Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Tự ý đổi tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì có bị phạt hành chính không?

Tự ý đổi tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì có bị phạt hành chính không? Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng gồm hình thức nào? Cá nhân có trách nhiệm gì trong phát triển nhà ở?

Nội dung chính

    Tự ý đổi tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì có bị phạt hành chính không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 63 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về phát triển nhà ở như sau:

    Vi phạm quy định về phát triển nhà ở
    1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Báo cáo, cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
    b) Đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc tên các khu vực trong dự án không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
    6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình triển khai dự án theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
    b) Buộc đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án hoặc tên các khu vực trong dự án theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
    c) Buộc hủy bỏ kết quả điều chỉnh với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
    d) Buộc chủ đầu tư ưu tiên bố trí nhà ở thương mại theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
    đ) Buộc xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
    e) Buộc chủ đầu tư sắp xếp, bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
    g) Buộc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư và công trình phụ trợ (nếu có) đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    h) Buộc dành đủ diện tích xây dựng nhà ở xã hội theo quy định với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;
    i) Buộc đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở theo quy định pháp luật với hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
    k) Buộc chủ đầu tư thực hiện theo đúng thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, diện tích xây dựng nhà ở xã hội theo quy định với hành vi quy định tại điểm h khoản 2 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
    l) Buộc chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng nhà ở xã hội theo quy định với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
    m) Buộc chủ đầu tư triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;
    n) Buộc chủ đầu tư phải dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

    Như vậy, đối với hành vi đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ bị phạt hành chính từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng. Đồng thời sẽ bị buộc đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án hoặc tên các khu vực trong dự án theo quy định với hành vi quy định.

    Lưu ý, theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì:

     Mức phạt tiền tối đa cho hành vi trên là 1.000.000.000 đồng;

    - Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Tự ý đổi tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì có bị phạt không?

    Tự ý đổi tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì có bị phạt không? (Hình từ Internet)

    Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở gồm các hình thức nào?

    Phát triển nhà ở theo dự án đầu tư bao gồm các hình thức được quy định tại Điều 30 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    - Dự án xây dựng một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở.

    - Dự án xây dựng một công trình nhà ở với mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc một cụm công trình nhà ở hỗn hợp.

    - Dự án phát triển khu nhà ở đồng bộ, kết hợp xây dựng nhà ở với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình phục vụ nhu cầu cư trú.

    - Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây nhà.

    - Dự án phát triển khu đô thị có nhà ở.

    - Dự án sử dụng đất đa mục đích, trong đó có diện tích đất dành để xây dựng nhà ở.

    Cá nhân có trách nhiệm gì trong phát triển nhà ở?

    Căn cứ theo Điều 56 Luật Nhà ở 2023 quy định về trách nhiệm của cá nhân trong phát triển nhà ở cụ thể bao gồm:

    - Phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng khi thực hiện xây dựng hoặc cải tạo nhà ở.

    - Cần tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng hoặc cải tạo nhà ở.

    - Đảm bảo an toàn cho người và tài sản của chủ sở hữu, cũng như người sử dụng các công trình lân cận trong quá trình xây dựng. Nếu gây thiệt hại, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    - Nếu cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng hoặc nhiều căn hộ để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, cần thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Nhà ở 2023.

    - Thực hiện các trách nhiệm khác liên quan đến phát triển nhà ở theo quy định pháp luật.

    5