Việc cấp và thực hiện đổi Giấy chứng minh nhân dân được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc cấp và thực hiện đổi Giấy chứng minh nhân dân được quy định như thế nào?
Theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân và Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19-11-2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này. Mỗi công dân chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng.
Những người sau đây, tạm thời chưa được cấp chứng minh nhân dân:
+Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
+ Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình.
Các trường hợp này nếu khỏi bệnh, hết thời hạn tạm giam, thời hạn thi hành án phạt tù hoặc hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh thì được cấp chứng minh nhân dân.
Theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng (thời hạn sử dụng CMND là 15 năm, kể từ ngày được cấp);
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.