham gia đoàn cung rước và cung tiễn trong hai ngày trọng đại nói trên.
Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn ở đâu? Đi đến Chùa Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn bằng cách nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện để công nhận tổ chức tôn giáo theo quy định hiện nay là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo như sau:
Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;
- Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016;
- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 22 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo gồm:
- Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức đề nghị công nhận, tên giao dịch quốc tế (nếu có); tên tôn giáo; họ và tên người đại diện tổ chức; số lượng tín đồ, địa bàn hoạt động của tổ chức tại thời điểm đề nghị; cơ cấu tổ chức, trụ sở của tổ chức;
- Văn bản tóm tắt quá trình hoạt động của tổ chức từ khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;
- Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức;
- Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật, lễ nghi;
- Hiến chương của tổ chức;
- Bản kê khai tài sản hợp pháp của tổ chức;
- Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
- Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016.