Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Việc thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không được thực hiện như thế nào?

Thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không như thế nào? Phạm vi áp dụng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường như thế nào?

Nội dung chính

    Việc thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không được thực hiện như thế nào?

    Tại Điều 76 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định việc thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không như sau:

    - Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan thu thập, đánh giá thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của khủng bố, các tổ chức phản động và các loại tội phạm, âm mưu can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng để quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh tăng cường cho từng cấp độ theo quy định của pháp luật.

    - Cục Hàng không Việt Nam, cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan đến âm mưu tấn công can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

    Việc thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không được thực hiện như thế nào?

    Việc thu thập thông tin về nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không được thực hiện như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Phạm vi áp dụng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường như thế nào?

    Căn cứ Điều 77 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định phạm vi áp dụng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường như sau:

    - Căn cứ thông tin về tình hình, nguy cơ đe doạ, rủi ro an ninh hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng, hủy bỏ cấp độ kiểm soát an ninh hàng không tăng cường trên phạm vi toàn quốc hoặc tại một cảng hàng không, sân bay cụ thể.

    - Cục Hàng không Việt Nam xem xét việc chấp thuận áp dụng các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường thay thế có tác dụng tương tự của các nước khác đối với các chuyến bay, đường bay quốc tế đến Việt Nam.

    - Cục Hàng không Việt Nam xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường theo yêu cầu của nhà chức trách nước ngoài phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường?

    Theo Điều 78 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường như sau:

    - Quy trình triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường áp dụng cho từng cấp độ phải được quy định cụ thể trong chương trình an ninh, quy chế an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không trên cơ sở nội dung quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.

    - Quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường phải được Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nêu trong quyết định triển khai ngay đến các cơ quan, đơn vị liên quan theo phân cấp bằng hình thức thích hợp trong thời gian sớm nhất để thực hiện, đồng thời được báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công an.

    Nguyên tắc sử dụng, cung cấp thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa chuyên ngành hàng không?

    Theo Điều 79 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT nguyên tắc sử dụng, cung cấp thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa chuyên ngành hàng không như sau:

    - Chỉ hãng hàng không liên quan đến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa được phép khai thác, sử dụng thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT.

    - Hãng hàng không có trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của hành khách; chỉ cung cấp thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu vì mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn hàng không dân dụng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và các tội phạm hình sự khác.

    9