Xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như thế nào?

Xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như thế nào? Tiền thuê nhà của cả thời hạn thuê nhà được tính như thế nào?

Nội dung chính

    Xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 108/2024/NĐ-CP xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như sau:

    - Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Bảng giá cho thuê nhà theo quy định tại Điều 13 Nghị định 108/2024/NĐ-CP, giá khởi điểm được xác định theo giá cho thuê nhà trong Bảng giá; trường hợp tại thời điểm cho thuê Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá đất mới trong đó có điều chỉnh giá đất/hệ số điều chỉnh giá đất của cơ sở nhà, đất có nhà đang cho thuê thì phải điều chỉnh giá cho thuê nhà theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 08/2024/NĐ-CP.

    - Trường hợp cho thuê nhà chưa có trong Bảng giá, việc xác định giá khởi điểm được thực hiện như việc xác định giá cho thuê theo hình thức niêm yết giá trong trường hợp nhà cho thuê chưa có trong Bảng giá quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 108/2024/NĐ-CP .

    Xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như thế nào?Xác định giá khởi điểm cho thuê nhà theo phương thức đấu giá như thế nào? (Hình từ Internet)

    Tiền thuê nhà của cả thời hạn thuê nhà được tính như thế nào?

    Căn cứ vào Điều 16 Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định về tiền thuê nhà như sau:

    Tiền thuê nhà của cả thời hạn thuê nhà được xác định theo công thức sau:

    Tiền thuê nhà (đồng)

    =

    Diện tích nhà cho thuê (m2)

    x

    Đơn giá cho thuê nhà (đồng/m2/năm)

    x

    Thời hạn thuê nhà (năm)

    Trong đó:

    - Diện tích nhà cho thuê xác định theo quy định tại Điều 11 Nghị định 108/2024/NĐ-CP.

    - Giá cho thuê nhà theo phương thức niêm yết giá xác định theo quy định tại Điều 14 Nghị định 108/2024/NĐ-CP ; giá cho thuê nhà theo phương thức đấu giá xác định theo quy định tại Điều 15 Nghị định 108/2024/NĐ-CP .

    - Thời hạn thuê nhà là thời hạn quy định tại Hợp đồng thuê nhà, được xác định theo quy định tại Điều 12 Nghị định 108/2024/NĐ-CP.

    Như vậy, tiền thuê nhà được tính bằng diện tích nhà cho thuê nhân với đơn giá cho thuê và nhân với thời hạn thuê nhà.

    Nghĩa vụ của người thuê nhà đươc quy định như thế nào?

    Căn cứ quy định từ Điều 479 Bộ luật Dân sự 2015 đến Điều 482 Bộ luật dân sự 2015 quy định các nghĩa vụ của người thuê nhà như sau:

    Điều 479. Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê
    1. Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.
    Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.
    2. Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.
    Điều 480. Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích
    1. Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
    2. Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
    Điều 481. Trả tiền thuê
    1. Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.
    2. Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
    Điều 482. Trả lại tài sản thuê
    1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
    2. Trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    3. Trường hợp tài sản thuê là gia súc thì bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
    4. Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
    5. Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.

    Như vậy, người thuê nhà cần thực hiện những nghĩa vụ sau:

    - Bảo quản tài sản thuê của người thuê nhà

    - Sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích của người thuê nhà

    - Trả tiền thuê của người thuê nhà

    - Trả lại tài sản thuê của người thuê nhà

    33