Việc cho thuê nhà ở xã hội được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc cho thuê nhà ở xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện như sau:
(1) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 Luật Nhà ở 2023;
(2) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;
(3) Không được ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.
- Trường hợp nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được ký hợp đồng đặt cọc và thu tiền đặt cọc thuê nhà ở tối đa bằng 12 tháng tiền thuê nhà tạm tính;
+ Việc ký hợp đồng đặt cọc thuê nhà ở phải bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở xã hội quy định Luật Nhà ở 2023;
+ Sau khi nhà ở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được ký hợp đồng thuê nhà ở với người thuê.
Việc cho thuê nhà ở xã hội được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội có bị phạt hành chính không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 65 Nghị định 16/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cụ thể đối với hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội như sau:
Điều 65. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuê nhà ở xã hội có một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở;
b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở.
...
Theo đó, hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo như quy định trên.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt như sau:
Điều 4. Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
...
3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:
a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, đối với hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Trong trường hợp tổ chức vi phạm hành vi tự ý cải tạo nhà ở khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định trên.
Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giá thuê nhà ở xã hội?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 86 Luật Nhà ở 2023 quy định cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật Nhà ở 2023 quyết định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Do đó, căn cứ theo Điều 14 Luật Nhà ở 2023 quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định giá thuê nhà ở xã hội cụ thể như sau:
(1) Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương; nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý.
(2) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mua hoặc đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý.
- Đối với nhà ở thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 do Bộ Quốc phòng đang quản lý cho thuê thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chuyển giao nhà ở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.
(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương khác (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương) là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên do cơ sở giáo dục công lập trực thuộc cơ quan đó đang quản lý.
(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 do địa phương quản lý và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.