Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong bao lâu?
Nội dung chính
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong bao lâu?
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quan trọng được quy hoạch tại tỉnh Ninh Thuận, miền Trung Việt Nam. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bao gồm hai tổ hợp chính: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đây là hai khu vực được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như điều kiện địa chất, khí hậu, dân cư và an ninh để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả vận hành.
Theo kế hoạch, dự án đầu tư bao gồm hai nhà máy với tổng công suất 4.000 MW (mỗi nhà máy 2.000 MW). Đây là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ điện hạt nhân tại Việt Nam, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của quốc tế, đặc biệt là sau những bài học từ sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Công nghệ hạt nhân hiện đại dự kiến sẽ được triển khai để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Với mục tiêu hoàn thành xây dựng nhà máy trong vòng 5 năm, nhằm đảm bảo đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động. Để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các công việc cần thiết, xác định lộ trình cụ thể cho từng năm. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2/2025. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan cần tập trung đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân hiện có, đồng thời xác định nhu cầu đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu của dự án.
Việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Dự án đầu tư cũng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh Ninh Thuận.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong bao lâu? (Hình từ Internet)
Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 2 Quyết định 72/QĐ-TTg năm 2025 quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
1. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
2. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
3. Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả.
4. Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.
5. Chỉ đạo thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong phát triển điện hạt nhân.
6. Thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như trên.
Thành phần Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm những ai?
Căn cứ Điều 3 Quyết định 72/QĐ-TTg năm 2025 quy định như sau:
Thành phần Ban Chỉ đạo
1. Trưởng ban: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
2. Phó Trưởng ban Thường trực: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn.
3. Phó Trưởng ban: Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
4. Các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan:
- Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương;
- Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ông Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an;
- Ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng;
- Ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính;
- Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
- Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội;
- Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
- Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Căn cứ nhu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hoạt động, Trưởng Ban quyết định việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, sau khi thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của trung ương, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương về sự thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo sau khi các bộ được sát nhập, hợp nhất.
Như vậy, thành phần Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm những cá nhân trên.