Trong những trường hợp nào thì con không được sống cùng mẹ khi ly hôn?
Nội dung chính
Khi ly hôn con không được sống cùng mẹ trong những trường hợp nào?
Theo như tôi biết thì khi ly hôn con sẽ được ưu tiên sống cùng mẹ. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì khi ly hôn con không được sống cùng mẹ. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi những trường hợp nào khi ly hôn con không được sống cùng mẹ? Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì những trường hợp sau con sẽ không sống cùng mẹ khi ly hôn:
1. Con từ đủ 07 tuổi không muốn ở với mẹ;
2. Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
3. Người mẹ thỏa thuận sẽ không làm người trực tiếp nuôi con khi ly hôn.
Trên đây là 03 trường hợp con sẽ không sống cùng mẹ sau khi ly hôn.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Trong những trường hợp nào thì con không được sống cùng mẹ khi ly hôn?(Hình ảnh Internet)
Chồng ngoại tình thì có thể ly hôn?
Mẹ và cha chưa ly hôn nhưng cha chung sống cùng người phụ nữ khác người đó còn gửi hình ngủ với cha em đễ chọc tức mẹ vậy có bằng chứng có thể kiện ko kiện thế nào người đó giàu nên cả dòng hùa theo coi mẹ em như kẻ lạ. Em cảm ơn ạ!
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Trong trường hợp này, nếu bố bạn và người đàn bà kia ngang nhiên ngoại tình và đã đến mức không thể níu kéo thì Tòa án sẽ xem xét cho mẹ bạn ly hôn.
Khi vợ đang mang thai thì chồng có được quyền ly hôn?
Tôi đang mang thai được 6 tháng, chồng ngoại tình và muốn ly hôn nhưng tôi không đồng ý. Anh dọa là nếu tôi không đồng ý thì sẽ nộp đơn xin ly hôn đơn phương. Tôi nghe nói nếu người vợ đang mang thai thì chồng không có quyền được ly hôn đúng không? Nhưng nếu trong trường hợp tôi muốn là người nộp đơn ly hôn thì có được giải quyết không? Xin LS tư vấn, cảm ơn!
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ theo quy định trên thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ, thì quyền này của người chồng bị hạn chế. Nghĩa là nếu rơi vào trường hợp này chồng không được quyền yêu cầu ly hôn.
Cụ thể: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo thông tin chị cung cấp thì chị đang mang thai được 6 tháng nhưng chồng ngoại tình và muốn ly hôn, chị không đồng ý. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ không thụ lý đơn ly hôn của chồng chị và chồng chị phải đợi đến khi chị sinh con xong, đứa trẻ trên 12 tháng tuổi thì mới có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Quy định này chỉ hạn chế quyền của người chồng, trong thời gian này nếu chị suy nghĩ lại và có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn xem xét, thụ lý và giải quyết.