Việc xử lý đối với cầu giao thông nông thôn đang khai thác có dấu hiệu xuống cấp không bảo đảm an toàn được thực hiện ra sao?
Nội dung chính
Việc xử lý đối với cầu giao thông nông thôn đang khai thác có dấu hiệu xuống cấp không bảo đảm an toàn được thực hiện ra sao?
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2014/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
- Khi phát hiện hoặc nhận được thông báo cầu có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, Chủ quản lý sử dụng cầu phải thực hiện ngay các quy định sau:
+ Kiểm tra cầu, kiểm định chất lượng cầu;
+ Tạm ngừng khai thác cầu trong trường hợp việc khai thác nguy hiểm và tổ chức bảo vệ ở hai đầu cầu; phân luồng giao thông;
Trường hợp phải hạn chế giao thông, phải thực hiện các biện pháp cắm biển báo hạn chế tải trọng, tốc độ, khoảng cách, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông;
+ Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương cho người tham gia giao thông, cộng đồng dân cư về việc tạm ngừng khai thác cầu hoặc hạn chế giao thông, đồng thời tổ chức hướng dẫn người tham gia giao thông; cử người gác cầu;
+ Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình cầu và cơ quan cấp trên của mình (nếu có);
+ Trong vòng 24 giờ phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với công trình cầu cấp đặc biệt, cấp I và cấp II có hư hỏng xuống cấp không bảo đảm an toàn khi khai thác hoặc công trình cầu khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa thì phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng theo quy định.
Cấp công trình quy định tại Điểm này thực hiện theo Phụ lục I Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
+ Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn khi vận hành khai thác cầu thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
+ Thực hiện các biện pháp phòng hộ để bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ sập đổ công trình cầu gây sự cố nghiêm trọng.
Trong trường hợp Chủ quản lý sử dụng cầu không đủ năng lực và khả năng chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng hộ, Chủ quản lý sử dụng cầu đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng hộ cho công trình cầu.
- Khi nhận được báo cáo hoặc khi phát hiện cầu có biểu hiện xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác sử dụng, Cơ quan quản lý nhà nước nhận được báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
+ Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn Chủ quản lý sử dụng cầu tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình, công trình nếu cần thiết;
+ Quyết định áp dụng các biện pháp tại các điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều này nếu Chủ quản lý sử dụng cầu không có khả năng thực hiện;
+ Xử lý trách nhiệm Chủ quản lý sử dụng cầu khi không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
- Mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm thông báo cho Chủ quản lý sử dụng cầu, Đơn vị quản lý cầu, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp khi phát hiện sự cố hay xuống cấp về chất lượng của công trình cầu, không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý theo các quy định tại Thông tư này.
- Việc xử lý khi có sự cố công trình hoặc nguy cơ sự cố sập đổ công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và quy định tại Khoản 3 Điều 30 và Điều 31 của Thông tư số 10/2013/TT-BXD và các quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về Xử lý đối với cầu giao thông nông thôn đang khai thác có biểu hiện xuống cấp không bảo đảm an toàn.