09:59 - 22/11/2024

Trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào từ ngày 01/01/2025?

Trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào từ ngày 01/01/2025? Trường hợp thu hồi và giải quyết khi không thực hiện giao nộp?

Nội dung chính

    Trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào từ ngày 01/01/2025?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 149/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
    1. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo trình tự như sau:
    a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ để giao nộp. Sau khi nhận được văn bản đề nghị cấp giấy phép vận chuyển thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, sử dụng tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này. Trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ tại trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị giao nộp thì không phải cấp giấy phép vận chuyển.
    Cơ quan có thẩm quyền trang cấp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sau khi nhận được văn bản đề nghị thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của các đơn vị trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thì tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này;

    b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, sử dụng hoặc cơ quan có thẩm quyền trang cấp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản thu hồi, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Biên bản lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, 01 bản lưu tại cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

    ...

    Như vậy, việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo trình tự theo quy định trên.

    Biên bản thu hồi cần được lập thành hai bản, một bản giao cho đơn vị giao nộp và một bản lưu lại tại cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

    Trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào từ ngày 01/01/2025?

    Trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thực hiện như thế nào từ ngày 01/01/2025? (Ảnh từ Internet)

    Trường hợp nào bị thu hồi vũ khí?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 quy định như sau:

    Trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
    1. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
    a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải thể hoặc không còn nhu cầu sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;
    b) Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng;
    c) Không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này.
    2. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong trường hợp sau đây:
    a) Tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

    b) Cơ quan có thẩm quyền đã thu hồi giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

    ...

    Theo đó, việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải được thực hiện trong các trường hợp như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải thể, không còn nhu cầu sử dụng, hoặc khi vũ khí, vật liệu nổ hết hạn sử dụng, hư hỏng và không thuộc đối tượng được trang bị.

    Đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vũ khí, việc thu hồi cũng xảy ra khi họ chấm dứt hoạt động hoặc khi giấy phép kinh doanh bị thu hồi.

    Nếu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện việc giao nộp vũ khí thì giải quyết như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 149/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
    ...

    3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì cơ quan có thẩm quyền trang cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị tiến hành kiểm tra, lập biên bản theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này, tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ và xử lý theo quy định của pháp luật.

    ...

    Như vậy, khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ khi có yêu cầu thu hồi, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tổ chức thu hồi các vật phẩm, đồng thời xử lý theo pháp luật.

    Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

    Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

    12