Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân tổ chức có cần thiết khi sắp xếp lại đơn vị hành chính hay không?

Khi sắp xếp lại đơn vị hành chính có cần chuyển đổi giấy tờ cá nhân, tổ chức không?

Nội dung chính

    Sắp xếp đơn vị hành chính có cần đổi giấy tờ cá nhân không?

    Căn cứ Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức như sau:

    Chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức
    1. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

    Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 có nói về trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước do sắp xếp đơn vị hành chính như sau:

    Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
    1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
    ...

    đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

    ...

    Sắp xếp đơn vị hành chính nếu các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

    Đồng thời, đối với trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính nếu làm cho thông tin trên thẻ Căn cước thay đổi thì công dân chỉ phải đổi lại nếu có nhu cầu.

    Theo đó, có thể thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính thì giấy tờ cá nhân vẫn được sử dụng đến khi hết thời hạn. Như vậy, người dân không cần phải đổi giấy tờ cá nhân khi sáp nhập huyện, xã nếu còn thời hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng.

    Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức có cần thiết khi sắp xếp lại đơn vị hành chính hay không? (Hình từ internet)

    Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức có cần thiết khi sắp xếp lại đơn vị hành chính hay không? (Hình từ internet)

    Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Chính phủ gồm giấy tờ gì?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, hồ sơ thẩm tra và hồ sơ trình Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gồm có:

    Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
    ...
    9. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Chính phủ gồm:
    a) Tờ trình của Bộ Nội vụ;
    b) Dự thảo đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính;
    c) Dự thảo đề án của Chính phủ về thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, nhập toàn bộ hoặc điều chỉnh một phần đơn vị hành chính cấp huyện vào đơn vị hành chính đô thị cùng cấp (nếu có);
    d) Các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này;
    đ) Ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan (nếu có);
    e) Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính.

    Như vậy, hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Chính phủ cần những giấy tờ nêu theo quy định trên.

    Phân loại và tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp xã dựa trên tiêu chuẩn và cách tính như thế nào?

    Căn cứ Điều 14 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 như sau:

    Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính xã
    1. Quy mô dân số:
    a) Xã từ 3.500 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 3.500 người thì cứ thêm 100 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 35 điểm;
    b) Xã miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản này;
    c) Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại điểm a khoản này.
    2. Diện tích tự nhiên từ 10 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 10 km2 thì cứ thêm 0,5 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
    3. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội
    a) Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.
    Trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 30% trở xuống được tính 3 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;
    b) Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được tính 20 điểm.
    Trường hợp xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nếu đạt được tiêu chí nào trong hệ thống các tiêu chí quy định chuẩn nông thôn mới thì mỗi tiêu chí được tính 1 điểm nhưng tổng số điểm các tiêu chí tối đa không quá 15 điểm;
    c) Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
    4. Các yếu tố đặc thù:
    a) Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
    b) Xã đặc biệt khó khăn được tính 1 điểm;
    c) Xã an toàn khu được tính 1 điểm;
    d) Có di tích quốc gia đặc biệt hoặc có di sản được UNESCO công nhận được tính 1 điểm.

    Như vậy, việc phân loại và tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp xã được quy định như trên.

    7