Việc nhặt được chó đi lạc có được xác lập quyền sở hữu hay không?
Nội dung chính
Nhặt được chó đi lạc có được xác lập quyền sở hữu không?
Căn cứ Điều 221 Bộ luật dân sự 2015 căn cứ xác lập quyền sở hữu như sau:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
3. Thu hoa lợi, lợi tức.
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
5. Được thừa kế.
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.
Theo Khoản 1 Điều 231 Bộ luật dân sự 2015 xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:
Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
Vì vậy, theo tình huống bạn gặp phải thì gia đình bạn được nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn cư trú để thông báo công khai chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai, thì bạn có quyền sở hữu đối với chó đi lạc mà gia đình bạn nhận được.
Việc nhặt được chó đi lạc có được xác lập quyền sở hữu hay không? (Hình Internet)
Khi chủ sở hữu tìm đến có được hoàn trả các chi phí trong thời gian nuôi không?
Tại Khoản 2 Điều 231 Bộ luật dân sự 2015 xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:
Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.
Cho nên, trường hợp chủ sở hữu được nhận lại chó bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho gia đình bạn.
Những trường hợp nào người chiếm hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra?
Theo Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thế nên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, gia đình bạn phải bồi thường thiệt hại do chó gây ra trong thời gian chiếm hữu.