Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Vợ có được giành quyền nuôi con khi chồng ngoại tình? Chồng có thể nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp nào?

Vợ có được giành quyền nuôi con khi chồng ngoại tình? Chồng có thể nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp nào?Khởi kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn có được không?

Nội dung chính

    Vợ có được giành quyền nuôi con khi chồng ngoại tình?

    Tôi và chồng đã kết hôn được 7 năm và trong thời gian chung sống tôi phát hiện chồng mình nhiều lần ngoại tình với người phụ nữ, vì con nên tôi bỏ qua nhiều lần. Tuy nhiên, sau bao nhiều lần hứa hẹn hối lỗi thì chồng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Chúng tôi đều là người đi làm, thu nhập không cao nhưng ổn định, bây giờ tôi ly hôn vì chồng tôi có hành vi ngoại tình như vậy thì tôi có được giành quyền nuôi con không, con tôi hiện nay 4 tuổi.

    Trả lời:

    Điều 81 Luật hôn nhân Gia đình 2014 quy định Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

    1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

    2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Như vậy, nếu khi ly hôn vợ chồng bạn thỏa thuận được ai là người nuôi con thì Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận đó. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi tốt nhất về mọi mặt cho đứa bé. Việc chồng bạn ngoại tình là yếu tố có lợi để giành quyền nuôi con, bạn cần chuẩn bị các chứng cứ liên quan như tin nhắn, ghi âm,... chứng minh việc chồng bạn ngoại tình. Vì ở đây cả hai vợ chồng đều có thu nhập ổn định nên bạn cần chứng minh thêm ngoài thu nhập thì bạn có đầy đủ các điều kiện khác để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho con.

    Vợ có được giành quyền nuôi con khi chồng ngoại tình?(Hình ảnh Internet)

    Chồng có thể nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp nào?

    Tôi và chồng hiện đang làm thủ tục ly hôn, chúng tôi chung sống với nhau được 1,5 năm và hiện có với nhau đứa con trai 12 tháng tuổi. Do vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, không thể chung sống với nhau được nữa, nên tôi quyết định ly hôn. Tuy nhiên, gia đình chồng tôi khá giả, anh có thu nhập ổn định, phần tôi thì cuộc sống khó khăn, còn mẹ già và đứa em học lớp 9, dù con còn nhỏ nhưng tôi phải để ở nhà cho bà chăm tôi đi làm. Thấy vậy nên chồng tôi muốn quyền nuôi con. Tôi không đồng ý, nhưng tôi rất lo nên muốn hỏi Ban biên tập: Trường hợp nào thì chồng có thể nuôi con dưới 36 tháng tuổi?

    Trả lời:

    Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

    Theo đó, tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Như vậy, khi ra Tòa việc hai bạn không thỏa thuận được ai nuôi con, cộng với việc chồng bạn chứng minh được bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (bạn phải giao con nhỏ cho bà đã già chăm, bạn đi làm để kiếm thu nhập, bạn là lao động chính trong gia đình) thì người chồng hoàn toàn có thể giành quyền nuôi con dù là con bạn mới 12 tháng tuổi.

    Khởi kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn có được không?

    Em cần anh chị tư vấn dùm em, chuyện là của bạn em đã ly hôn nhưng lâu nay gia đình chồng không hề chu cấp cho con bạn em đồng nào cả, hiện tại bên nhà chồng đang đe dọa kiện giành lại quyền nuôi con. Nhờ tư vấn dùm em, em cảm ơn!

    Trả lời:

    Điều 82 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

    1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

    2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

    Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

    Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Điều 84 Luật Hôn nhân Gia đình 2014:

    1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

    2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

    a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

    b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

    3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

    4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

    5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

    a) Người thân thích;

    b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

    c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

    d) Hội liên hiệp phụ nữ.

    Như vậy, theo quy định trên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi cha, mẹ có thỏa thuận hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Ở đây, theo như bạn trình bày thì người chồng đã không chu cấp tiền cho con là đã vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, do đó, khi yêu cầu giành lại quyền nuôi con Tòa án sẽ xem xét các căn cứ thay đổi nêu trên, nếu như người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án mới quyết định thay đổi.

    8