Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định chủ sở hữu, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm

Theo như tôi biết thì vật mà chủ sở hữu không xác lập gồm 2 loại: vật vô chủ và vật không xác định chủ sở hữu. trong đó khi tìm được vật vô chủ nếu là động sản và không phải di sản di tích... thì người tìm được sở hữu nó ngay lập tức. còn với vật không xác định chủ sở hữu thì phải báo cho chính quyền theo luật định... Vậy vật vô chủ là những vật như thế nào? vật không xác định chủ sở hữu là những vật như thế nào? Có ý kiến cho rằng vật bị chôn giấu là vật vô chủ. Giả sử sau cơn lũ bùn, một số đồ vật bị bùn che lấp, có người đào được thì nó có là của người đó?

Nội dung chính

    Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định chủ sở hữu, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm

    Việc chiếm hữu theo các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ; vật bị đánh rơi, bị bỏ quên; vật bị chôn giấu... được coi là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu.

    Khoản 1 Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    "Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước."

    Như vậy, để khẳng định tài sản là vật vô chủ thì phải xác định được việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Trong đó thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc bỏ lại tài sản phải là cố ý. Nếu chủ sở hữu bỏ lại tài sản một cách vô ý thì tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Việc xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Dân sự.

    Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu và không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu thì tài sản được coi là "vật không xác định được chủ sở hữu". Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự.

    Đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy: Vật bị chôn giấu được hiểu là vật bị chôn trong lòng đất hoặc bị cất giấu ở một nơi nào đó; vật bị chìm đắm được hiểu là vật chìm dưới sông, hồ, ao, biển. Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm có thể là vật vô chủ (Ví dụ: chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu dưới hình thức chôn xuống đất hoặc ném xuống sông)  hoặc là vật không xác định được chủ sở hữu (Ví dụ: phát hiện vật dược chôn dưới đất, chìm dưới biển nhưng không biết ai là chủ sở hữu, không xác định được chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu hay chưa). Việc xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện ra vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được thưc hiện theo quy định tại điều 240 Bộ luật Dân sự.

    Về tình huống bạn đưa ra, nếu một người tìm thấy vật bị lũ bùn vùi lấp thì việc theo quy định tại điều 240 Bộ luật Dân sự, việc xác lập quyền sở hữu cho người đó chỉ được thực hiện trong trường hợp vật đó không có chủ hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu. Sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:

    - Nếu vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

    - Nếu vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước./.

    4