Yêu cầu đối với đơn vị thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Yêu cầu đối với đơn vị thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định yêu cầu đối với đơn vị thẩm định như sau:
- Đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là tổ chức có năng lực thẩm định được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận; hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO:14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính sử dụng trong việc công nhận hoặc các hình thức thừa nhận khác; hoặc có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng.
- Đơn vị thẩm định thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Các đơn vị có nhu cầu đề nghị theo Mẫu số 03 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này chứng minh đủ điều kiện thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 1 Điều này về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Yêu cầu đối với đơn vị thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là của ai?
Theo Điều 15 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kiểm tra, giám sát hoạt động thẩm định của các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
- Các bộ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
- Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan phối hợp với các bộ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này trên địa bàn quản lý.
3. Đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước gồm những ai?
Tại Điều 16 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước như sau:
- Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
- Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.
4. Lộ trình phát triển triển khai thị trường các-bon trong nước được quy định ra sao?
Theo Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước như sau:
- Giai đoạn đến hết năm 2027
+ Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;
+ Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
+ Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;
+ Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
- Giai đoạn từ năm 2028
+ Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;
+ Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.