Xây nhà trên đất nông nghiệp vẫn phải phá dỡ nhà dù đã nộp phạt?
Nội dung chính
Xây nhà trên đất nông nghiệp vẫn phải phá dỡ nhà dù đã nộp phạt?
Căn cứ Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Nguyên tắc sử dụng đất
1. Đúng mục đích sử dụng đất.
2. Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.
3. Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.
4. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.
Theo khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ
1. Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ bao gồm:
a) Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;
b) Nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;
c) Nhà ở thuộc trường hợp phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt;
đ) Trường hợp phá dỡ nhà ở khác theo quy định của pháp luật về xây dựng ngoài trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
2. Việc phá dỡ nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.
Căn cứ khoản 2 và khoản 4 Điều 10 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định:
Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
...
2. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
3. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định thì xây nhà trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt hành chính tùy thuộc vào diện tích đất chuyển đổi, bên cạnh đó còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, có nghĩa là phải phá dỡ nhà và trả lại tình trạng ban đầu của đất nông nghiệp.
Như vậy, khi xây nhà trên đất nông nghiệp, tuy đã nộp phạt hành chính thì vẫn phải phá dỡ nhà ở.
Xây nhà trên đất nông nghiệp vẫn phải phá dỡ nhà dù đã nộp phạt?
(Hình từ internet)
Việc phá dỡ nhà trên đất nông nghiệp phải tuân theo những yêu cầu nào?
Căn cứ Điều 138 Luật Nhà ở 2023, có những yêu cầu sau đây khi phá dỡ nhà ở:
- Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.
- Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.
- Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đối với trường hợp phải có phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chủ sở hữu, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải lập phương án phá dỡ trước khi thực hiện.
- Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở thuộc khu dân cư trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.
Ai có trách nhiệm phá dỡ nhà xây dựng trên đất nông nghiệp?
Căn cứ khoản 2 Điều 42 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về phá dỡ công trình xây dựng quy định như sau:
Phá dỡ công trình xây dựng
...
2. Trách nhiệm phá dỡ công trình xây dựng:
a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc phá dỡ công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan; quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện phá dỡ công trình trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc phá dỡ công trình xây dựng;
c) Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;
đ) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền phá dỡ công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
...
Theo đó, trách nhiệm phá dỡ nhà xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc về:
- Trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình: Có trách nhiệm tổ chức phá dỡ công trình theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định pháp luật liên quan.
- Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc huyện, hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm quyết định việc phá dỡ công trình theo quy định pháp luật.
+ Có quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý không tự nguyện thực hiện.
- Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Cơ quan này có quyền ra quyết định buộc phá dỡ công trình hoặc phần công trình vi phạm nhằm khắc phục hậu quả theo quy định về xử lý vi phạm hành chính.
- Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong việc phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ nhà ở: Thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, các cơ quan này có quyền ra quyết định phá dỡ và cưỡng chế phá dỡ khi cần thiết.
- Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có thẩm quyền quy định việc phá dỡ các công trình nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh.