Trường hợp khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính bao nhiêu khi vi phạm?

Nội dung chính

    Nguyên tắc trong hoạt động khai thác khoáng sản được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 8 Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về nguyên tắc hoạt động khoáng sản như sau:

    Nguyên tắc hoạt động khoáng sản
    1. Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
    2. Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
    3. Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.
    4. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.

    Theo đó, nguyên tắc hoạt động khoáng sản được nêu rõ trong quy định nêu trên.

    Trường hợp khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào? (Hình từ internet)

    Trường hợp khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào? (Hình từ internet)

    Xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm khai thác khoáng sản?

    Căn cứ Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi điểm a điểm b khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định hành vi khai thác khoáng sản không được cấp giấy phép thì bị xử phạt như sau:

    (1) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp dựa trên tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện, cụ thể như sau:

    - Dưới 10 m3 thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

    - Từ 10 m3 đến dưới 20 m3: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

    - Từ 20 m3 đến dưới 30 m3: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

    - Từ 30 m3 đến dưới 40 m3: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

    - Từ 40 m3 đến dưới 50 m3: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;

    - Từ 50 m3 trở lên: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    (2) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác

    Trừ trường hợp quy định tại (1) và (3) thì hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác sẽ bị phạt tiền như sau:

    - Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

    - Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP;

    - Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trừ khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

    (3) Phạt tiền đối với khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại

    - Dưới 100 tấn: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

    - Từ 100 tấn đến dưới 200 tấn: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;

    - Từ 200 tấn đến dưới 300 tấn: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;

    - Từ 300 tấn đến dưới 400 tấn: Phát tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng;

    - Từ 400 tấn đến dưới 500 tấn: Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng;

    - Từ 500 tấn trở lên: Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

    (4) Hình thức xử phạt bổ sung

    Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản (1), (2) và (3).

    (5) Biện pháp khắc phục hậu quả

    - Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;

    - Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại (1), (2) và (3).

    Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại (1), (2) và (3). Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như (4).

    - Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại (1), (2) và (3) trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

    Như vậy, quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm khai thác khoáng sản không được cấp giấy phép nghiêm ngặt, nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường. Mức phạt được quy định rõ ràng theo khối lượng khoáng sản khai thác và loại khoáng sản, đồng thời có các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể.

    Hành vi nào bị xem là hành vi khai thác khoáng sản trái phép?

    Theo Điều 8 Luật Khoáng sản 2010 quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động khoáng sản như sau:

    - Lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    - Lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

    - Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    - Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.

    - Cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật nhà nước.

    - Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm.

    - Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, theo quy định trên thì khai thác khoáng sản trái phép là hành vi khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    128
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ