Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ?

Phí đường bộ là gì? Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ? Các khoản như lệ phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ, phí đường bộ, bảo hiểm xe có được đưa vào nguyên giá tài sản cố định?

Nội dung chính

    Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ?

    Phí đường bộ là gì?

    Pháp luật hiện nay không có quy định nào cụ thể về khái niệm phí đường bộ, mà chỉ có quy định về phí sử dụng đường bộ tại Thông tư 70/2021/TT-BTC và Nghị định 90/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/02/2024).

    Theo đó, có thể hiểu phí đường bộ là một khoản phí mà các chủ phương tiện giao thông đường bộ phải nộp để sử dụng cho mục đích bảo trì, nâng cấp đường bộ, cầu, phà,...

    Phí đường bộ được thu theo năm và theo thời hạn đăng kiểm của chiếc xe. Chủ phương tiện giao thông phải có trách nhiệm nộp loại phí này cho cơ quan nhà nước theo đúng quy định.

    Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ? (Hình từ Internet)

    Từ ngày 01/02/2024, phương tiện giao thông nào được miễn phí sử dụng đường bộ?

    Căn cứ Điều 3 Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp miễn phí như sau:

    Các trường hợp miễn phí

    Miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các loại xe ô tô sau:

    1. Xe cứu thương.

    2. Xe chữa cháy.

    3. Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:

    a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác).

    b) Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi đơn vị đăng kiểm khi kiểm định xe (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).

    4. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh và các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng).

    5. Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân bao gồm:

    a) Xe cảnh sát giao thông có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” ở hai bên thân xe.

    b) Xe cảnh sát 113 có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.

    c) Xe cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.

    d) Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng công an nhân dân làm nhiệm vụ.

    đ) Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng công an nhân dân.

    e) Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng công an nhân dân).

    Như vậy, miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các loại xe ô tô sau:

    (1) Xe cứu thương.

    (2) Xe chữa cháy.

    (3) Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ

    (4) Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng

    (5) Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng công an nhân dân

    Các khoản như lệ phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ, phí đường bộ, bảo hiểm xe có được đưa vào nguyên giá tài sản cố định?

    Theo điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về xác định nguyên giá của tài sản cố định như sau:

    Xác định nguyên giá của tài sản cố định:

    1. Xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình:

    a) TSCĐ hữu hình mua sắm:

    Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

    Trường hợp TSCĐ hữu hình mua trả chậm, trả góp, nguyên giá TSCĐ là giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ (nếu có).

    Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng.

    Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Những tài sản dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.

    ...

    Theo đó, khi xác định nguyên giá tài sản cố định khi mua xe thì sẽ thực hiện như sau:

    Giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm thuế GTGT), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như:

    - Lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định;

    - Chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp;

    - Chi phí lắp đặt, chạy thử;

    - Lệ phí trước bạ

    - Các chi phí liên quan trực tiếp khác.

    Ngoài ra, chi phí khác và chi phí phát sinh sau thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng (như phí sử dụng đường bộ, phí bảo hiểm…) không được đưa vào nguyên giá của tài sản cố định, được tính vào chi phí theo quy định.

    Trân trọng!

    17