Luật Đất đai 2024

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

Số hiệu 42/2024/QH15
Cơ quan ban hành Quốc hội
Ngày ban hành 29/06/2024
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Loại văn bản Luật
Người ký Trần Thanh Mẫn
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 42/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2024

 

LUẬT

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những thiết bị, phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn.

2. Vũ khí quân dụng bao gồm:

a) Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này;

b) Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

c) Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều này trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

d) Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều này sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

đ) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a khoản này bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa;

e) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm b khoản này bao gồm: thân súng, bộ phận cò;

g) Vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

3. Súng săn là súng kíp, đạn sử dụng cho súng này sử dụng vào mục đích săn bắn.

4. Vũ khí thô sơ bao gồm:

a) Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

b) Dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều này sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

5. Vũ khí thể thao bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành được trang bị, sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao;

b) Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao;

c) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a khoản này bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa.

6. Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

7. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:

a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;

b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

8. Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

9. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự thuộc danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

10. Tiền chất thuốc nổ là hóa chất nguy hiểm, trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ thuộc danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

b) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

c) Công cụ khác có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

12. Phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vật liệu được thải loại trong quá trình sản xuất; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng được tiếp nhận, thu gom.

13. Kinh doanh là việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

14. Quản lý bao gồm các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan.

2. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.

4. Người có thẩm quyền ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình theo quy định.

5. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

6. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc người có thẩm quyền cho phép, bảo đảm quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.

7. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ định kỳ phải được kiểm tra, thống kê, đánh giá chất lượng; trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lý, tiêu hủy theo quy định và phải bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường.

8. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ bị mất phải kịp thời báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp.

9. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 của Luật này là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng hoặc chiếm đoạt súng săn.

4. Vận chuyển, mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ và nơi công cộng.

5. Lợi dụng, lạm dụng việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao.

8. Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

9. Trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, viện trợ, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để phục vụ việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật này;

b) Trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo;

c) Được cấp có thẩm quyền cho phép.

10. Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

11. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

12. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố trái phép phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

13. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc quảng cáo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.

14. Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

15. Tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

16. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Chỉ được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này.

3. Phân công người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 7 của Luật này quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Bố trí kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này.

Điều 6. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

c) Đã qua đào tạo, huấn luyện về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Cảnh sát biển, Công an nhân dân đã qua đào tạo, huấn luyện về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;

d) Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp người bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án thì phải được xóa án tích.

2. Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sau đây:

a) Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng quy định;

b) Mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng, trừ trường hợp đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Cảnh sát biển, Công an nhân dân;

c) Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng;

d) Bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

3. Chính phủ quy định việc đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 7. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

c) Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp người bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án thì phải được xóa án tích;

d) Đã qua huấn luyện, được cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

đ) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Đã qua huấn luyện, được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy;

c) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.

4. Chính phủ quy định việc huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

Điều 8. Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải theo đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.

2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường.

Kho vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải thể hoặc không còn nhu cầu sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng;

c) Không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này.

2. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Cơ quan có thẩm quyền đã thu hồi giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

3. Thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Vũ khí, công cụ hỗ trợ bị mất;

c) Giấy phép sử dụng cấp không đúng thẩm quyền.

4. Thu hồi giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ trong trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp kinh doanh công cụ hỗ trợ giải thể; chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và không còn hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ;

b) Doanh nghiệp không kinh doanh công cụ hỗ trợ trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh;

c) Doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

5. Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ giải thể; chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

b) Tổ chức, doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo quy định của Luật này; không đáp ứng đầy đủ hoặc không thực hiện đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận;

c) Doanh nghiệp không kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong thời gian 02 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh.

6. Giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng, hư hỏng phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 của Luật này.

Điều 10. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ; lý do giao nộp; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; số giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ theo quy định.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không đề nghị giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợgiấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì cơ quan cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi, xử lý theo quy định.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 11. Trường hợp mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Bảo vệ khách quốc tế là đối tượng cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh vệ;

b) Luyện tập, thi đấu thể thao; chào hàng, giới thiệu, triển lãm, trưng bày sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

c) Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra, vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Bảo vệ đối tượng cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ;

b) Luyện tập, thi đấu thể thao; chào hàng, giới thiệu, triển lãm, trưng bày sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

c) Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 12. Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để làm nhiệm vụ bảo vệ theo quy định tại điểm a khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều 11 của Luật này; trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 11 của Luật này.

3. Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 Điều 11 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Điều 13. Thủ tục cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Thủ tục cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với trường hợp không theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ lý do, thời hạn mang vào, ra; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người mang vũ khí, công cụ hỗ trợ và người đến liên hệ; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và phương tiện vận chuyển; cửa khẩu mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 11 của Luật này thì phải có bản sao quyết định, chương trình hoặc kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Hồ sơ đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này hoặc mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn, chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có), cơ quan Công an có thẩm quyền cấp phép phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

2. Thủ tục cấp giấy phép đối với trường hợp mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 14. Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để chào hàng, giới thiệu, triển lãm, trưng bày sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật

1. Vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để chào hàng, giới thiệu sản phẩm, sau khi hết thời hạn chào hàng, giới thiệu sản phẩm phải mang ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầy đủ số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ theo giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Điều 15 của Luật này.

2. Bảo tàng, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở điện ảnh sản xuất phim được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã làm mất tính năng, tác dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Trường hợp có nhu cầu sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thì Bộ trưởng Bộ Công an quyết định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật do cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện.

3. Thủ tục cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của bảo tàng, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở điện ảnh sản xuất phim có nhu cầu trang bị; tổ chức, doanh nghiệp bán vũ khí, công cụ hỗ trợ; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Thủ tục cấp giấy phép trang bị, giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

5. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Điều 15. Đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ.

2. Việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan;

b) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Chỉ được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật này;

d) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

4. Thủ tục tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, sau khi tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để sử dụng thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo theo quy định tại các điều 21, 26 hoặc 55 của Luật này.

6. Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 16. Giám định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ quan có thẩm quyền giám định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Trình tự, thủ tục giám định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Chương II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ

Điều 17. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí

1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và quy định của Luật này.

2. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản 2, điểm a khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 2 của Luật này.

3. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí quy định tại điểm b và điểm c khoản 2, điểm a khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 2 của Luật này.

4. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

5. Tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 18. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng

1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:

a) Quân đội nhân dân;

b) Dân quân tự vệ;

c) Cảnh sát biển;

d) Công an nhân dân;

đ) Cơ yếu;

e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

g) Kiểm lâm, Kiểm ngư;

h) An ninh hàng không;

i) Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 19. Loại vũ khí quân dụng trang bị cho Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan

1. Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, An ninh hàng không được trang bị súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

2. Kiểm lâm, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này.

3. Kiểm ngư được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5 mm và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Trường hợp cần thiết phải trang bị loại vũ khí quân dụng ngoài quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 20. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng

1. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, đơn vị có nhu cầu trang bị, doanh nghiệp bán vũ khí quân dụng, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ, lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí quân dụng; văn bản đồng ý của lãnh đạo Bộ, ngành về việc trang bị vũ khí quân dụng;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị vũ khí quân dụng; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 60 ngày.

2. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 21. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng

1. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ, số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí quân dụng; bản sao hóa đơn, bản sao phiếu xuất kho hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp;

b) Cấp lại giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với các trường hợp thay đổi thông tin về cơ quan, đơn vị hoặc mất, hư hỏng giấy phép sử dụng.

Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị; lý do đề nghị cấp lại; số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu từng loại vũ khí quân dụng; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ. Trường hợp mất, hư hỏng giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng thì văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý;

c) Hồ sơ, văn bản quy định tại điểm a và điểm b khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng chỉ cấp cho cơ quan, đơn vị được trang bị và không có thời hạn.

2. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 22. Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng

1. Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:

a) Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;

b) Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo;

c) Việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;

d) Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

đ) Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 23 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 23 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều này; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự

1. Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;

c) Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;

d) Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.

2. Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, bạo loạn, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;

b) Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

c) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;

đ) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp vũ khí quân dụng của người thi hành công vụ;

e) Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

g) Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.

Điều 24. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao

1. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao bao gồm:

a) Quân đội nhân dân;

b) Dân quân tự vệ;

c) Cảnh sát biển;

d) Công an nhân dân;

đ) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

e) Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh;

g) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.

2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 25. Thủ tục trang bị vũ khí thể thao

1. Thủ tục trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị, tổ chức, doanh nghiệp bán vũ khí thể thao và họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí thể thao; văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc trang bị vũ khí thể thao;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị vũ khí thể thao; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép trang bị vũ khí thể thao có thời hạn 60 ngày.

2. Thủ tục trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 26. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao

1. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lý do, số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí thể thao và số giấy phép trang bị vũ khí thể thao; bản sao hóa đơn, bản sao phiếu xuất kho hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp;

b) Cấp lại giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đối với các trường hợp thay đổi thông tin về cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc mất, hư hỏng giấy phép sử dụng.

Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vũ khí thể thao phải ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; lý do đề nghị cấp lại; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu từng loại vũ khí thể thao; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ. Trường hợp mất, hư hỏng giấy phép sử dụng vũ khí thể thao thì văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý;

c) Hồ sơ, văn bản quy định tại điểm a và điểm b khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao chỉ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị và không có thời hạn.

2. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 27. Sử dụng vũ khí thể thao

1. Vũ khí thể thao được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và sử dụng trong luyện tập, thi đấu thể thao tại trường bắn hoặc địa điểm luyện tập, thi đấu, được cảnh giới và có biện pháp bảo đảm an toàn; tuân thủ giáo án luyện tập, luật thi đấu thể thao và điều lệ giải.

2. Vũ khí thể thao phải được kiểm tra an toàn trước, trong và sau khi luyện tập, thi đấu.

3. Vũ khí thể thao được giao cho vận động viên, huấn luyện viên, học viên hoặc hội viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật này để luyện tập, thi đấu thể thao tại trường bắn hoặc địa điểm luyện tập, thi đấu.

Điều 28. Thủ tục cấp giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao

1. Thủ tục cấp giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được phép sản xuất, kinh doanh vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu mua và tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp bán; lý do mua; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao có thời hạn 30 ngày.

2. Thủ tục cấp giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 29. Vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao

1. Việc vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải có giấy phép hoặc mệnh lệnh vận chuyển của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Bảo đảm bí mật, an toàn;

c) Vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao nguy hiểm phải sử dụng phương tiện chuyên dùng và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

d) Không được chở vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao và người trên cùng một phương tiện, trừ người điều khiển phương tiện và người áp tải;

đ) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao ở nơi đông người, khu vực dân cư, cửa hàng xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố mà không đủ lực lượng bảo vệ thì người điều khiển phương tiện, người áp tải phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ, người điều khiển phương tiện và người áp tải; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; thời gian vận chuyển, nơi đi, nơi đến, tuyến đường vận chuyển;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao có thời hạn 30 ngày;

đ) Trường hợp vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao bằng nhiều phương tiện giao thông cùng loại trong một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện giao thông thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.

3. Thủ tục cấp mệnh lệnh vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 30. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao

1. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu sửa chữa và tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiến hành sửa chữa; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đề nghị sửa chữa; thời gian sửa chữa; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Việc sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 31. Khai báo vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo

1. Tổ chức, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 của Luật này là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo có trách nhiệm thực hiện việc khai báo.

2. Thủ tục khai báo vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo thực hiện như sau:

a) Hồ sơ khai báo bao gồm: tờ khai, trong đó ghi rõ họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đề nghị, lý do khai báo, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu vũ khí thô sơ (nếu có); bản sao giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vũ khí thô sơ (nếu có);

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc nộp tại Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc nơi cư trú;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an xã, phường, thị trấn phải thông báo xác nhận khai báo vũ khí cho tổ chức, cá nhân sở hữu.

Chương III

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ

Điều 32. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng

1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản vật liệu nổ quân dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và quy định của Luật này.

2. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản vật liệu nổ quân dụng phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản vật liệu nổ quân dụng;

b) Thiết lập hệ thống tổ chức quản lý, kỹ thuật an toàn do người chỉ huy trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân công người có đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tai nạn cháy, nổ;

c) Có phương án bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường cho cơ sở nghiên cứu, sản xuất, hệ thống kho, nơi bốc dỡ, phương tiện vận chuyển và định kỳ tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kho chứa vật liệu nổ quân dụng phải thiết kế, xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng vật liệu nổ quân dụng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 33. Vận chuyển vật liệu nổ quân dụng

1. Việc vận chuyển vật liệu nổ quân dụng thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải có giấy phép hoặc mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ quân dụng của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Bảo đảm bí mật, an toàn;

c) Sử dụng phương tiện chuyên dùng bảo đảm điều kiện vận chuyển vật liệu nổ quân dụng bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;

d) Không được chở vật liệu nổ quân dụng và người trên cùng một phương tiện, trừ người điều khiển phương tiện, người áp tải;

đ) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vật liệu nổ quân dụng ở nơi đông người, khu vực dân cư, cửa hàng xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố mà không đủ lực lượng bảo vệ thì người điều khiển phương tiện, người áp tải phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; lý do; khối lượng vật liệu nổ quân dụng cần vận chuyển; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ, người điều khiển phương tiện và người áp tải; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; thời gian vận chuyển, nơi đi, nơi đến, tuyến đường vận chuyển;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng có thời hạn 30 ngày;

đ) Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ quân dụng bằng nhiều phương tiện giao thông cùng loại trong một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện giao thông thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.

3. Thủ tục cấp mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ quân dụng đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

1. Việc nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ;

b) Việc triển khai sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp được thực hiện tại cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có đủ điều kiện theo quy định và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; người quản lý, người lao động, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

c) Có đủ phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu, thành phẩm trong quá trình sản xuất; có nơi thử nghiệm riêng biệt, an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

d) Thực hiện việc phân loại, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp chỉ được mua vật liệu nổ phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất thuốc nổ và phụ kiện nổ; bán sản phẩm đúng chủng loại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

3. Việc kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Địa điểm kho, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ;

c) Kho, thiết bị bốc dỡ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu về bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy và chữa cháy; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với tổ chức, doanh nghiệp được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thuộc danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam; được mua lại vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết. Việc kinh doanh phải bảo đảm đúng quy định trong giấy phép kinh doanh.

4. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Doanh nghiệp được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì được xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

b) Chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp khi có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương cấp;

c) Việc ủy thác nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp chỉ được thực hiện giữa tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, doanh nghiệp được phép kinh doanh hoặc tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng với doanh nghiệp được phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, đánh giá và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam vào danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.

6. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; việc huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 35. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; số quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương công nhận kết quả đăng ký của sản phẩm và đưa sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp vào danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam đối với vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng ở Việt Nam; số giấy phép môi trường. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Bản sao văn bản giao nhiệm vụ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đã được phép nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này;

c) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

d) Bản sao giấy chứng nhận kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thiết bị đo, kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật vật liệu nổ;

đ) Tài liệu chứng minh bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, bố trí mặt bằng, bố trí dây chuyền công nghệ; hệ thống điện, chống sét; kết quả nghiệm thu về chất lượng công trình xây dựng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đang sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có yêu cầu chuyển đổi tên tổ chức, doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất thì đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị; bản sao quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép đổi tên tổ chức, doanh nghiệp.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp nhưng không làm giảm yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mặt bằng, công nghệ và điều kiện về phòng, chống cháy, nổ, kỹ thuật an toàn của dây chuyền sản xuất đã được cấp phép thì sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, trong đó có thông tin về kết quả cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp bị sự cố, tai nạn phá hủy làm hư hỏng dây chuyền sản xuất thì sau khi có kết quả điều tra và sửa chữa phục hồi, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp lập hồ sơ kỹ thuật của quá trình sửa chữa, phục hồi và có văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, trong đó có thông tin về kết quả sửa chữa, phục hồi dây chuyền sản xuất.

5. Hồ sơ, văn bản quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 36. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; lý do; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; danh sách lãnh đạo, cán bộ quản lý có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản, vận chuyển, kinh doanh; số giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng đo lường cấp cho cơ sở thí nghiệm vật liệu nổ công nghiệp (nếu có). Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Bản sao văn bản giao nhiệm vụ kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng hoặc có thay đổi phạm vi kinh doanh theo giấy phép được cấp thì doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm: báo cáo hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 37. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; số giấy phép kinh doanh; lý do; số lượng, chủng loại, nước sản xuất; cửa khẩu; phương tiện, thời gian vận chuyển; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Bản sao hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp với doanh nghiệp nước ngoài; hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp với doanh nghiệp trong nước.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn 06 tháng.

Điều 38. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hoạt động ngành, nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Có hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; công trình xây dựng, nghiên cứu, thử nghiệm; xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Có kho, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê hoặc văn bản thể hiện ý định giao kết hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp có kho, phương tiện vận chuyển đủ điều kiện bảo quản, vận chuyển theo quy định của Luật này;

d) Địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định có liên quan;

đ) Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Quy mô sử dụng thuốc nổ trong 01 quý từ 500 kg trở lên, trừ trường hợp sử dụng thuốc nổ để thử nghiệm, thăm dò, đánh giá địa chất và khai thác đá ốp lát.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định sau đây:

a) Chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp có trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam từ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

b) Vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết hoặc không còn nhu cầu sử dụng phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc tiêu huỷ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

c) Bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn; thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi tiến hành nổ mìn;

d) Lập phương án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi nổ mìn. Trong phương án nổ mìn phải quy định cụ thể các biện pháp an toàn, bảo vệ, canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn và nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình quốc phòng, an ninh hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật, phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý trên cơ sở giám sát, đánh giá các ảnh hưởng nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn;

đ) Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện các hoạt động theo giấy phép.

3. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 39. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bản sao giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí đối với doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, dầu khí; bản sao quyết định trúng thầu thi công công trình, bản sao hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp, văn bản của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Luật này;

c) Thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ, đề án thăm dò khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với hoạt động xây dựng, khai thác thủ công. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải bảo đảm điều kiện về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

d) Phương án nổ mìn được lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp ký duyệt.

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình quốc phòng, an ninh hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản phê duyệt của cơ quan cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý về phương án nổ mìn;

đ) Bản sao văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp và điều kiện bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

e) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có kho hoặc không có phương tiện vận chuyển, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có văn bản thể hiện ý định giao kết hợp đồng thuê kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp với tổ chức, doanh nghiệp có kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm điều kiện bảo quản, vận chuyển theo quy định của Luật này;

g) Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp và danh sách thợ nổ mìn, người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có); bản sao chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của người chỉ huy nổ mìn và đội ngũ thợ nổ mìn.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng, hết hiệu lực và không thay đổi điều kiện quy mô hoạt động thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp.

3. Trường hợp có thay đổi quy mô hoạt động hoặc điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chứng minh sự thay đổi về quy mô hoạt động hoặc điều kiện sử dụng.

4. Trường hợp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 38 của Luật này nhưng không tự thực hiện việc nổ mìn thì tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn.

5. Hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Thời hạn của giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thời hạn của giấy phép thăm dò khoáng sản nhưng không quá 04 năm; theo thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không quá 05 năm; theo thời hạn công trình đối với trường hợp phục vụ thi công công trình, thử nghiệm, hoạt động dầu khí và hoạt động khác do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật nhưng không quá 02 năm.

8. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 40. Dịch vụ nổ mìn

1. Hình thức và yêu cầu hoạt động dịch vụ nổ mìn quy định như sau:

a) Dịch vụ nổ mìn là việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện hợp đồng nổ mìn giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của Luật này, bao gồm: dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa; dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Số lượng, phạm vi, quy mô của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn phải phù hợp với nhiệm vụ, nhu cầu của hoạt động xây dựng, hoạt động khoáng sản tập trung và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương;

c) Trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp chỉ định, bắt buộc việc thực hiện dịch vụ nổ mìn ở khu vực, địa điểm có đặc thù về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn quy định như sau:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn; đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Có đủ điều kiện về sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của Luật này; có cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự bảo đảm cung ứng dịch vụ nổ mìn cho tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ;

c) Có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan khi sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện dịch vụ nổ mìn.

3. Tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ nổ mìn có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Không phải có giấy phép đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp đã thuê dịch vụ nổ mìn;

b) Chỉ được thuê tối đa 02 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ nổ mìn cung ứng một loại dịch vụ nổ mìn ở một khu vực cần thực hiện nổ mìn và phải phân định bằng văn bản để thống nhất phạm vi được phép sử dụng dịch vụ nổ mìn, phương thức nổ mìn bảo đảm an toàn giữa bên thuê và bên thực hiện dịch vụ nổ mìn có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương nơi sử dụng;

c) Theo sự điều hành của bên cung ứng dịch vụ nổ mìn trong các hoạt động cụ thể khi bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ bên cung ứng dịch vụ nổ mìn các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hình thức dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn của cơ quan quản lý có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định đối với dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Đề án dịch vụ nổ mìn nêu rõ mục tiêu, quy mô, phạm vi, tính phù hợp quy hoạch, nhu cầu về dịch vụ nổ mìn và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp; các điều kiện cần thiết và giải pháp bảo đảm về an ninh, an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ nổ mìn; bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc giấy phép dịch vụ nổ mìn và phương án nổ mìn điển hình đã thực hiện trong 02 năm trở về trước tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn; giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm đ, e và g khoản 1 Điều 39 của Luật này;

d) Trường hợp doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì hồ sơ không bao gồm giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b khoản này và điểm đ khoản 1 Điều 39 của Luật này.

5. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng, hết hiệu lực, doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép dịch vụ nổ mìn; khi có thay đổi phạm vi hoạt động dịch vụ nổ mìn, doanh nghiệp đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn; báo cáo hoạt động dịch vụ nổ mìn trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp lần trước.

6. Hồ sơ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Giấy phép dịch vụ nổ mìn có thời hạn 02 năm.

9. Doanh nghiệp được cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất 10 ngày, thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện nổ mìn ít nhất 24h trước khi thực hiện hoạt động dịch vụ nổ mìn.

Điều 41. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa;

b) Phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

c) Người quản lý, người điều khiển phương tiện, người áp tải và người phục vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy;

d) Có giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

2. Việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;

c) Có phương án vận chuyển bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp;

d) Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Không được chở vật liệu nổ công nghiệp và người trên cùng một phương tiện, trừ người điều khiển phương tiện, người áp tải;

e) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp ở nơi đông người, khu vực dân cư, cửa hàng xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; không vận chuyển khi thời tiết bất thường. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố mà không đủ lực lượng bảo vệ thì người điều khiển phương tiện, người áp tải phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

3. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, người điều khiển phương tiện, người áp tải; số lệnh xuất hoặc số hoá đơn, khối lượng, số lượng, chủng loại vật liệu nổ công nghiệp cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; số giấy phép lái xe. Trường hợp có thay đổi thông tin trong giấy phép thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép vận chuyển phải lập văn bản đề nghị ghi rõ nội dung đề nghị điều chỉnh trong nội dung giấy phép vận chuyển;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép vận chuyển; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn 30 ngày và chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển; trường hợp không sử dụng hết số lượng vật liệu nổ công nghiệp theo giấy phép vận chuyển thì doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp vận chuyển phải lập biên bản xác nhận số vật liệu nổ công nghiệp còn thừa và sử dụng giấy phép vận chuyển đã cấp để vận chuyển ngược lại kho của doanh nghiệp cung ứng hoặc kho bảo quản của doanh nghiệp sử dụng. Sau khi hoàn thành việc vận chuyển phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép vận chuyển.

4. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.

5. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bên trong ranh giới mỏ, công trường hoặc cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trên các đường không giao cắt với đường thủy, đường bộ công cộng thì không phải xin cấp giấy phép nhưng phải thực hiện đúng quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này.

6. Khi có yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở khu vực có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự thì cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an quyết định tạm ngừng cấp giấy phép hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 42. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền;

b) Kiểm tra an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ban hành nội quy, quy định, quy trình bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng phương án, lập hộ chiếu nổ mìn;

c) Bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng loại vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn 10 năm;

d) Báo cáo định kỳ, đột xuất.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp chỉ được mua bán sản phẩm đúng khối lượng, số lượng, chủng loại theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, xây dựng phương án nổ mìn, hộ chiếu nổ mìn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 43. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ

1. Việc nghiên cứu, chế tạo tiền chất thuốc nổ do tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ thực hiện.

2. Việc sản xuất tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Do tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện;

b) Địa điểm cơ sở sản xuất tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự. Nhà xưởng, kho, công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy mô và đặc điểm nguyên liệu, sản phẩm tiền chất thuốc nổ; bảo đảm yêu cầu về an toàn, phòng cháy và chữa cháy, khoảng cách an toàn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Có đủ phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu trong quá trình sản xuất;

d) Chỉ được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh, sử dụng tiền chất thuốc nổ.

3. Việc kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Do doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện;

b) Địa điểm kho, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức, doanh nghiệp có kho chứa, sử dụng kho của bên mua, bên bán hoặc kho thuê theo hợp đồng để chứa tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm điều kiện về bảo quản chất lượng trong thời gian kinh doanh; công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm chất lượng và vệ sinh môi trường; phương tiện vận chuyển tiền chất thuốc nổ theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng nguy hiểm; có chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại tiền chất thuốc nổ kinh doanh; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại hoặc có hợp đồng vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường;

c) Có kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của Luật Hóa chất;

d) Người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải được huấn luyện an toàn hóa chất và huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy.

4. Việc xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ thì được xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ;

b) Chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ khi có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương cấp;

c) Việc ủy thác nhập khẩu tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, doanh nghiệp được phép kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng với tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ.

5. Miễn trừ cấp phép trong trường hợp sau đây:

a) Miễn trừ việc cấp giấy phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ phục vụ cho nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với khối lượng sử dụng trong 01 năm từ 05 kg trở xuống;

b) Tổ chức nhập khẩu tiền chất thuốc nổ để sử dụng trực tiếp cho sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm phải có giấy phép nhập khẩu tiền chất thuốc nổ và được miễn trừ việc cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ nhưng vẫn phải bảo đảm điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Tổ chức sử dụng tiền chất thuốc nổ không hết khi bán lại cho tổ chức cung cấp tiền chất thuốc nổ hợp pháp được miễn trừ việc cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ.

Điều 44. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số văn bản thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà, công trình sản xuất, kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; số giấy phép môi trường. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên thì phải có số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất tiền chất thuốc nổ theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đang sản xuất tiền chất thuốc nổ có yêu cầu chuyển đổi tên tổ chức, doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất thì đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ. Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị; bản sao quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép đổi tên tổ chức, doanh nghiệp và bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ có cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất tiền chất thuốc nổ nhưng không làm giảm các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mặt bằng, công nghệ và điều kiện về phòng, chống cháy, nổ, kỹ thuật an toàn của dây chuyền sản xuất đã được cấp phép thì sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổvăn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ, trong đó có thông tin về kết quả cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất tiền chất thuốc nổ.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ bị sự cố, tai nạn phá hủy làm hư hỏng dây chuyền sản xuất thì sau khi có kết quả điều tra và sửa chữa phục hồi, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ lập hồ sơ kỹ thuật của quá trình sửa chữa, phục hồi và có văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ, trong đó có thông tin về kết quả sửa chữa, phục hồi dây chuyền sản xuất.

5. Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 45. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; số giấy phép môi trường. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên thì phải có số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bảng kê khai hệ thống kho, bến cảng, nhà xưởng của cơ sở kinh doanh và văn bản cho phép đưa công trình vào sử dụng; danh sách các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao giấy phép lưu hành; kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng thì doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Văn bản đề nghị cấp lại nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý. Thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp lại không thay đổi.

3. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ được điều chỉnh trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, địa điểm, quy mô, điều kiện hoạt động hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị điều chỉnh; giấy tờ, tài liệu liên quan chứng minh nội dung thay đổi. Thời hạn hiệu lực của giấy phép không thay đổi.

4. Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

6. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ có thời hạn 05 năm.

Điều 46. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; số giấy phép kinh doanh; lý do; số lượng, chủng loại, nước sản xuất; cửa khẩu; phương tiện, thời gian vận chuyển; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Bản sao hợp đồng, đơn đặt hàng hoặc hoá đơn mua bán tiền chất thuốc nổ;

c) Bản thuyết minh quy trình sản xuất, thử nghiệm hoặc đề cương nghiên cứu, trong đó có sử dụng tiền chất thuốc nổ đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất thuốc nổ để sử dụng trực tiếp cho sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ có thời hạn 06 tháng.

Điều 47. Vận chuyển tiền chất thuốc nổ

1. Tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển tiền chất thuốc nổ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất thuốc nổ hoặc doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa;

b) Có phương tiện đủ điều kiện vận chuyển tiền chất thuốc nổ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động tiền chất thuốc nổ; bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

c) Người quản lý, người điều khiển phương tiện, người áp tải và người phục vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển tiền chất thuốc nổ phải có trình độ chuyên môn phù hợp, được huấn luyện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

d) Có giấy phép hoặc mệnh lệnh vận chuyển tiền chất thuốc nổ; biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

2. Việc vận chuyển tiền chất thuốc nổ thực hiện theo quy định sau đây:

a) Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ;

b) Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;

c) Có phương án bảo đảm vận chuyển an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp;

d) Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến tiền chất thuốc nổ;

đ) Không được chở tiền chất thuốc nổ và người trên cùng một phương tiện, trừ người điều khiển phương tiện, người áp tải;

e) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển tiền chất thuốc nổ ở nơi đông người, khu vực dân cư, cửa hàng xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; không vận chuyển tiền chất thuốc nổ khi thời tiết bất thường. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố mà không đủ lực lượng bảo vệ thì người điều khiển phương tiện, người áp tải phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

3. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người điều khiển phương tiện, người áp tải; số lệnh xuất hoặc số hoá đơn, khối lượng, số lượng, chủng loại tiền chất thuốc nổ cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; số giấy phép lái xe;

b) Trường hợp có thay đổi thông tin trong giấy phép thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép vận chuyển phải lập văn bản đề nghị ghi rõ nội dung đề nghị điều chỉnh trong nội dung giấy phép vận chuyển;

c) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a và điểm b khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ có thời hạn 30 ngày;

e) Trường hợp vận chuyển tiền chất thuốc nổ bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.

4. Trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển thì phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

5. Khi có yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở khu vực có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự thì cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an quyết định tạm ngừng cấp giấy phép hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp mệnh lệnh vận chuyển tiền chất thuốc nổ đối với tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 48. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ

1. Tổ chức, doanh nghiệp duy trì đủ điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ và có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng loại tiền chất thuốc nổ trong thời hạn 05 năm;

b) Báo cáo định kỳ, đột xuất;

c) Bảo đảm quy định về an toàn trong sử dụng, cất trữ, bảo quản, xử lý hóa chất bị thải bỏ đối với hóa chất nguy hiểm theo quy định của Luật Hóa chất.

2. Tổ chức sử dụng tiền chất thuốc nổ chỉ được mua tiền chất thuốc nổ trong danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam từ tổ chức sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ hợp pháp; bán lại tiền chất thuốc nổ không sử dụng hết cho tổ chức sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ hợp pháp.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận và chỉ được mua bán tiền chất thuốc nổ trong danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Chương V

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 49. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ

1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và quy định của Luật này.

2. Việc kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Do doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện;

b) Bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;

c) Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển công cụ hỗ trợ, phòng cháy và chữa cháy;

d) Người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến kinh doanh phải có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về quản lý công cụ hỗ trợ, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Chỉ được kinh doanh công cụ hỗ trợ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và theo giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ thì được xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ;

b) Người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ phải có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về quản lý công cụ hỗ trợ, phòng cháy và chữa cháy;

c) Công cụ hỗ trợ xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng trên từng công cụ hỗ trợ.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý.

Điều 50. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ đối với doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; lý do; số quyết định thành lập hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; danh sách người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản và kinh doanh công cụ hỗ trợ;

b) Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho bảo quản công cụ hỗ trợ.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin trong giấy phép thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

3. Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 51. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ

1. Tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng của công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.

2. Văn bản đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ có thời hạn 90 ngày.

5. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 52. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Quân đội nhân dân;

b) Dân quân tự vệ;

c) Cảnh sát biển;

d) Công an nhân dân;

đ) Cơ yếu;

e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

g) Cơ quan thi hành án dân sự;

h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan;

k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;

l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

n) Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

p) Cơ sở cai nghiện ma túy;

q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 53. Thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ

1. Thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị và tên, địa chỉ của tổ chức, doanh nghiệp bán công cụ hỗ trợ, lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu công cụ hỗ trợ cần trang bị, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách thì phải có bản sao quyết định thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách;

b) Hồ sơ đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ có thời hạn 60 ngày.

3. Thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 54. Thủ tục cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ

1. Tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ khi mua công cụ hỗ trợ phải có văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp mua và tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp bán; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.

2. Văn bản đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy phép mua công cụ hỗ trợ có thời hạn 30 ngày.

5. Thủ tục cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 55. Cấp giấy phép sử dụng, đăng ký, khai báo công cụ hỗ trợ

1. Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng phải được cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo với cơ quan Công an có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Công an quy định loại công cụ hỗ trợ được cấp giấy phép hoặc đăng ký, khai báo và trình tự, thủ tục đăng ký, khai báo.

2. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lý do, số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng công cụ hỗ trợ, số giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; bản sao hóa đơn, bản sao phiếu xuất kho hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp;

b) Cấp lại giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ đối với các trường hợp thay đổi thông tin về cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc mất, hư hỏng giấy phép sử dụng.

Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lý do, số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu từng loại công cụ hỗ trợ; trường hợp mất, hư hỏng giấy phép sử dụng thì văn bản phải nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý;

c) Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại điểm a và điểm b khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế, cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ chỉ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị và không có thời hạn.

3. Việc cấp giấy phép sử dụng, đăng ký, khai báo công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 56. Vận chuyển công cụ hỗ trợ

1. Việc vận chuyển công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải có giấy phép hoặc mệnh lệnh vận chuyển công cụ hỗ trợ của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Bảo đảm bí mật, an toàn;

c) Vận chuyển công cụ hỗ trợ dễ cháy, nổ, nguy hiểm phải sử dụng phương tiện chuyên dùng và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

d) Không được vận chuyển công cụ hỗ trợ và người trên cùng một phương tiện, trừ người điều khiển phương tiện, người áp tải;

đ) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển công cụ hỗ trợ ở nơi đông người, khu vực dân cư, cửa hàng xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố mà không đủ lực lượng bảo vệ thì người điều khiển phương tiện, người áp tải phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ của công cụ hỗ trợ cần vận chuyển, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người điều khiển phương tiện, người áp tải; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; thời gian vận chuyển, nơi đi, nơi đến, tuyến đường vận chuyển;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ có thời hạn 30 ngày;

đ) Trường hợp vận chuyển công cụ hỗ trợ bằng nhiều phương tiện cùng loại trong một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.

3. Thủ tục cấp mệnh lệnh vận chuyển công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 57. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ

1. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp tiến hành sửa chữa; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng loại công cụ hỗ trợ đề nghị sửa chữa; số lượng, bộ phận cần tiến hành sửa chữa; thời gian sửa chữa; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 58. Sử dụng công cụ hỗ trợ

1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này và được sử dụng trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, khủng bố, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

c) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Phòng ngừa, ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

đ) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

2. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ

1. Phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ chỉ mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sửa chữa công cụ hỗ trợ theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Chương VI

TIẾP NHẬN, THU GOM, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 60. Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc đơn vị Quân đội nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.

2. Việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác nhưng phải bảo đảm an toàn.

3. Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua các đợt vận động.

4. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng sau khi được phân loại sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

6. Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.

Điều 61. Tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom bao gồm: các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 2 của Luật này; chất nổ từ bom, mìn, lựu đạn, đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi.

2. Các trường hợp tiếp nhận, thu gom bao gồm:

a) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu theo quy định của pháp luật;

b) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có liên quan đến vụ án đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ;

c) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nhưng không xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý hoặc sở hữu; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội.

Điều 62. Tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ phải nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do, mục đích, yêu cầu tìm kiếm, phạm vi, địa điểm tìm kiếm; bản sao tài liệu chứng minh việc sử dụng, quản lý hoặc thi công công trình hợp pháp tại địa điểm đề nghị tìm kiếm.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ sau khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ phải đề nghị hoặc thuê tổ chức, đơn vị được phép tìm kiếm quy định tại khoản 5 Điều này thực hiện việc tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ phải có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 05 ngày trước khi thực hiện việc tìm kiếm để có phương án phối hợp bảo đảm an toàn. Việc tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ chỉ được thực hiện trong phạm vi, địa điểm đã được cho phép.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ ngoài phạm vi, địa điểm đã được cho phép thì phải có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản trả lời, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

5. Tổ chức, đơn vị được phép thực hiện tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ bao gồm: đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí, công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Điều 63. Thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ quan quân sự, cơ quan Công an, đơn vị Quân đội được tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Cơ quan quân sự cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện và đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

3. Cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này có thẩm quyền quyết định thanh lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Cơ quan quân sự cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện và đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên thực hiện việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

5. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vật chứng hoặc liên quan đến vụ án hình sự được xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 64. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Tổ chức tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Lập biên bản tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; biên bản tiếp nhận được lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp, 01 bản lưu tại cơ quan, đơn vị tiếp nhận;

c) Ghi vào sổ tiếp nhận, thu gom đầy đủ các thông tin liên quan đến việc tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Trình tự, thủ tục thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Tổ chức thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Lập biên bản thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Ghi vào sổ tiếp nhận, thu gom đầy đủ các thông tin về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân trình báo.

3. Trường hợp thu gom vũ khí hạng nặng, bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành xử lý thì cơ quan Công an, cơ quan quân sự hoặc đơn vị Quân đội nơi tiếp nhận thông tin phải tổ chức bảo vệ và thông báo ngay cho cơ quan quân sự cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên để tổ chức thu gom, xử lý theo thẩm quyền.

4. Trường hợp cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu gom cho rằng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ quan Công an cấp xã, cơ quan quân sự cấp xã sau khi tiếp nhận, thu gom vũ khí, công cụ hỗ trợ phải lập thống kê, bàn giao cho cơ quan Công an cấp huyện, cơ quan quân sự cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc lập thống kê bàn giao cho cơ quan quân sự để xử lý theo quy định đối với vũ khí hạng nặng, bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom thực hiện như sau:

a) Cơ quan Công an cấp xã, cấp huyện và cơ quan quân sự cấp xã lập thống kê bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện;

b) Cơ quan Công an cấp tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ Công an lập thống kê bàn giao cho cơ quan quân sự cấp tỉnh;

c) Khi bàn giao phải lập biên bản, kèm theo bảng thống kê ghi cụ thể chủng loại, số lượng, nguồn gốc.

3. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ quy định tại khoản 2 Điều này do lực lượng chuyên ngành của cơ quan quân sự đảm nhiệm.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu hủy vũ khí hạng nặng, bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom hoặc do cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội chuyển giao.

Điều 66. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom

1. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được bảo quản chặt chẽ theo quy định; có nội quy, phương án phòng cháy và chữa cháy; không được bảo quản chung trong kho vũ khí, khí tài, kho tài liệu hoặc kho vật tư.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi quản lý.

Điều 67. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng để thanh lý hoặc tiêu hủy.

2. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Sau khi tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cơ quan quân sự cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên tiến hành phân loại và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định đưa vào sử dụng hoặc tiêu hủy;

b) Cơ quan cấp trên khi nhận được báo cáo phải xem xét và quyết định cho phép đưa vào sử dụng hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Sau khi có quyết định tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cơ quan quân sự cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng bao gồm: đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;

b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

4. Trường hợp vũ khí, vật liệu nổ có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp thì người đứng đầu cơ quan quân sự cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp trung đoàn trở lên quyết định tiêu hủy ngay; sau khi tiêu hủy phải báo cáo ngay cơ quan cấp trên bằng văn bản.

Điều 68. Kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

c) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 69. Nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Ban hành biểu mẫu, tổ chức đăng ký, cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

5. Tổ chức đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Tổ chức công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Tổ chức nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

8. Thực hiện thống kê nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

9. Tổ chức tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

10. Phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

11. Hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

12. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 70. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Bộ Công an là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2; danh mục vũ khí thể thao quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2; danh mục vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2; danh mục dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2; danh mục công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 11 Điều 2 của Luật này.

3. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này.

4. Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành danh mục vật liệu nổ công nghiệp quy định tại khoản 9 Điều 2; danh mục tiền chất thuốc nổ quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu để thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

6. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ tại địa phương.

Điều 71. Cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ là tập hợp thông tin cơ bản về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng công nghệ thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 72. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7 của Luật Quảng cáo

Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7 của Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“7. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại sản phẩm, hàng hoá có tính chất kích động bạo lực.”.

Điều 73. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

3. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 50/2019/QH14 và Luật số 59/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các trường hợp sau đây:

a) Quy định tại Điều 17, Điều 35, khoản 1 Điều 52 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 50/2019/QH14 và Luật số 59/2020/QH14 tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025;

b) Quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 74. Áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với dao có tính sát thương cao

1. Căn cứ các quy định của Luật này, để phòng, chống các hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan Công an nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc nơi cư trú để phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Điều 75. Quy định chuyển tiếp

1. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà còn thời hạn thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được tiếp nhận trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 50/2019/QH14 và Luật số 59/2020/QH14.

3. Đối với giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng. Trường hợp sau khi Luật này có hiệu lực thi hành mà có nhu cầu cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký khai báo thì thực hiện thủ tục theo quy định của Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2024.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

 

 

392
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024
Tải văn bản gốc Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 42/2024/QH15

Hanoi, June 29, 2024

LAW

MANAGEMENT AND USE OF WEAPONS, EXPLOSIVE MATERIALS AND SUPPORT INSTRUMENTS

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Management and Use of Weapons, Explosive Materials and Support Instruments.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments; principles and responsibilities of authorities, organizations and individuals for management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments with the aim of protecting the national security, ensuring social order and safety, safeguarding human rights and citizenship rights and serving socio - economic development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

For the purpose of this Law, the terms below shall be construed as follows:

1. “weapon” refers to any implement or equipment or a combination of implements or equipment that is fabricated and manufactured to have the ability to inflict damage or harm to human lives and health and destroy structures, including military weapons, cold weapons, sporting weapons and hunting rifles.

2. “military weapons” include:

a) Firearms, shoulder guns, rifles, light weapons, heavy weapons, ammunition for these weapons; bombs, mines, grenades, torpedoes, naval mines and other weapons included in the list promulgated by the Minister of National Defense and provided for people’s armed forces and other forces as specified in this Law;

b) Shotguns, air guns, ammunition for these types of guns on the list promulgated by the Minister of Public Security;

c) Weapons specified in point a clause 4 of this Article provided for people’s armed forces and other forces as prescribed in this Law to perform their tasks of protecting the national security, and ensuring social order and safety;

d) Hunting rifles, weapons specified in point a clause 4, weapons specified in point a clause 5 and highly lethal knives specified in clause 6 of this Article used with the intention of unlawfully killing or harming others;

dd) Basic parts of the guns specified in point a of this clause, consisting of frame, barrel, trigger, breechblock, firing pin;

e) Basic parts of the guns specified in point a of this clause, consisting of frame, trigger;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. “hunting rifles” refer to firearms and ammunition used for these guns which are used for hunting purposes.

4. “cold weapons” include:

a) Swords, polearms, spears, daggers, bayonets, scimitars, machetes, cones, steel knuckles, maces, bows, crossbows, darts on the list promulgated by the Minister of Public Security;

b) Highly lethal knives specified in clause 6 of this Article used for the purpose of committing crimes, disrupting public order or opposing authorities and organizations in the performance of their duties and law enforcers, except for the cases specified in point d clause 2 of this Article.

5. “sporting weapons” include:

a) Air rifles, rifles using exploding bullets, air handguns, handguns using exploding bullets, sporting guns using paintballs, skeet guns and ammunition used for these types of guns on the list promulgated by the Minister of Public Security equipped and used for sports training and competition;

b) The weapons specified in point a clause 4 of this Article used for sports training and competition;

c) Basic parts of the guns specified in point a of this clause, consisting of frame, barrel, trigger, breechblock, firing pin.

6. “highly lethal knife” refers to a sharp and pointed knife on the list promulgated by the Minister of Public Security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Explosives which refer to chemicals or compounds produced and used for creating explosive reaction due to impacts of the stimulus;

b) Explosive accessories which refer to detonators, detonating wires, slow-burning wires and explosive-containing articles providing the initial stimulus which burst explosive materials or specialized equipment containing explosive materials.

8. “military explosive materials” refer to explosive materials used for national defense and security purposes.

9. “industrial explosive materials” refer to explosive materials used for economic and civil purposes on the list of industrial explosive materials permitted for production, trading and use in Vietnam promulgated by the Minister of Industry and Trade.

10. “explosive precursors” refer to dangerous chemicals directly used for producing explosives on the list of explosive precursors permitted for production, trading and use in Vietnam promulgated by the Minister of Industry and Trade.

11. “support instruments” refer to equipment or military animals used to carry out missions and provide protection, which aims to prevent and stop violators from resisting or running way; protect law enforcers and people performing protection missions or giving signals of emergency, including:

a) Stun guns, guns shooting asphyxiant gas, guns shooting poisons, tranquillizer guns, coilguns, net guns; rope launchers; guns using plastic bullets, guns using exploding bullets, guns using rubber bullets, tear gas, flares, tracers and ammunition used for these types of guns; devices used for spraying tear gas, asphyxiant gas, poisons, anesthetics or itching powder; smoke grenades, tear gas grenades, flashbangs; stun batons, rubber batons, metal batons; figure-8 handcuffs, spike-boards, barbed wires; armors; electric gloves, knife gloves; shields, bulletproof helmets; sonic weapons; interrogation chairs for special subjects on the list promulgated by the Minister of Public Security;

b) Military animals which refer to animals trained and used for protecting national security and ensuring social order and safety on the list promulgated by the Minister of Public Security;

c) Other weapons with properties and effects similar to those of support instruments specified in point a or point b of this clause, not included in the list promulgated by the Minister of Public Security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

13. “trading” refers to the trading of weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments.

14. “management” refers to research into, fabrication, production, testing, trading, equipment, export, import, transport, repair and preservation of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

Article 3. Principles of management and use of weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

1. The Constitution and laws of the Socialist Republic of Vietnam, treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and relevant treaties shall be complied with.

2. Weapons, explosive materials and support instruments shall be provided intra vires and to eligible persons in accordance with standards and technical regulations.

3. Authorities, organizations, enterprises and individuals managing and using weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall satisfy all conditions as prescribed.

4. People ordering or deciding the use of weapons, explosive materials, explosive materials precursors and combat gears shall be responsible for their orders and decisions as prescribed.

5. Weapons, explosive materials, explosive materials precursors and support instruments shall be used in accordance with regulations and in a manner as to minimize damage to human lives and health, property and the environment.

6. The research into, fabrication, production, testing, trading, equipment, export, import, transport, repair and preservation of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments must be licensed by competent authorities or permitted by competent persons, ensuring the proper management, security, safety and environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. Any loss of weapons, explosive materials, explosive precursors, support instruments, licenses and certificates shall be notified promptly to competent authorities.

9. Weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall be tested, inspected, assessed and registered in accordance with regulations of law on management of quality of products and goods before they are produced, traded and used in Vietnam.

Article 4. Prohibited acts during management and use of weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

1. Personal possession of weapons, explosive materials and support instruments, except for the weapons prescribed in point a clause 4 Article 2 of this Law used as artifacts for display or exhibition or as heirlooms.

2. Illegal research into, fabrication, production, trading, export, import, storage, transport, repair, modification or use, or appropriation of military weapons, sporting weapons, cold weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

3. Research into, fabrication, production, trading, export, import, storage, transport, repair, modification, use or appropriation of hunting rifles.

4. Illegal transport or bringing of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam or prohibited places, prohibited areas, protected areas, protected targets and public places.

5. Taking advantage of or misusing the management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments to violate national security, social order and safety, human lives and health, property, legitimate rights and interests of authorities, organizations and individuals.

6. Taking advantage of or misusing the performance of tasks of preventing and combating violations of laws related to weapons, explosive materials and support instruments to harass and infringe upon the interests of the State, infringe upon legitimate rights and interests or obstruct normal activities of organizations or individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. Provision of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments to unqualified authorities, organizations, enterprises and individuals.

9. Exchanging, gifting, receiving, providing as aid, sending, borrowing, lending, leasing, leasing out or mortgaging weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments, except for the following cases:

a) Foreign organizations, enterprises or individuals gift weapons or support instruments or provide them as aid to domestic authorities, organizations, enterprises or individuals to serve the purposes of research, fabrication, production, equipment, use, display or exhibition as prescribed by this Law;

b) Cold weapons are exchanged, gifted, received, sent, borrowed, lent, leased or leased out as artifacts for display or exhibition or as heirlooms;

c) Competent authorities grant permission.

10. Transport, preservation or destruction of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments in a manner that fails to ensure safety or affect the environment.

11. Appropriating, trading, exchanging, gifting, borrowing, lending, leasing, leasing out, mortgaging, forging, correcting or erasing licenses and certificates related to weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

12. Illegally appropriating, trading, exchanging, gifting, sending, borrowing, lending, leasing, leasing out or mortgaging scraps and wastes weapons, explosive materials and support instruments.

13. Illegal provision of instructions on and training in methods for fabricating, producing, repairing or using weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments or advertising weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments in any shape or form.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

15. Searching for or collecting weapons, explosive materials, support instruments, scraps and wastes of weapons, explosive materials and support instruments.

16. Intentional provision of false information on management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments; failure to report, concealment or falsification of information on the loss, accidents and incidents related to weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

Article 5. Responsibilities of heads of authorities, organizations and enterprises permitted to use weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

1. Provide directions on, organize the implementation of and take responsibility for management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

2. Only provide weapons, explosive materials and support instruments for persons fully satisfying the conditions prescribed in clause 1 Article 6 of this Law.

3. Assign persons who fully satisfy the conditions prescribed in clause 1 or 2 Article 7 of this Law to manage warehouses and places for keeping weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments.

4. Arrange warehouses and places for keeping weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments as prescribed in clause 2 Article 8 of this Law.

Article 6. Conditions to be satisfied by and responsibilities of persons assigned to use weapons, explosives and support instruments

1. Any person assigned to use a weapon, explosive or support instrument shall fully satisfy the following conditions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) He/She has a good moral character and is physically fit for his/her assigned tasks;

c) He/She has been trained and coached in and obtained a certificate of use of weapons, explosive materials and support instruments, except for entities of People’s Army, Vietnam Coast Guard or People's Public Security who has been trained and coached in the use of weapons, explosive materials and support instruments and are permitted to use them by competent authorities;

d) He/she is not incurring any administrative penalty or facing criminal prosecution; his/her criminal record has been expunged in case he/she is convicted according to the Court’s judgment or decision.

2. Any person assigned to use a weapon, explosive or support instrument has the responsibility to:

a) Use the weapon, explosive or support instrument in accordance with regulations;

b) Carry the certificate or license for use of such weapon, explosive or support instrument, except for entities of People’s Army, Vietnam Coast Guard or People's Public Security;

c) Preserve the weapon, explosive or support instrument in accordance with regimes and procedures to ensure safety and prevent loss or damage;

d) Return the weapon, explosive or support instrument and his/her license to the person responsible for management and preservation when his/her mission is completed or the time limit for his/her mission has expired.

3. The Government shall elaborate on the training and coaching in and issuance of certificates of use of weapons, explosive materials and support instruments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Any person assigned to manage a warehouse or place for keeping weapons, military explosive materials and support instruments shall fully satisfy the following conditions:

a) He/She has full capacity for civil acts;

b) He/She has a good moral character and is physically fit for his/her assigned tasks;

c) He/She is not incurring any administrative penalty or facing criminal prosecution; his/her criminal record has been expunged in case he/she is convicted according to the Court’s judgment or decision.

d) He/She has been trained in and obtained a certificate of management of warehouses and places for keeping weapons, military explosive materials and support instruments and a certificate of professional training in fire prevention and fighting; is tasked with managing the warehouse or place for keeping weapons, military explosive materials and support instruments;

dd) He/she thoroughly understands internal regulations on and regimes for management and maintenance of warehouses and places for keeping weapons, military explosive materials and support instruments.

2. Any person assigned to manage warehouses and places for keeping industrial explosive materials and explosive precursors shall fully satisfy the following conditions:

a) He/She shall meet the conditions set out in points a, b and c clause 1 of this Article;

b) He/she has been trained in and obtained a certificate of training in industrial explosive material and explosive precursor safety engineering and a certificate of professional training in fire prevention and fighting;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Any person assigned to manage warehouses and places for keeping weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall follow regimes and procedures to ensure safety and prevent loss or damage.

4. The Government shall elaborate on the training in and issuance of certificates of management of warehouses and places for keeping weapons, military explosive materials and support instruments and certificates of training in industrial explosive material and explosive precursor safety engineering.

Article 8. Management and preservation of weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

1. The management and preservation of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall follow regimes and procedures to ensure safety and prevent loss or damage.

2. Warehouses and places for keeping weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall ensure safety of human lives and health, and property; fire prevention and fighting; environmental protection.

Warehouses of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments shall be designed and built in accordance with standards and technical regulations.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 9. Cases of recall of weapons, military explosive materials and support instruments and revocation of licenses for and certificates of management and use of weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

1. Weapons, military explosive materials or support instruments provided to an authority, organization or enterprise shall be recalled in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The weapons, military explosive materials or support instruments are expired or damaged so that they are no longer usable;

c) The organization is not permitted to use these weapons, military explosive materials or support instruments in accordance with regulations of this Law.

2. Weapons, military explosive materials or support instruments of an organization or enterprise producing, trading in or repairing weapons, military explosive materials or support instruments shall be recalled in the following cases:

a) The organization or enterprise terminates its production, trading or repair of weapons, military explosive materials or support instruments;

b) The competent authority has revoked its license for support instrument trading.

3. A license for use of weapons, military explosive materials or support instruments shall be revoked in the following cases:

a) In the case specified in clause 1 of this Article;

b) The weapons or support instruments are lost;

c) The license is issued ultra vires.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) The enterprise trading in support instruments is dissolved; converted, divided, separated, consolidated or merged and no longer trades in support instruments;

b) The enterprise has not traded in support instruments for 01 year from the date on which it is issued with the trading license;

c) The enterprise is ineligible to trade in support instruments as prescribed by law.

5. A license for or certificate of management and use of industrial explosive materials or explosive precursors shall be revoked in the following cases:

a) The organization or enterprise producing, trading in, transporting or using industrial explosive materials or explosive precursors is dissolved; converted, divided, separated, consolidated or merged and no longer produces, trades in, transports or uses industrial explosive materials or explosive precursors;

b) The organization or enterprise fails to meet the conditions for production, trading, transport or use of industrial explosive materials or explosive precursors as prescribed in this Law; fails to fully satisfy or correctly implement the regulations set forth in its license or certificate;

c) The enterprise has not traded in industrial explosive materials or explosive precursors for 02 year from the date on which it is issued with the trading license.

6. Any license or certificate related to the management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments which is expired or damaged must be surrendered to a competent authority as prescribed in Article 10 of this Law.

Article 10. Procedures for recall of weapons, military explosive materials and support instruments and revocation of licenses for and certificates of management and use of weapons, explosives, explosive precursors and support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise; full name, personal identification number or passport number of the legal representative and the person who comes to make contact (hereinafter referred to as “contacting person”); reasons for the surrender; quantity, types, trademarks and numbers of the weapons, military explosive materials or support instruments; number of license for or certificate of management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments;

b) The application form specified in point a of this clause shall be submitted at the authority having power to issue licenses and certificates;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application form, the authority having power to issue licenses and certificates must recall the weapons, military explosive materials or support instruments and revoke the license or certificate in accordance with regulations.

2. Where the authority, organization or enterprise does not apply for the surrender of the weapons, military explosive materials or support instruments or the license or certificate of management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments, the issuing authority shall carry out inspection, make a record, organize the recall/revocation and handling thereof as prescribed.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 11. Cases of bringing weapons and support instruments into and out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam

1. A foreign authority, organization or individual is permitted to bring weapons or support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam in the following cases:

a) The weapons or support instruments aim to protect foreign VIPs visiting and working in Vietnam in accordance with regulations of Law on Guard;

b) The weapons or support instruments are used for sports training and competition; making of offers, introduction of products, exhibitions, displays; used as props in cultural and artistic activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. A Vietnamese authority, organization or individual is permitted to bring weapons or support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam in the following cases:

a) The weapons or support instruments aim to protect VIPs in accordance with regulations of Law on Guard;

b) The weapons or support instruments are used for sports training and competition; making of offers, introduction of products, exhibitions, displays; used as props in cultural and artistic activities;

c) The weapons or support instruments are brought according to the programs or plans of the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security

3. Authorities, organizations and individuals bringing weapons or support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam other than those specified in clauses 1 and 2 of this Article must obtain consent from the Minister of Public Security.

Article 12. Quantity and types of weapons and support instruments permitted to be brought into and out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam

1. An authority, organization or individual is permitted to bring up to 10 handguns enclosed with their ammunition and accessories (if any) and support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam to carry out their protection mission specified in point a clause 1 or point a clause 2 Article 11 of this Law; in case of bringing more than 10 handguns or other types enclosed with their ammunition and accessories (if any), the consent from the Minister of Public Security must be obtained.

2. The competent police authority assigned by the Minister of Public Security shall decide the quantity and types of weapons and support instruments brought into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam in the case specified in point a clause 1 or point a clause 2 Article 11 of this Law.

3. The Minister of National Defense and the Minister of Public Security shall decide the quantity and types of weapons and support instruments brought into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam in the case specified in point c clause 1 or point c clause 2 Article 11 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Procedures for issuing a license to bring weapons or support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam in the case where the weapons or support instruments are not brought according to a program or plan of the Ministry of National Defense are as follows:

a) An application consists of an application form, which explicitly state the reasons and time limit for bringing into or out of; full name, personal identification or passport number of the person carrying the weapons or support instruments and the contacting person; types, trademarks, numbers and symbols of the weapons or support instruments; their ammunition and accessories (if any) and vehicles; border checkpoint through which the weapons or support instruments are brought into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam. In the cases specified in points b and c clause 1, points b and c clause 2 and clause 3 Article 11 of this Law, a copy of the decision, program or plan of the competent authority is required;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

d) In the case specified in clause 3 Article 11 of this Law or in case of bringing more than 10 handguns or other types enclosed with their ammunition and accessories (if any), the police authority having power to issue the license shall report it to the Minister of Public Security for his consideration and decision.

2. Procedures for issuing a license in case of bringing weapons or support instruments into or out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam according to a program or plan of the Ministry of National Defense shall be subject to regulations laid down by the Minister of National Defense.

Article 14. Management and use of weapons, explosives and support instruments for making of offers, introduction of products, exhibitions or displays or as props in cultural and artistic activities

1. Where the weapons or support instruments are brought into the territory the Socialist Republic of Vietnam for making of offers or introduction of products, after the expiry of the time limit for making of offers or introduction of products, the adequate quantity and types of such weapons or support instruments prescribed in the license shall be brought out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam, except for the case specified in Article 15 of this Law.

2. Museums, performing art units and cinematographic facilities producing films are permitted to use deactivated weapons and support instruments for exhibitions and displays or use them as props in cultural and artistic activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Procedures for issuance of a license to acquire or license to use weapons or support instruments for exhibition or display or as props in cultural and artistic activities to the entities not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the museum, performing art unit or cinematographic facility producing films; organization or enterprise selling the weapons or support instruments; quantity, types and trademarks of the weapons or support instruments; full name, personal identification number or passport number of the legal representative;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application form, the competent police authority shall issue the license to acquire or license to use weapons or support instruments; in case of rejecting the application form, a written explanation shall be provided.

4. Procedures for issuance of a license to acquire or license to use weapons or support instruments for exhibition or display or as props in cultural and artistic activities to the entities under the management of the Ministry of National Defense shall be subject to regulations of the Minister of National Defense.

5. The Government shall elaborate the power and procedures for deactivating and confirming status of weapons and support instruments used for exhibitions and displays or as props in cultural and artistic activities.

Article 15. Entities, conditions, power and procedures for receiving, managing and using weapons and support instruments gifted and provided as aid by organizations and enterprises

1. Authorities, organizations and enterprises under the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense that have the function of researching, fabricating or producing weapons and support instruments or authorities and organizations equipped with weapons and support instruments in accordance with the provisions of this Law are entitled to receive weapons and support instruments gifted or provided as aid by foreign organizations, enterprises and individuals.

2. The following conditions shall be satisfied upon receipt of weapons and support instruments:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Weapons and support instruments received must conform to Vietnamese laws and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and;

c) Weapons and support instruments are only received for the purpose of research, fabrication, production, equipment, use, display or exhibition as prescribed by this Law;

d) Weapons and support instruments received must be of clear origin and conform to standards and technical regulations according to Vietnamese laws.

3. The Minister of Public Security shall decide the quantity and types of weapons and support instruments gifted or provided as aid by foreign authorities, organizations and enterprises that are not under the management of the Ministry of National Defense.

4. Procedures for receipt of weapons and support instruments by entities that are not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the names and addresses of the authority, organization or enterprise wishing to receive the weapons or support instruments and of the foreign organization, enterprise or individual gifting the weapons or support instruments or providing them as aid; full names, personal identification number or passport number of the legal representative and the contacting person;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application form, the police authority having power to issue licenses shall receive the weapons or support instruments; in case of rejecting the application form, a written explanation shall be provided.

5. After receiving the weapons or support instruments for use, the authority, organization or enterprise that is not under the management of the Ministry of National Defense shall follow procedures for applying to the competent police authority for the license to use them or register and declare them as prescribed in Article 21, 26 or 55 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 16. Assessment of weapons, explosives and support instruments

1. Authorities that have power to assess weapons and support instruments include:

a) The Forensic Science Institute affiliated to the Ministry of Public Security;

b) Criminal Techniques Division affiliated to provincial police;

c) Division of Criminal Technical Inspection affiliated to the Ministry of National Defense.

2. Procedures for assessment of weapons, explosive materials and support instruments shall be gone through in accordance with regulations of the Law on Judicial Expertise

Chapter II

MANAGEMENT AND USE OF WEAPONS

Article 17. Research into, fabrication, production, trading, import and export of weapons

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Organizations and enterprises under the Ministry of National Defense are allowed to research into, fabricate and produce the weapons mentioned in points a, b and c clause 2, point a clause 4 and point a clause 5 Article 2 of this Law.

3. Organizations and enterprises under the Ministry of Public Security are allowed to research into, fabricate and produce the weapons mentioned in points b and c clause 2, point a clause 4 and point a clause 5 Article 2 of this Law.

4. Organizations and enterprises under the Ministry of Public Security and Ministry of National Defense are entitled to repair, trade in, export and import weapons.

5. After fully satisfying conditions, other organizations and enterprises may research into, fabricate, produce and repair weapons.

6. The Government shall elaborate on the trading, export and import of weapons, except for the case specified in clause 1 of this Article.

Article 18. Entities equipped with military weapons

1. The following entities are equipped with military weapons:

a) People’s Army;

b) Civil Defense Force;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) People's Public Security;

dd) Cipher force;

e) Investigating authority of the People’s Supreme Procuracy;

g) Forest protection authorities, fisheries resources surveillance force;

h) Aviation security force;

i) Checkpoint customs; specialized anti-smuggling forces of the customs; counter-narcotics force of the customs.

2. The Minister of National Defense shall, according to the nature, requirements and missions, stipulate the equipment of military weapons for entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard and cipher force under the management of the Ministry of National Defense.

3. The Minister of Public Security shall, according to the nature, requirements and missions, stipulate the equipment of military weapons for entities not under the management of the Ministry of National Defense.

Article 19. Types of military weapons provided for cipher force, investigating authority of People’s Supreme Procuracy, forest protection authorities, fisheries resources surveillance force, checkpoint customs, specialized anti-smuggling force of the customs, counter-narcotics force of the customs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Forest protection authorities, checkpoint customs, specialized anti-smuggling force of the customs and counter-narcotics force of the customs shall be equipped with handguns, submachine guns and their ammunition.

3. Fisheries resources surveillance force shall be equipped with handguns, submachine guns, light machine guns, heavy machine guns and machine guns whose diameter of barrel is up to 14.5 mm and their ammunition,

4. The equipment of military weapons other than those prescribed in clauses 1, 2 and 3 of this Article where necessary shall be decided by the Prime Minister.

Article 20. Procedures for equipping military weapons

1. Procedures for equipping entities not under the management of the Ministry of National Defense with military weapons are as follows:

a) An application shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority or unit wishing to be equipped with military weapons; full name, personal identification number or passport number of the legal representative and the contacting person, reasons, quantity, types and trademarks of the military weapons; written consent to the equipment of military weapons given by the leader of the Ministry or central authority;

b) The application specified in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license to acquire military weapons; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

d) The license to acquire military weapons shall be valid for a period of 60 days.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 21. Procedures for issuing licenses to use military weapons

1. Procedures for issuing a license to use military weapons to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) An application shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority or unit, full name, personal identification number or passport number of the contacting person, quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each military weapon; a copy of the invoice or delivery note or document proving its lawful origin;

b) The license to use military weapons shall be re-issued in the cases where information about the authority or unit is changed or the license is lost or damaged.

An application form for re-issuance of the license to use military weapons shall clearly specify name and address of the authority or unit; reasons for re-issuance; quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each military weapon; full name, personal identification number or passport number of the contacting person. If the license to use military weapons is lost or damaged, the application form shall explicitly state the reasons for the loss or damage and handling results;

c) The application and documents set out in points a and b of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

d) Within 07 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall carry out a site inspection and issue the license to use military weapons; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

dd) The license to use military weapons shall only be issued to the authority or unit equipped with such military weapons and shall have no expiry date.

2. Procedures for issuing licenses to use military weapons to entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard and cipher force under the management of the Ministry of National Defense shall be subject to regulations of the Minister of National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The use of military weapons for conducting military, national defense and national protection missions shall comply with regulations of law on national defense.

2. The use of military weapons for ensuring security and social order and safety shall adhere to the following principles:

a) The use of military weapons shall be decided according to the circumstances, nature and level of threat posed by the suspect;

b) Military weapons shall only be used if there is no measure to suppress the suspect and the suspect ignores the warning;

c) Military weapon will be used immediately if the untimely use of these military weapons jeopardizes lives and health of law enforcers or other people or causes extremely serious consequences;

d) Military weapon shall not be used in case the suspect is a woman, disabled person, child, old person or person having lost his/her capacity for civil acts unless the suspect uses weapons and/or explosive materials for attacking, resisting or threatening lives and health of law enforcers or other people;

dd) In any case, the users of military weapons shall limit the damage caused by these weapons.

3. The use of military weapons for carrying out independent missions shall comply with regulations of clause 2 of this Article and Article 23 of this Law and other relevant regulations of law.

The use of military weapons for carrying out organized missions shall obey competent persons’ orders. The persons issuing orders shall comply with regulations set forth in clause 2 of this Article and Article 23 of this Law and other relevant regulations of law and take responsibility for their decisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 23. Cases in which gunfire is allowed to ensure security and order

1. A person carrying out an independent mission shall give warning in acts, verbal orders or warning shot before shooting at a suspect if:

a) The suspect is using weapons, explosive materials, force or other tools for attacking, resisting or threatening lives and health of law enforcers or other people;

b) The suspect is using weapons, explosive materials, force or other tools for disturbing the public order and threatening the lives, health and property of other persons;

c) The person who is being sought, arrested or detained in case of emergency or person who is kept in police custody, in temporary detention, escorted, sentenced or imprisoned is resisting and threatening the lives and health of law enforcers or other persons; the suspect is rescuing people who are subject to coercive delivery or forced escort, imprisoned or detained due to commission of serious crimes, very serious crimes or extremely serious crimes or dangerous recidivism;

d) It is clear that the suspect is committing a serious crime, very serious crime or extremely serious crime; and

dd) The person carrying out an independent mission is allowed to shoot at a road vehicle or inland waterway vessel, except for vehicles of diplomatic missions, foreign consuls, representatives of international organizations, to stop this vehicle if the person driving this vehicle attacks or directly threatens the lives and health of law enforcers or other persons; or it is evident that the suspect is attempting to escape on the vehicle, unless there are carries persons or hostages being carried in this vehicle or it is evident that the suspect is attempting to escape on the vehicle carrying crimes, illegal weapons or explosive materials, reactionary documents, state secrets, narcotics or national treasures, unless there are carries persons or hostages being carried in this vehicle.

2. A person carrying out an independent mission is allowed to shoot at a suspect without warning if:

a) The suspect is using weapons or explosive materials to directly commit an act of terrorism, provoke a riot, kill persons or take hostages or is directly using these weapons or explosive materials for resisting the arrest immediately after committing the crime;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) The suspect is using weapons or explosive materials to directly attack or threaten the safety of any VIP, work of national security significance or important target provided with protection in accordance with regulations of law;

d) The suspect is using weapons, explosive materials or force to directly threaten lives and health of law enforcers or other persons;

dd) The suspect is directly robbing law enforcers of their military weapons; and

e) The person carrying out an independent mission is allowed to shoot at animals directly threatening lives and health of law enforcers or other persons;

g) The person carrying out an independent mission is allowed to prevent or disable unmanned vehicles that directly attack, threaten to attack or violate prohibited places, prohibited areas, protected areas or protected targets.

Article 24. Entities equipped with sporting weapons

1. The following entities are equipped with sporting weapons:

a) People’s Army;

b) Civil Defense Force;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) People's Public Security;

dd) Sports clubs and sports training and coaching institutions that have obtained operating licenses;

e) Centers for national defense and security education;

g) Other authorities, organizations and enterprises that are established and issued with operating licenses related to sports training and competition.

2. The Minister of Public Security shall, according to the nature, requirements and missions, stipulate the equipment of sporting weapons for entities not under the management of the Ministry of National Defense after reaching agreement with the Minister of Culture, Sports and Tourism.

3. The Minister of National Defense shall, according to the nature, requirements and missions, decide the equipment of sporting weapons for entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, sports clubs, sports training and coaching institutions and centers for national defense and security education under the management of the Ministry of National Defense.

Article 25. Procedures for equipping sporting weapons

1. Procedures for equipping entities not under the management of the Ministry of National Defense with sporting weapons are as follows:

a) An application shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise wishing to be equipped with sporting weapons and full name, personal identification number or passport number of the legal representative, reasons, quantity, types and trademarks of the sporting weapons; written consent to the equipment of sporting weapons given by the competent authority specified by the Ministry of Culture, Sports and Tourism;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license to acquire sporting weapons; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

d) The license to acquire sporting weapons shall be valid for a period of 60 days.

2. Procedures for equipping entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, sports clubs, sports training and coaching institutions and centers for national defense and security education that are under the management of the Ministry of National Defense shall be subject to regulations laid down by the Minister of National Defense.

Article 26. Procedures for issuing licenses to use sporting weapons

1. Procedures for issuing a license to use sporting weapons to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) An application shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise, reasons, quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each sporting weapon; a copy of the invoice or delivery note or document proving its lawful origin;

b) The license to use sporting weapons shall be re-issued in the cases where information about the authority, organization or enterprise is changed or the license is lost or damaged.

An application form for re-issuance of the license to use sporting weapons shall contain name and address of the authority, organization or enterprise; reasons for re-issuance; quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each sporting weapon; full name, personal identification number or passport number of the contacting person. If the license to use sporting weapons is lost or damaged, the application form shall explicitly state the reasons for the loss or damage and handling results;

c) The application and documents prescribed in points a and b of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) The license to use sporting weapons shall only be issued to the authority, organization or enterprise equipped with such sporting weapons and shall have no expiry date.

2. Procedures for issuing licenses to use sporting weapons to the entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, sports clubs, sports training and coaching institutions and centers for national defense and security education that are under the management of the Ministry of National Defense shall be subject to regulations laid down by the Minister of National Defense.

Article 27. Use of sporting weapons

1. Sporting weapons shall be licensed by a competent authority and used in sports training and competition at shooting ranges or places of training or competition. The use of sporting weapons shall be warned, ensure the safety and comply with lesson plans for training, regulations on sports competition and rules of sports tournaments.

2. Sporting weapons must undergo safety inspection before, during and after training and competition.

3. Sporting weapons shall be issued to athletes, coaches, learners or members of the entities prescribed in clause 1 Article 24 of this Law for sports training and competition at shooting ranges or places of training and competition.

Article 28. Procedures for issuing licenses to purchase military weapons and sporting weapons

1. Procedures for issuing a license to purchase military weapons or sporting weapons to an organization or enterprise under the Ministry of Public Security permitted to produce and trade in military weapons or sporting weapons are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the names and addresses of the authority, organization or enterprise wishing to purchase the military weapons or sporting weapons and of the seller; quantity, types and trademarks of the military weapons or sporting weapons; full names, personal identification number or passport number of the legal representative and the contacting person;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license to purchase military weapons or sporting weapons; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

d) The license to purchase military weapons or sporting weapons shall be valid for a period of 30 days.

2. Procedures for issuing licenses to purchase military weapons or sporting weapons to organizations and enterprises under the Ministry of National Defense permitted to produce and trade in military weapons or sporting weapons shall be subject to regulations of the Minister of National Defense.

Article 29. Transport of military weapons and sporting weapons

1. The transport of military weapons and sporting weapons shall comply with the following regulations:

a) A transport order or transport license issued by a competent authority or person is required;

b) Confidentiality and safety must be ensured;

c) Dangerous military weapons and sporting weapons shall be transported by specialized vehicles, satisfying safety, fire prevention and fighting requirements;

d) Military weapons, sporting weapons and persons must not be transported in a vehicle, except for the vehicle operator and escort;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Procedures for issuing a license to transport military weapons or sporting weapons to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise; quantity, types, trademarks and origin; full names, personal identification number or passport number of the contacting person, the vehicle operator and the escort; transport vehicle, its license plate; time of transport, place of departure, place of arrival, route of transport;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the transport license; in case of rejecting the application form, a written explanation shall be provided;

d) The license to transport military weapons or sporting weapons shall be valid for a period of 30 days;

dd) If the military weapons or sporting weapons are transported using multiple vehicles of the same type during a trip, only 01 transport license shall be issued; if transported using multiple types of vehicles, 01 transport license shall be issued to each type of vehicle.

3. Procedures for issuance of orders for transporting military weapons and sporting weapons to entities under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 30. Procedures for issuing licenses to repair military weapons and sporting weapons

1. Procedures for issuing a license to repair military weapons or sporting weapons to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

2. The repair of military weapons and sporting weapons for the entities under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 31. Declaring cold weapons used as artifacts for display or exhibition or as heirlooms

1. Any owner of the cold weapons specified in point a clause 4 Article 2 of this Law which are used as artifacts for display or exhibition or as heirlooms shall make declaration.

2. Procedures for declaring a cold weapon used as an artifact for display or exhibition or as an heirloom are as follows:

a) The declaration dossier shall include a declaration, explicitly stating full name, personal identification number or passport number of the applicant, reasons for declaration, quantity, type, trademark, number and symbol of the cold weapon; a copy of the document proving its origin (if any);

b) The dossier prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or at the police of the commune, ward or commune-level town where the owner's head office is located or the owner resides;

c) Within 03 working days from the date of receiving a sufficient dossier, the police of the commune, ward or commune-level town shall issue a notification confirming the weapon declaration to the owner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

MANAGEMENT AND USE OF EXPLOSIVES

Article 32. Research into, fabrication, production, preservation and use of military explosive materials

1. The research into, fabrication, production and preservation of military explosive materials by organizations and enterprises under the Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall comply with regulations of the Law on the National Defense and Security Industry and Industrial Mobilization and regulations of this Law.

2. The research into, fabrication, production or preservation of military explosive materials shall fully satisfy the following conditions:

a) The Minister of National Defense or Minister of Public Security assigns the tasks of research into, fabrication, production or preservation of military explosive materials;

b) It is required to establish a management and safety engineering system through which the commander shall provide directions and assign qualified and experienced persons to take responsibility for safety engineering in each department or position facing high risks of fire incidents;

c) A plan to ensure security, order, fire prevention and fighting and environmental protection shall be tailor for each research and production establishment, warehouse, loading and unloading area and vehicle. Regular fire and rescue drills shall be conducted. Warehouses of military explosive materials must be designed and constructed in accordance with regulations in clause 2 Article 8 of this Law.

3. The Minister of National Defense and Minister of Public Security shall stipulate the use of military explosive materials under their management.

Article 33. Transport of military explosive materials

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) A transport order or transport license issued by a competent authority or person is required;

b) Confidentiality and safety must be ensured;

c) Military explosive materials shall be transported by specialized vehicles in accordance with conditions for transport of military explosive materials and safety, fire prevention and fighting and environmental protection requirements;

d) Military explosive materials and persons must not be transported in a vehicle, except for the vehicle operator and escort;

dd) Vehicles transporting military explosive materials must not stop or park in crowded places, residential areas, petrol filling stations or in the vicinity of works of national defense, security, economic, cultural and diplomatic significance. In case of a night rest or incident resulting in the lack of guards, the vehicle operator or escort must immediately inform the nearest military authority or police authority for cooperation and protection as may be necessary.

2. Procedures for issuing a license to transport military explosive materials to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise; reasons; weight of military explosive materials to be transported; full names, personal identification number or passport number of the contacting person, the vehicle operator and the escort; transport vehicle, its license plate; time of transport, place of departure, place of arrival, route of transport;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted at the competent police authority specified by the Minister of Public Security;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the transport license; in case of rejecting the application form, a written explanation shall be provided;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) If the military explosive materials are transported using multiple vehicles of the same type during a trip, only 01 transport license shall be issued; if transported using multiple types of vehicles, 01 transport license shall be issued to each type of vehicle.

3. Procedures for issuance of orders for transporting military explosive materials to entities under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 34. Research into, production, trading, import and export of industrial explosive materials

1. The research into industrial explosive materials shall comply with the following regulations:

a) Industrial explosive materials shall be researched, developed and tested by science and technology organizations or producers of industrial explosive materials on the basis of science and technology tasks organized in the form of research programs, themes, projects and tasks according to functions of the science and technology organizations and in other forms in accordance with regulations of law on science and technology;

b) Production of industrial explosive materials or transfer of technology for industrial production shall be carried out in establishments producing industrial explosive materials that satisfy the conditions prescribed by law and possess licenses issued by competent authorities.

2. The production of industrial explosive materials shall comply with the following regulations:

a) The producer of industrial explosive materials shall be a state-owned enterprise or wholly state-owned enterprise that is assigned tasks by the Prime Minister at the request of the Minister of Industry and Trade, Minister of Public Security or Minister of National Defense;

b) The producer of industrial explosive materials shall maintain security and order; managers, employees and attendants directly engaged in the production of industrial explosive materials shall have appropriate qualifications and undergo training in industrial explosive material safety engineering and professional training in fire prevention and fighting and response to incidents in activities related to production of industrial explosive materials;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Industrial explosive materials shall be classified and labeled in accordance with regulations of law;

dd) Producers of industrial explosive materials shall only purchase explosive materials for the purpose of research into and production of explosives and explosive accessories; sell right types of products to traders of industrial explosive materials.

3. The trading in industrial explosive materials shall comply with the following regulations:

a) The trader of industrial explosive materials shall be a state-owned enterprise or wholly state-owned enterprise that is assigned tasks by the Prime Minister at the request of the Minister of Industry and Trade, Minister of Public Security or Minister of National Defense;

b) Places of warehouses, terminals, loading and unloading areas of industrial explosive materials shall satisfy conditions for security and order; maintain a safe distance from works and objects to be protected;

c) Warehouses, equipment for loading and unloading industrial explosive materials, equipment and tools in service of trading in industrial explosive materials shall be designed and constructed in an appropriate manner, satisfying requirements for preservation and transport of industrial explosive materials, fire prevention and fighting; in the absence of any warehouse or vehicle, a written lease contract with an organization or enterprise allowed to preserve and transport industrial explosive materials is required;

d) The trader of industrial explosive materials shall maintain security and order; managers, employees and attendants directly engaged in the trading in industrial explosive materials shall have appropriate qualifications and undergo training in industrial explosive material safety engineering and professional training in fire prevention and fighting and response to incidents in activities related to trading in industrial explosive materials;

dd) The trader of industrial explosive materials shall only trade in the industrial explosive materials included in the list of industrial explosive materials permitted for production, trading and use in Vietnam; is entitled to purchase industrial explosive materials from organizations and enterprises allowed to use industrial explosive materials but do not fully use them. The trading shall strictly comply the regulations enshrined in the trading license.

4. Industrial explosive materials shall be exported or imported as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Industrial explosive materials shall only be exported or imported in the presence of a license to export or import industrial explosive materials issued by the competent authority affiliated to the Ministry of Industry and Trade;

c) The trust for import of industrial explosive materials shall only be established between the organization or enterprise permitted to produce or trade in the industrial explosive materials or the organization or enterprise permitted to use the industrial explosive materials and the enterprises permitted to trade in the industrial explosive materials.

5. The Minister of Industry and Trade shall specify the documentation and procedures for registration or additional registration of industrial explosive materials for research, development, testing, assessment and recognition of results of registration of industrial explosive materials in the stage of research, development, testing and production or industrial explosive materials imported into Vietnam for the first time in the list of industrial explosive materials permitted for production, trading and use in Vietnam.

6. The Government shall prescribe qualifications; training in industrial explosive material safety engineering and response to incidents related to production and trading of industrial explosive materials.

Article 35. Procedures for issuing certificates of eligibility for producing industrial explosive materials

1. An application for issuance of a certificate of eligibility for producing industrial explosive materials shall consist of:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise; reasons; full name, address, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the organization or enterprise or number of enterprise registration certificate; number of certificate of satisfaction of security and order conditions; number of the decision issued by the Minister of Industry and Trade to recognize result of registration industrial explosive materials and inclusion of these industrial explosive materials in the list of industrial explosive materials permitted for production, trading and use in Vietnam in respect of new industrial explosive materials produced and used in Vietnam; number of the environmental license. For the organization or enterprise under the Ministry of National Defense, an application form of the Ministry of National Defense or the authority tasked with managing industrial explosive materials by the Ministry of National Defense is required;

b) A copy of the written assignment of production of industrial explosive materials issued by the Prime Minister, except where the organization or individual has been granted permission for research into, development and testing of industrial explosive materials as prescribed in clause 1 Article 34 of this Law;

c) A copy of the decision on approval for project on constructing works for production of industrial explosive materials in accordance with regulations of law on construction investment and management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Documents proving the assurance about product safety and quality, layout and technology lines; electrical and lightning protection systems; results of acceptance of construction works.

2. Where an organization or enterprise that is producing industrial explosive materials applies for the change of its name without any change in production conditions, it shall submit an application for adjustment of the certificate of eligibility for producing industrial explosive materials. The application is composed of an application form; a copy of the decision to grant permission for change of the organization’s or enterprise’s name.

3. If a producer of industrial explosive materials improves and upgrades its infrastructure and equipment used for producing industrial explosive materials without decrease in the requirements for premises, technology and conditions for fire and explosion prevention and safety engineering of licensed technology lines prescribed in standards and technical regulations, it shall, after the improvement and upgradation, submit an application form for re-issuance of the certificate of eligibility for producing industrial explosive materials, which contains results of improvement and upgradation of its infrastructure and equipment for production of industrial explosive materials.

4. If a producer of industrial explosive materials is involved in an incident resulting in damage to its production line, it shall, after obtaining the result of investigation into this incident and restoring the production line, prepare a technical dossier on the repair and restoration and submit an application form for re-issuance of the certificate of eligibility for producing industrial explosive materials, which contains results of repair and restoration of the production line.

5. The application and documents prescribed in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

6. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall examine it, carry out a site inspection and issue the certificate of eligibility for producing industrial explosive materials; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

Article 36. Procedures for issuing licenses to trade in industrial explosive materials

1. An application for issuance of a license to trade in industrial explosive materials shall consist of:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the enterprise; reasons; full name, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the enterprise or number of enterprise registration certificate; number of certificate of satisfaction of security and order conditions; list of leaders and managers directly involved in the preservation, transport and trading of industrial explosive materials; number of the certificate of standards, measurement and measuring quality (if any) issued to the facility experimenting on industrial explosive materials by the regulatory body. For the enterprise under the Ministry of National Defense, an application form of the Ministry of National Defense or the authority tasked with managing industrial explosive materials by the Ministry of National Defense is required;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Where the license to trade in industrial explosive materials is lost or damaged or the scope of trading specified therein is changed, the enterprise shall apply for re-issuance of the license. An application for re-issuance of the license to trade in industrial explosive materials is composed of a report on trading of industrial explosive materials according to the issued license and the documents mentioned in clause 1 of this Article.

3. The application prescribed in clauses 1 and 2 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

4. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall examine it, carry out a site inspection and issue the license to trade in industrial explosive materials; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

Article 37. Procedures for issuing licenses to export or import industrial explosive materials

1. An application for issuance of a license to export or import industrial explosive materials shall consist of:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the enterprise; number of the trading license; reasons; quantity, types and country of production; border checkpoint; transport vehicle, time of transport; name, personal identification number or passport number of the legal representative;

b) A copy of the contract for purchase and sale of industrial explosive materials signed with the foreign enterprise; contract for purchase and sale of industrial explosive materials signed with the foreign enterprise signed with the domestic enterprise.

2. The application prescribed in clause 1 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

3. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall issue the license to export or import industrial explosive materials; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 38. Use of industrial explosive materials

1. Any user of industrial explosive materials shall satisfy the following conditions:

a) It is established in accordance with regulations of law, has obtained an enterprise registration certificate or registered its business lines or industries involving industrial explosive materials;

b) The industrial explosive materials need to be used for its mineral exploration and mining, oil and gas exploration and production; construction of works, research and testing; handling of incidents, recovery from disasters or performance of tasks assigned by competent authorities as prescribed by law;

c) Warehouses, technology, equipment, vehicles and tools which satisfy standards and technical regulations shall be in place to facilitate the use of industrial explosive materials. If there is no warehouse or vehicle, a lease contract or a document stating the intention to conclude a contract with an organization or enterprise that has suitable warehouses or vehicles for preservation and transport in accordance with regulations of this Law is required;

d) Places where industrial explosive materials are used shall satisfy conditions for security, order, fire prevention and fighting, environmental hygiene; maintain a safe distance from works and objects to be protected as prescribed in standards, technical regulations and relevant regulations;

dd) The user of industrial explosive materials shall satisfy security and order conditions; managers, heads of blasting operations, blasters and persons directly engaged in the use of industrial explosive materials shall have appropriate qualifications and undergo training in industrial explosive material safety engineering and professional training in fire prevention and fighting and response to incidents in activities related to the use of industrial explosive materials;

e) The volume of explosives used in a quarter is 500 kilograms or more unless the explosives are used for the geological testing, survey and assessment and extraction of stone slabs.

2. Any user of industrial explosive materials shall comply with the following regulations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Industrial explosive materials which are redundant or no longer needed shall be sold to traders of industrial explosive materials or destroyed according to regulations imposed by the Minister of Industry and Trade;

c) The head of blasting operations shall be appointed; standards and technical regulations on safety in the use of industrial explosive materials upon blasting;

d) It is required to formulate a blasting plan appropriate to the production scale and natural and social conditions of the place of blasting. The blasting plan shall specify measures for ensuring safety, protecting and guarding areas of blasting from illegal penetration; procedures for giving warnings and starting the blasting process; procedures for preserving explosive materials and supervising the consumption and destruction of industrial explosive materials at places of blasting and other contents as prescribed in standards and technical regulations.

In case the blasting is carried out in residential areas, health facilities, areas where historical and cultural sites/monuments exists, natural reserves, works of security and national defense, other works of national significance or other protected areas in accordance with regulations of law, the blasting plan shall be approved by the authority issuing licenses to use industrial explosive materials and obtain a written permission from the People’s Committee of the province or the regulatory authority on the basis of monitoring and assessing impacts of blasting on works and objects to be protected within the affected area of the blast;

dd) The organization or enterprise issued with the license to use industrial explosive materials by the Ministry of Industry and Trade or Ministry of National Defense shall notify the provincial People’s Committee in writing at least 10 days before the activities specified in its license are carried out.

3. The Government shall prescribe qualifications; training in safety engineering in the use of industrial explosive materials.

Article 39. Procedures for issuing licenses to use industrial explosive materials

1. An application for issuance of a license to use industrial explosive materials to an organization or enterprise not under the management of the Ministry of National Defense shall consist of:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise; reasons; quantity, types; full name, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the organization or enterprise or number of enterprise registration certificate; number of certificate of satisfaction of security and order conditions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Designs and construction drawings of work items, mining designs or mineral exploration project involving industrial explosive materials in the case of industrial-scale works; construction and mining plan in the case of manual construction or mining activities. Designs or plans approved by the investor shall satisfy safety conditions prescribed in standards and technical regulations;

d) The blasting plan approved by the leader of the organization or enterprise.

In case the blasting is carried out in residential areas, health facilities, areas where historical and cultural sites/monuments exists, natural reserves, works of security and national defense, other works of national significance or other protected areas in accordance with regulations of law, the written approval of the blasting plan from the authority issuing licenses to use industrial explosive materials and written consent to the blasting plan from the provincial People’s Committee or regulatory authority must be obtained;

dd) A copy of the acceptance record on fire prevention and fighting in industrial explosive material warehouses and safety conditions prescribed in standards and technical regulations;

e) Where the applicant for the license to use industrial explosive materials has no warehouses or transport vehicles, the application must include a document specifying its intention to conclude a contract for hiring warehouses or transport vehicles with an organization owning warehouses or transport vehicles that satisfy preservation and transport conditions as prescribed by this Law;

g) The decision on appointment of head of blasting operations issued by the organization’s or enterprise’s leader and the list of blasters and persons directly involved in the use of industrial explosive materials; work permits of foreign employees involved in the use of industrial explosive materials (if any); copies of professional certificates and certificates of training in safety engineering in the use of industrial explosive materials of the head of blasting operations and blasters;

2. Where the license to use industrial explosive materials is lost, damaged or expired and there is no change to the scope of operation, the organization or enterprise shall apply for re-issuance of the license. An application includes the application form mentioned in point a clause 1 of this Article; a report on the use of industrial explosive materials within the effective period of the issued license.

3. Where there is a change to the scope of operation or conditions for use of industrial explosive materials, the organization or enterprise shall apply for adjustment of the license to use industrial explosive materials. An application includes a report on the use of industrial explosive materials within the effective period of the issued license and the documents specified in clause 1 of this Article proving the change to the scope of operation or conditions for use of industrial explosive materials.

4. If the organization or enterprise satisfies the conditions prescribed in points b and dd clause 1 Article 38 of this Law but does not carry out blasting itself, it may sign a contract with a blasting service provider.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

6. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall examine it, carry out a site inspection and issue the license to use industrial explosive materials; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

7. The effective period of a license to use industrial explosive materials shall be the same as that of the mineral exploration license but not exceed 04 years; as that of the mineral mining license but not exceed 05 years; based on the construction period in the case where industrial explosive materials are used for construction of works, testing or oil and gas-related activities and other activities assigned by the competent authority but not exceed 02 years.

8. Procedures for issuing licenses to use industrial explosive materials to organizations and enterprises under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 40. Blasting services

1. Forms of and requirements for blasting services are as follows:

a) Blasting service means the use of industrial explosive materials for execution of a blasting contract between a blasting service provider and an organization or individual in need of such service as prescribed by this law. Blasting services include local blasting services on the mainland of a province or central-affiliated city; blasting services on the continental shelf; blasting services in the entire territory of the Socialist Republic of Vietnam;

b) Quantity, operating scope and scale of the blasting service provider shall be appropriate to the tasks and needs of concentrated construction, mineral extraction activities and particular socio-economic conditions of each locality;

c) The regulatory authority in charge of industrial explosive materials shall appoint and compel an entity to provide blasting services in areas and places subject to specific requirements for security, social order and safety.

2. Conditions to be satisfied by, rights and obligations of a blasting service provider are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The provider is eligible for using, preserving and transporting explosive materials in accordance with regulations of this Law. Its infrastructure, techniques and personnel are enough to provide blasting services to service hirers;

c) The provider has rights and responsibilities prescribed in this Law and other relevant regulations of law when using, preserving and transporting industrial explosive materials to provide blasting services.

3. A hirer of blasting services has the following rights and responsibilities:

a) The hirer is not required to obtain the license for the industrial explosive material-activities for which blasting services have been hired;

b) It is permitted to hire up to 02 enterprises having the blasting license to provide one type of blasting service in an area where the blasting needs to be carried out and a written agreement on the permissible scope of the blasting service and safe blasting method between the hirer and the blasting service provider must be reached with the participation of the representative of the authority managing industrial explosive materials in the locality where the service is used;

c) When preserving, transporting and using industrial explosive materials, the hirer shall be subject to the management by the blasting service provider in specific activities;

d) The hirer shall cooperate with and assist the blasting service provider in issues concerning security and safety in industrial explosive material-related activities.

4. An application for issuance of a blasting service license shall consist of:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise; reasons; full name, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the organization or number of enterprise registration certificate; number of certificate of satisfaction of security and order conditions. For the enterprise under the Ministry of National Defense, an application form of the Ministry of National Defense or the authority tasked with managing industrial explosive materials by the Ministry of National Defense is required;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) A blasting service project which specifies objectives, scale, scope, conformity with the planning, demands for blasting services and capacity for satisfaction of these demands; necessary conditions and measures for ensuring security and safety in the provision of blasting services; a copy of the license to use industrial explosive materials or blasting service license and typical blasting plan implemented for 02 years prior to the date of applying for the blasting service license; documents prescribed in points dd, e and g clause 1 Article 39 of this Law;

d) Where the enterprise has obtained a license to trade in industrial explosive materials, the application shall exclude the documents prescribed in point b of this clause and point dd clause 1 Article 39 of this Law.

5. If the blasting service license is lost, damaged or expired, the enterprise shall apply for re-issuance of the license; if there is a change to the scope of blasting service, the enterprise shall apply for adjustment of the license. An application includes an application form for re-issuance or adjustment of the blasting service license; a report on the provision of blasting services within the effective period of the previously issued license.

6. The applications prescribed in clauses 4 and 5 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

7. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall examine it, carry out a site inspection and issue the blasting service license; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

8. The blasting service license shall be valid for a period of 02 years.

9. Any enterprise issued with the blasting service license shall send a written notification to the People’s Committee of the province and People’s Committee of the commune where the blasting is carried out at least 10 days and 24 hours respectively before providing blasting services.

Article 41. Transport of industrial explosive materials

1. An organization or enterprise transporting industrial explosive materials shall fully satisfy the following conditions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Vehicles used for transporting industrial explosive materials shall satisfy all conditions prescribed in standards and technical regulations on safety in industrial explosive material-related activities; satisfy conditions for safety and fire prevention and fighting;

c) Managers, vehicle operators, escorts and attendants directly engaged in transport of industrial explosive materials must have qualifications and undergo professional training in safety engineering and fire prevention and fighting;

d) It has the license to transport industrial explosive materials; symbols showing that vehicle is transporting industrial explosive materials.

2. The transport of industrial explosive materials shall comply with the following regulations:

a) The regulations set out in the license to transport industrial explosive materials shall be complied with;

b) The condition of industrial explosive materials must be checked before departure or after stopping or parking vehicles and immediately deal with any incident that occurs;

c) There shall be a plan to ensure safe transport and fire prevention and fighting; measures for responding to emergency incidents;

d) Sufficient procedures for delivering and receiving goods and documents related to industrial explosive materials shall be followed;

dd) Industrial explosive materials and persons must not be transported in a vehicle, except for the vehicle operator and escort;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Procedures for issuing a license to transport industrial explosive materials to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise; full names, personal identification number or passport number of the legal representative, the vehicle operator and the escort; reasons; number of dispatch order or invoice, weight, quantity and types of industrial explosive materials to be transported; place of departure, place of destination, time and route of transport; transport vehicle, its license plate; number of the driver’s license. If there is any change to information on the transport license, the applicant for adjustment of the license must prepare an application form, clearly stating the adjustments to the license;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue or adjust the transport license; in case of rejecting the application form, a written explanation shall be provided;

d) The license to transport industrial explosive materials shall be valid for a period of 30 days and for a single shipment only; in case the quantity of industrial explosive materials specified in the transport license is not used up, the user and the transporter must make a record confirming the remaining quantity of industrial explosive materials and use the issued transport license to transport back to the supplier’s or user’s warehouse. After completing the transport, the authority issuing the transport license must be informed in writing.

4. If the industrial explosive materials are transported using multiple vehicles of the same type during a trip, only 01 transport license shall be issued; if transported using multiple types of vehicles, 01 transport license shall be issued to each type of vehicle.

5. If the industrial explosive materials are transported inside a mine, a construction site or an establishment producing or preserving industrial explosive materials on the routes which do not intersect public waterways or roads, the license to transport industrial explosive materials is not required but the regulations prescribed in points b, c, d, dd and e clause 2 of this Article shall be complied.

6. As the requirements for ensuring security, social order and safety in national activities or activities in areas subject to special requirements for ensuring security and safety are laid down, the competent authority under the Ministry of Public Security shall decide to suspend the issuance of licenses to transport industrial explosive materials or suspend these licenses.

7. The Minister of National Defense shall prescribe the issuance, adjustment, revocation and suspension of issuance of orders for transport of industrial explosive materials for the state-owned organizations and enterprises under the Ministry of National Defense and enterprises holding controlling shares or contributed capital of state-owned organizations and enterprises under the Ministry of National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Each organization or enterprise managing or using industrial explosive materials has the responsibility to:

a) Obtain licenses, certificates or approvals from competent authorities;

b) Inspect safety, analyze risks to safety, formulate an emergency rescue plan, issue internal regulations, regulations on and procedures for ensuring security, safety, fire prevention and fighting and environmental protection in industrial explosive material-related activities. Each user of industrial explosive materials shall formulate a blasting plan and blasting passport;

c) Preserve and archive books and documents for each type of industrial explosive material for a period of 10 years;

d) Submit periodic and ad hoc reports.

2. Organizations and enterprises producing, trading in and using industrial explosive materials are only to sell and purchase industrial explosive materials in the weight and quantity and of the types prescribed in the licenses issued by competent authorities.

3. The Minister of Industry and Trade shall elaborate upon the assessment of safety risks, formulation of blasting plans, blasting passports, emergency rescue plans and periodic and ad hoc reporting regimes as specified in clause 1 of this Article.

Chapter IV

MANAGEMENT AND USE OF EXPLOSIVE PRECURSORS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The research into and fabrication of explosive precursors shall be carried out by science and technology organizations or producers of explosive precursors.

2. The production of explosive precursors shall satisfy the following conditions:

a) Explosive precursors shall be produced by an organization or enterprise established in accordance with regulations of law;

b) The place of production shall satisfy security and order conditions. Factories, warehouses, technologies, equipment and vehicles for production shall be designed and constructed in a manner that is appropriate for the scale and characteristics of explosive precursor materials and products; comply with requirements for safety and fire prevention and fighting, safe distance from works and objects to be protected and environmental protection in accordance with regulations of law;

c) Appropriate measuring equipment shall be sufficient to be used for inspecting and supervising technical specifications and inspecting quality of materials in the production process;

d) The producers of explosive precursors shall only produce and sell right types of explosive precursors to producers of industrial explosive materials, traders and users of explosive precursors.

3. The trading of explosive precursors shall satisfy the following conditions:

a) Explosive precursors shall be traded by an enterprise established in accordance with regulations of law;

b) Places of warehouses, terminals, loading and unloading areas of industrial explosive materials shall satisfy conditions for security and order; have necessary equipment for ensuring safety and fire and explosion prevention; maintain a safe distance from works and objects to be protected and comply with environmental protection requirements as prescribed by law; any trader that has warehouses or use warehouses of the seller or buyer or hires warehouses under a contract to contain explosive precursors shall satisfy conditions for maintenance of quality during the period of trading; tools and equipment used for containing and storing explosive precursors shall ensure quality and environmental hygiene; vehicles used for transporting explosive precursors shall comply with regulations of law on transport of dangerous goods; there must be lawful documents proving origins of place of production, place of import or place of provision of explosive precursors for trading; there must be equipment for controlling, collecting and treating hazardous wastes or contracts for transporting, treating and destroying hazardous waste as prescribed in Law on Environmental Protection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Managers and attendants directly engaged in the trading in explosive precursors must undergo training in chemical safety and professional training in fire prevention and fighting.

4. The export and import of explosives precursors shall comply with the following regulations:

a) Any organization or enterprise permitted to produce and trade in explosive precursors is also permitted to export or import explosive precursors;

b) Explosive precursors shall only be exported or imported in the presence of a license to export or import explosive precursors issued by the competent authority affiliated to the Ministry of Industry and Trade;

c) The trust for import of explosive precursors shall only be established between the organization or enterprise permitted to produce or trade in the explosive precursors or the organization or enterprise permitted to use the explosive precursors and the enterprises permitted to trade in the explosive precursors.

5. Exemption from licenses shall be granted in the following cases:

a) Licenses to trade in, export or import explosive precursors for scientific research or testing whose weight used in a year does not exceed 05 kilograms shall be exempted;

b) An organization importing explosive precursors to be used directly for production, research or testing shall obtain the license to import explosive precursors and be exempted from the license to trade in explosive precursors but it shall still satisfy the conditions for trading in explosive precursors prescribed in clause 3 of this Article;

c) If an organization that does not use completely its explosive precursors and sell the redundant explosive precursors to lawful providers of explosive precursors, it will be exempted from the license to trade in explosive precursors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. An application for issuance of a certificate of eligibility for producing explosive precursors shall consist of:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise; reasons; full name, address, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the organization or enterprise or number of enterprise registration certificate; number of the document on assessment, inspection and acceptance in terms of fire prevention and fighting for houses, structures for production and warehouses for preserving explosive precursors; number of the environmental license. If the applicant is a producer of explosive precursor that is ammonium nitrate whose content is at least 98.5 %, the certificate of satisfaction of security and order conditions is required;

b) A copy of the decision on approval for project on constructing works for production of explosive precursors in accordance with regulations of law on construction investment and management.

2. Where an organization or enterprise that is producing explosive precursors applies for the change of its name without any change in production conditions, it shall submit an application for adjustment of the certificate of eligibility for producing explosive precursors. The application is composed of an application form; a copy of the decision to grant permission for change of the organization’s or enterprise’s name and a copy of the certificate of satisfaction of security and order conditions issued by a competent police authority if the applicant is a producer of explosive precursor that is ammonium nitrate whose content is at least 98.5 %.

3. If a producer of explosive precursors improves and upgrades its infrastructure and equipment used for producing explosive precursors without decrease in the requirements for premises, technology and conditions for fire and explosion prevention and safety engineering of licensed technology lines prescribed in standards and technical regulations, it shall, after the improvement and upgradation, submit an application form for issuance of the certificate of eligibility for producing explosive precursors, which contains results of improvement and upgradation of its infrastructure and equipment for production of explosive precursors.

4. If a producer of explosive precursors is involved in an incident resulting in damage to its production line, it shall, after obtaining the result of investigation into this incident and restoring the production line, prepare a technical dossier on the repair and restoration and submit an application form for issuance of the certificate of eligibility for producing explosive precursors, which contains results of repair and restoration of the production line.

5. The applications and documents prescribed in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

6. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall issue the certificate of eligibility for producing explosive precursors; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

Article 45. Procedures for issuing licenses to trade in explosive precursors

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) An application form, explicitly stating the name and address of the enterprise; reasons; full name, address, personal identification number or passport number of the legal representative; number of the decision on establishment of the enterprise or number of enterprise registration certificate; number of the document on assessment, inspection and acceptance in terms of fire prevention and fighting for warehouses for preserving explosive precursors; number of the environmental license. If the applicant is a trader of explosive precursor that is ammonium nitrate whose content is at least 98.5 %, the certificate of satisfaction of security and order conditions is required;

b) A declaration of warehouses, terminals and factories of the trader, a written permission for putting these works into use; a list of specialized vehicles used for transporting explosive precursors and copy of the circulation license; a plan or measure for prevention of and response to emergency incidents in respect of warehouses and vehicles of explosive precursors;

2. If the license to trade in explosive precursors is lost or damaged, the enterprise shall apply for re-issuance of the license. The application form for re-issuance shall explicitly state the reasons for the loss or damage and handling results. The effective period of the re-issued license remains unchanged.

3. The license to trade in explosive precursors shall be adjusted if there is any change to the contents of enterprise registration, place, scale of or conditions for operation or change to information related to the applicant. An application shall consist of an application form for adjustments to the license; documents proving the changes. The effective period of the license remains unchanged.

4. The applications and documents prescribed in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

5. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall issue the license to trade in explosive precursors; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

6. The license to trade in explosive precursors shall be valid for a period of 05 years.

Article 46. Procedures for issuing licenses to export or import explosive precursors

1. An application for a license to export or import explosive precursors shall consist of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) A copy of the contract, order or invoice for purchase and sale of explosive precursors;

c) A description of production or testing processes or the research proposal involving explosive precursors in the case where the organization or enterprise imports explosive precursors to be used directly for production, research or testing.

2. The application prescribed in clause 1 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Industry and Trade or by post to the competent authority specified by the Minister of Industry and Trade; in case of direct submission, the application form shall include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

3. Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall issue the license to export or import explosive precursors; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

4. The license to export or import explosive precursors shall be valid for a period of 06 months.

Article 47. Transport of explosive precursors

1. An organization or enterprise transporting explosive precursors shall fully satisfy the following conditions:

a) It is permitted to produce, trade in and use explosive precursors or has registered its goods transport as a business line;

b) Vehicles used for transporting explosive precursors shall satisfy all conditions prescribed in standards and technical regulations on safety in explosive precursor-related activities; satisfy conditions for safety and fire prevention and fighting;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) It has the license or order for transport of explosive precursors; symbols showing that vehicle is transporting explosive precursors.

2. The transport of explosive precursors shall comply with the following regulations:

a) The regulations set out in the license to transport explosive precursors shall be complied with;

b) The condition of explosive precursors must be checked before departure or after stopping or parking vehicles and immediately deal with any incident that occurs;

c) There shall be a plan to ensure safe transport and fire prevention and fighting; measures for responding to emergencies incidents;

d) Sufficient procedures for delivering and receiving goods and documents related to explosive precursors shall be followed;

dd) Explosive precursors and persons must not be transported in a vehicle, except for the vehicle operator and escort;

e) Vehicles transporting explosive precursors must not stop or park in crowded places, residential areas, petrol filling stations or in the vicinity of works of national defense, security, economic, cultural and diplomatic significance; the transport of explosive precursors is not permitted in case of unpredictable weather. In case of a night rest or incident resulting in the lack of guards, the vehicle operator or escort must immediately inform the nearest military authority or police authority for cooperation and protection as may be necessary.

3. Procedures for issuing a license to transport explosive precursors to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) If there is any change to information on the transport license, the applicant for adjustment of the license must prepare an application form, clearly stating the adjustments to the license;

c) The application form prescribed in points a and b of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

d) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license to transport explosive precursors; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

dd) The license to transport explosive precursors shall be valid for a period of 30 days;

e) If the explosive precursors are transported using multiple vehicles of the same type during a trip, only 01 transport license shall be issued; if transported using multiple types of vehicles, 01 transport license shall be issued to each type of vehicle.

4. In the absence of any warehouse or vehicle, a written lease contract with an organization or enterprise allowed to preserve and transport industrial explosive materials is required.

5. As the requirements for ensuring security, social order and safety in national activities or activities in areas subject to special requirements for ensuring security and safety are laid down, the competent authority under the Ministry of Public Security shall decide to suspend the issuance of licenses to transport explosive precursors or suspend these licenses.

6. The Minister of National Defense shall prescribe the issuance, adjustment, revocation and suspension of issuance of orders for transport of explosive precursors for the state-owned organizations and enterprises under the Ministry of National Defense and enterprises holding controlling shares or contributed capital of state-owned organizations and enterprises under the Ministry of National Defense.

Article 48. Responsibilities of organizations and enterprises for management and use of explosive precursors

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Preserve and archive books and documents for each type of explosive precursors for a period of 05 years;

b) Submit periodic and ad hoc reports;

c) Comply with regulations on safety in the use, storage, preservation and treatment of chemical waste in respect of dangerous chemicals under regulations of the Law on Chemicals.

2. Users of explosive precursors shall only purchase the explosive precursors included in the list of explosive precursors permitted for production, trading and use in Vietnam from lawful producers and traders of explosive precursors. If a user does not use completely its explosive precursors, it will sell the redundant explosive precursors to lawful producers and traders of explosive precursors.

3. Producers and traders of explosive precursors shall obtain licenses or certificates issued by competent authorities and only trade in the explosive precursors prescribed in the list of explosive precursors permitted for production, trading and use in Vietnam.

4. The Minister of Industry and Trade shall elaborate upon the periodic and ad hoc reporting regimes as specified in point b clause 1 of this Article.

Chapter V

MANAGEMENT AND USE OF SUPPORT INSTRUMENTS

Article 49. Research into, fabrication, production, trading, export, import and repair of support instruments; management, training and use of military animals

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. The trading of support instruments shall satisfy the following conditions:

a) Support instruments shall be traded by an enterprise established in accordance with regulations of law;

b) Conditions for security, order, safety, fire prevention and fighting and environmental protection shall be complied with;

c) Warehouses, transport vehicles, equipment and tools in service of trading in support instruments shall be appropriate and satisfy the conditions for preservation and transport of support instruments, fire prevention and fighting;

d) Managers and attendants directly engaged in the trading in support instruments must have appropriate qualifications and undergo training in management of support instruments and professional training in fire prevention and fighting;

dd) Only support instruments complying with standards and technical regulations and license to trade in support instruments are traded.

3. The export and import of support instruments shall comply with the following regulations:

a) Any organization or enterprise permitted to produce and trade in support instruments is also permitted to export or import support instruments;

b) Managers and attendants directly engaged in the export or import of support instruments must have appropriate qualifications and undergo training in management of support instruments and fire prevention and fighting;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. The Minister of National Defense and Minister of Public Security shall stipulate the management, training and use of military animals under their management.

Article 50. Procedures for issuing licenses to trade in support instruments

1. An application for issuance of a license to trade in support instruments to an enterprise not under the management of the Ministry of National Defense shall consist of:

a) An application form, explicitly stating the name and address of the enterprise; reasons; number of the decision on establishment of the enterprise or number of enterprise registration certificate; full name, personal identification number or passport number of the legal representative; list of managers and attendants directly involved in the preservation and trading of support instruments;

b) A plan or measure for prevention of and response to emergency incidents occurring in warehouses used for preserving support instruments.

2. Where the license to trade in support instruments is lost or damaged or there is any change to information on the license, the enterprise shall submit an application form for re-issuance of the license.

3. The application and documents specified in clauses 1 and 2 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

4. Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent authority shall examine it, carry out a site inspection and issue the license to trade in support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

5. Procedures for issuing licenses to trade in support instruments to enterprises under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The organization or enterprise not under the management of the Ministry of National Defense shall submit an application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise; reasons; quantity, types, trademarks, year of production and expiry dates of the support instruments; full name, personal identification number or passport number of the legal representative.

2. The application form prescribed in clause 1 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

3. Within 03 working days from the date of receiving the application form, the competent authority shall issue the license to export or import support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

4. The license to export or import support instruments shall be valid for a period of 90 days.

5. Procedures for issuing the license to export or import support instruments to organizations and enterprises under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 52. Entities equipped with support instruments

1. The following entities are equipped with support instruments:

a) People’s Army;

b) Civil Defense Force;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) People's Public Security;

dd) Cipher force;

e) Investigating authority of the People’s Supreme Procuracy;

g) Civil judgment enforcement authorities;

h) Forest protection authorities, full-time forest protection forces, fisheries resources surveillance force, forces directly carrying out specialized fishery inspections;

i) Checkpoint customs, specialized anti-smuggling forces of the customs, counter-narcotics force of the customs;

k) Inspecting teams of the market surveillance forces;

l) Aviation security force, forces directly carry out specialized transport inspections;

m) Security forces of authorities, organizations, enterprises; providers of security services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

o) Sports clubs, sports training and coaching institutions that have obtained operating licenses;

p) Centers for drug treatment and rehabilitation;

q) The Minister of Public Security shall, according to the nature, requirements and tasks, decide the equipment of support instruments for other entities.

2. The Minister of Public Security shall, according to the nature, requirements and tasks, stipulate the equipment of support instruments for entities not under the management of the Ministry of National Defense.

3. The Minister of National Defense shall, according to the nature, requirements and tasks, decide the equipment and use of support instruments for entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, cipher force, sports clubs and sports training and coaching institutions under the management of the Ministry of National Defense.

Article 53. Procedures for equipping support instruments

1. Procedures for equipping entities not under the management of the Ministry of National Defense with support instruments are as follows:

a) An application shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise wishing to be equipped with support instruments, name and address of the organization or enterprise selling support instruments, reasons, quantity, types and trademarks of the support instruments to be equipped; full name, personal identification or passport number of the legal representative; a copy of the decision on establishment of full-time security force issued by the authority, organization establishing this force;

b) The application prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. The license to acquire support instruments shall be valid for a period of 60 days.

3. Procedures for equipping entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, cipher force, sports clubs and sports training and coaching institutions under the management of the Ministry of National Defense with support instruments shall comply with regulations imposed by the Minister of National Defense.

Article 54. Procedures for issuing licenses to purchase support instruments

1. An organization or enterprise not under the management of the Ministry of National Defense that is permitted to produce and trade in support instruments shall, upon purchasing support instruments, prepare an application form, explicitly stating the name and address of the organization or enterprise, name and address of the seller; reasons; quantity, types and trademarks of the support instruments; full name, personal identification number or passport number of the legal representative.

2. The application form prescribed in clause 1 of this Article shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person.

3. Within 03 working days from the date of receiving the application form, the competent police authority shall issue the license to purchase support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

4. The license to purchase support instruments shall be valid for a period of 30 days.

5. Procedures for issuing licenses to purchase support instruments to organizations and enterprises under the Ministry of National Defense permitted to produce and trade in support instruments shall be subject to regulations of the Minister of National Defense.

Article 55. Procedures for issuing licenses to use, register and declare support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Procedures for issuing the license to use support instruments specified in clause 1 of this Article are as follows:

a) An application for issuance of the license to use support instruments shall include an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise, reasons, quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each support instrument; a copy of the invoice or delivery note or document proving its lawful origin;

b) The license to use support instruments shall be re-issued in the cases where information about the authority, organization or enterprise is changed or the license is lost or damaged.

The application form re-issuance of the license to use support instruments shall specify the name and address of the authority, organization or enterprise, reasons, quantity, type, country of production, trademark, number and symbol of each support instrument; in case the license is lost or damaged, the application form shall explicitly state the reasons for the loss or damage and handling results;

c) The application and documents prescribed in points a and b of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

d) Within 07 working days from the date of receiving the application and application form in full, the competent police authority shall carry out a site inspection and issue the license to use support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

dd) The license to use support instruments shall only be issued to the authority, organization or enterprise equipped with such support instruments and shall have no expiry date.

3. The issuance of licenses to use support instruments to, registration and declaration of support instruments by entities of People’s Army, Civil Defense Force, Coast Guard, cipher force, sports clubs and sports training and coaching institutions under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations imposed by the Minister of National Defense.

Article 56. Transport of support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) A transport order or transport license issued by a competent authority or person is required;

b) Confidentiality and safety must be ensured;

c) Flammable or dangerous support instruments shall be transported by specialized vehicles, ensuring safety, fire prevention and fighting;

d) Support instruments and persons must not be transported in a vehicle, except for the vehicle operator and escort;

dd) Vehicles transporting support instruments must not stop or park in crowded places, petrol filling stations or in the vicinity of works of national defense, security, economic, cultural and diplomatic significance. In case of a night rest or incident resulting in the lack of guards, the vehicle operator or escort must immediately inform the nearest military authority or police authority for cooperation and protection as may be necessary.

2. Procedures for issuing a license to transport support instruments to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the name and address of the authority, organization or enterprise; quantity, types, trademarks and origin of support instruments to be transported, full names, personal identification number or passport number of the vehicle operator and the escort; transport vehicle, its license plate; time of transport, place of departure, place of arrival, route of transport;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application in full, the competent police authority shall issue the license to transport support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) If the support instruments are transported using multiple vehicles of the same type during a trip, only 01 transport license shall be issued; if transported using multiple types of vehicles, 01 transport license shall be issued to each type of vehicle.

3. Procedures for issuance of orders for transporting support instruments to entities under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 57. Procedures for issuing licenses to repair support instruments

1. Procedures for issuing a license to repair support instruments to an entity not under the management of the Ministry of National Defense are as follows:

a) It is required to submit an application form, explicitly stating the names and addresses of the authority, organization or enterprise wishing to have its support instruments repaired and of the organization or enterprise carrying out repair; reasons; quantity, type, trademark, number or symbol of each support instrument to be repaired; time of repair; quantity and parts to be repaired; time of repair; full name, personal identification number or passport number of the legal representative;

b) The application form prescribed in point a of this clause shall be submitted on the national public service portal or information system for handling administrative procedures of the Ministry of Public Security or by post to the competent police authority specified by the Minister of Public Security; in case of direct submission, the application form must include full name, personal identification number or passport number of the contacting person;

c) Within 03 working days from the date of receiving the application form, the competent police authority shall issue the license to repair support instruments; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

2. Procedures for issuance of licenses to repair support instruments to entities under the management of the Ministry of National Defense shall comply with regulations issued by the Minister of National Defense.

Article 58. Use of support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) In the cases specified in Article 23 of this Law;

b) Support instruments are used for preventing and dispersing illegal demonstrations, riots, disturbance to the public order and violation of national security, social order and safety;

c) Support instruments are used for preventing a person from threatening lives and health of law enforcers or other persons;

d) Support instruments are used for preventing and dispersing the disturbance, opposition or disobedience to the orders of law enforcers, risks to security and safety of prisons, detention centers, custody centers, custody cells, reformatories, compulsory education establishments and centers for compulsory drug treatment and rehabilitation;

dd) Support instruments are used in case of justified self-defense or urgent circumstances as prescribed by law.

2. Persons assigned to use support instruments shall not assume responsibility for damage if they comply with regulations of this Article and other relevant regulations of law. If a person uses support instruments beyond the justified force in self-defense, causes obvious damage beyond the urgent circumstances, takes advantage of or misuses the use of support instruments for killing or harming others or infringing upon legitimate rights and interests of an organization or individual, he/she shall incur penalties in accordance with regulations of law.

Article 59. Responsibilities of organizations and enterprises researching into, fabricating, producing, trading in, transporting and repairing support instruments

1. Each organization or enterprise shall satisfy conditions for security, order, safety, fire prevention and fighting and environmental protection during the research into, fabrication, production, trading, transport and repair of support instruments.

2. Producers and traders of support instruments shall only purchase, sell, export, import and repair support instruments in accordance with the licenses issued by competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

RECEIPT, COLLECTION, CLASSIFICATION, PRESERVATION, LIQUIDATION AND DESTRUCTION OF WEAPONS, EXPLOSIVE MATERIALS AND SUPPORT INSTRUMENTS

Article 60. Principles of receipt, collection, classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments

1. Authorities, organizations and individuals shall notify and transfer weapons, explosive materials and support instruments which are obtained from any source or discovered or collected to the nearest military authorities, police authorities or army units if they are not allowed to be equipped with or use these weapons, explosive materials and support instruments in accordance with regulations of law.

2. The receipt, collection, classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments shall ensure safety and reduce impacts on the environment. Weapons, explosive materials and support instruments that are received and collected shall be transported by specialized vehicles or other vehicles which shall ensure the safety.

3. Weapons, explosive materials and support instruments shall be received and collected regularly and through campaigns.

4. Weapons, explosive materials and support instruments that are usable shall be put into use in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law after being classified.

5. The classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments provided for entities under the management of the Ministry of National Defense shall be stipulated by the Minister of National Defense; for entities not under the management of Ministry of National Defense shall be stipulated by the Minister of Public Security.

6. Persons in charge of receipt, collection, classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments shall undergo professional training and be provided with protective equipment to ensure safety.

Article 61. Receipt and collection of weapons, explosive materials and support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Cases in which weapons, explosive materials and support instruments are received and collected:

a) The weapons, explosive materials and support instruments are not issued to or lawfully owned by authorities, organizations and individuals as prescribed by law;

b) The weapons, explosive materials and support instruments are involved in any case that has been dealt with in accordance with regulations of law by competent authorities; the weapons, explosive materials and support instruments are discovered and kept by competent authorities;

c) Organizations and individuals that are responsible for managing or owning discovered weapons, explosive materials and support instruments fail to be identified; weapons, explosive materials and support instruments exist after the war ends.

Article 62. Searching for weapons and explosive materials

1. An organization or individual that wishes to search for weapons or explosive materials shall submit an application to the district-level People’s Committee.

The application shall consist of an application form, specifying reasons, purposes and requirements for the search, range and place of the search; copies of documents proving the use, management or construction of lawful works in the place where the search will be conducted.

Within 05 working days from the date of receiving the application in full, the district-level People’s Committee shall give a written response; in case of rejecting the application, a written explanation shall be provided.

2. After receiving permission of the district-level People’s Committee, the applicant shall request or hire an organization or unit allowed to conduct searches prescribed in clause 5 of this Article to search for weapons or explosive materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. If the applicant wishes to search for weapons or explosive materials outside the permitted range and place, an application form shall be submitted to the district-level People’s Committee. Within 05 working days from the date of receiving the application form, the district-level People’s Committee shall send a written response to the applicant or send a written explanation in case of refusal.

5. Organizations and units that are allowed to search for weapons and explosive materials include technical units specialized in weapons and combat engineers affiliated to the Ministry of Defense and the Ministry of Public Security; other organizations receiving permission from the Prime Minister.

Article 63. Power to receive, collect, classify, liquidate and destroy weapons, explosive materials and support instruments

1. Military authorities, police authorities of districts and army units shall receive and classify weapons, explosive materials and support instruments.

2. Military authorities and police authorities of districts and regiments or superior military units shall classify weapons, explosive materials and support instruments that have been received and collected.

3. Supervisory authorities and units of the authorities and units prescribed in clause 2 of this Article have the power to decide to liquidate weapons, explosive materials and support instruments.

4. Military authorities and police authorities of districts and regiments or superior military units shall destroy weapons, explosive materials and support instruments.

5. Weapons, explosive materials and support instruments that are material evidences or involved in criminal cases shall be handled in accordance with regulations of law on criminal procedures.

Article 64. Procedures for receiving and collecting weapons, explosive materials and support instruments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Organize the receipt of weapons, explosive materials or and support instruments;

b) Make a record on receipt of weapons, explosive materials or support instruments; the receipt record shall be made into 02 copies, 01 kept by the transferring authority, organization or individual and the other kept by the receiving authority or unit;

c) Specify sufficient information related to the receipt of weapons, explosive materials or support instruments in the book of receipt and collection.

2. Procedures for collecting weapons, explosive materials or support instruments are as follows:

a) Organize the collection of weapons, explosive materials or support instruments;

b) Make a record on collection of weapons, explosive materials or support instruments;

c) Specify sufficient information related to the receipt of weapons, explosive materials or support instruments declared by authorities, organizations and individuals in the book of receipt and collection.

3. Where heavy weapons, bombs, mines, grenades, flashbangs, torpedoes, naval mines, explosive materials, warheads, artillery shells, artillery fuses and other types of artillery or other weapons requiring specialized techniques are collected, the police authority, military unit or army unit receiving the information shall protect and immediately notify the district-level military authority, a regiment or superior military unit for collection and handling within their power.

4. If the receiving and collecting authority is convinced that a weapon, explosive material or support instrument is suspected of being involved in any crime, it shall notify the competent authority for instructions in accordance with regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Each communal police authority or communal military authority shall, after receiving or collecting weapons or support instruments, must produce statistics thereon and transfer them to the district-level police authority or district-level military authority, except for the case specified in clause 2 of this Article.

2. The production of statistics on and transfer of received and collected bombs, mines, grenades, flashbangs, torpedoes, naval mines, explosive materials, warheads, artillery shells, artillery fuses and other types of artillery warheads to military authorities for handling shall be specified as follows:

a) Police authorities of communes and districts and military authorities of communes shall produce statistics thereon and transfer them to military authorities of districts;

b) Police authorities of provinces and units affiliated the Ministry of Public Security shall produce statistics thereon and transfer them to military authorities of provinces;

c) A record enclosed with a statistical sheet which specifies types, quantity and origins shall be made upon transfer.

3. Specialized forces of military authorities shall transport weapons and explosive materials prescribed in clause 2 of this Article.

4. The Minister of National Defense shall prescribe the receipt, collection, liquidation and destruction of heavy weapons, bombs, mines, grenades, flashbangs, torpedoes, naval mines, explosive materials, warheads, artillery shells, artillery fuses and different types of artillery warheads to military that have been received and collected or transferred by authorities and units other than military authorities.

Article 66. Preservation of received and collected weapons, explosive materials and support instruments

1. Received and collected weapons, explosive materials and support instruments shall be preserved closely in accordance with regulations; internal regulations on and plans for fire prevention and fighting shall be made; received and collected weapons, explosive materials and support instruments shall not be preserved in warehouses of weapons, equipment, documents or materials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 67. Procedures for classifying, liquidating and destroying weapons, explosive materials and support instruments

1. Weapons, explosive materials and support instruments that have been received and collected shall be inventoried and classified to determine their quality and use value for liquidation or destruction.

2. Procedures for classifying and liquidating weapons, explosive materials and support instruments are as follows:

a) After receiving and collecting weapons, explosive materials and support instruments, military authorities and police authorities of districts, regiments or superior military units shall classify the weapons, explosive materials and support instruments and submit reports to their supervisory authorities, which will decide the putting into use or destruction thereof.

b) After receiving the reports, the supervisory authorities shall consider and decide the putting into use or destruction of weapons, explosive materials and support instruments.

3. Procedures for destroying weapons, explosive materials and support instruments are as follows:

a) After the decision on destruction of weapons, explosive materials and support instruments is issued, the military or police authority of the district or a regiment or superior military unit shall establish a destruction council and formulate a destruction plan. The Council shall be composed of a Chair who is the destroying authority’s representative; members who are representatives of the specialized technical authority and environment authority of the district and People’s Committee of the commune where the place of destruction is located. The destruction plan shall ensure safety and reduce impacts on the environment;

b) After destroying weapons, explosive materials and support instruments, the destroying authority shall carry out a site inspection and ensure that all weapons, explosive materials and support instruments have their functions and effects disabled. Results of destruction shall be specified in a record and confirmed by the Chair and members of the council.

4. If weapons and explosive materials pose risks to safety and are required to be treated urgently, the head of the military or police authority of the district, local regiment or a superior military unit shall decide to destroy them immediately and submit a report to its supervisory authority after completing the destruction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Funding for receipt, collection, classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments includes:

a) State budget;

b) Voluntary contributions and sponsorships of domestic and foreign organizations and individuals

c) Other sources of funding as prescribed by law.

2. The funding for receipt, collection, classification, maintenance, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments shall be managed and used in accordance with regulation of Law on State Budget and other relevant regulations of law.

Chapter VII

STATE MANAGEMENT OF WEAPONS, EXPLOSIVE MATERIALS, EXPLOSIVE PRECURSORS AND SUPPORT INSTRUMENTS

Article 69. Details of state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments

1. Promulgating and organizing the implementation of legislative documents on management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Prescribing standards and technical regulations applicable to weapons, explosive materials and support instruments; standards applicable to warehouses used for preserving weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

4. Issuing forms and organizing the registration, issuance and revocation of licenses and certificates related to the management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

5. Organizing the professional and refresher training in management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

6. Organizing the prevention of violations against the law on management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

7. Organizing the research into, development, testing and application of science and technology to the management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

8. Producing state statistics on weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

9. Organizing the receipt, collection, classification, preservation, liquidation and destruction of weapons, explosive materials and support instruments.

10. Disseminating and providing education about law on management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

11. International cooperation in management and use of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 70. Responsibility for state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments

1. The Government shall perform uniform state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments.

2. The Ministry of Public Security shall act as a conduit to assist the Government in uniform state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments in accordance with regulations of this Law. The Minister of Public Security shall promulgate the list of military weapons specified in point b clause 2 Article 2; list of sporting weapons specified in point a clause 5 Article 2; list of cold weapons specified in point a clause 4 Article 2; list of highly lethal knives specified in clause 6 Article 2; list of support instruments specified in points a and b clause 11 Article 2 of this Law.

3. The Ministry of National Defense shall exercise its function of state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law within its jurisdiction. The Minister of National Defense shall promulgate the list of military weapons prescribed in point a clause 2 Article 2 of this Law.

4. The Ministry of Industry and Trade shall exercise its function of state management of explosive materials and explosive precursors in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law within its jurisdiction. The Minister of Industry and Trade shall promulgate the list of industrial explosive materials specified in clause 9 Article 2; list of explosive precursors specified in clause 10 Article 2 of this Law.

5. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, perform state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments; connect, share and exploit information on databases in order to receive and handle administrative procedures online.

6. People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, perform state management of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments in their areas.

Article 71. Updating, exploiting, managing and using databases of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments

1. Databases of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments are a set of basic information about weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments that has been standardized, digitalized, stored and managed using information technology to serve state management and transactions carried out by authorities, organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The Minister of Industry and Trade shall prescribe the establishment, management, updating and exploitation of databases of industrial explosive materials and explosive precursors for entities under the management of the Ministry of Ministry of Industry and Trade.

4. The Minister of Public Security shall prescribe the establishment, management, updating and exploitation of databases of weapons, explosive materials, explosive precursors and support instruments for entities not under the management of the Ministry of National Defense and Ministry of Industry and Trade.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 72. Amendments to clause 7 Article 7 of the Law on Advertising

Clause 7 Article 7 of the Law on Advertising No. 16/2012/QH13 amended by the Law No. 35/2018/QH14 is amended as follows:

“7. Weapons, explosive materials, support instruments; products and goods that might incite violence.”.

Article 73. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2025, except for the case specified in clause 2 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The Law on Management and Use of Weapons, Explosive Materials and Support Instruments No. 14/2017/QH14 amended by the Law No. 50/2019/QH14 and Law No. 59/2020/QH14 shall cease to have effect from the effective date of this Law, except for the following cases:

a) Regulations specified in Article 17, Article 35 and clause 1 Article 52 of the Law on Management and Use of Weapons, Explosive Materials and Support Instruments No. 14/2017/QH14 amended by the Law No. 50/2019/QH14 and Law No. 59/2020/QH14 shall remain effective until June 30, 2025;

b) Regulations enshrined in Article 75 of this Law.

Article 74. Application of regulations of the Law on Management and Use of Weapons, Explosive Materials and Support Instruments on highly lethal knives

1. Pursuant to regulations of this Law, in order to prevent the acts of using highly lethal knives for the purpose of committing crimes, disrupting public order or opposing authorities and organizations in the performance of their duties and law enforcers, the Government shall decide measures to ensure safety in the production, trading, export, import, transport and use of highly lethal knives so that they will be implemented from January 01, 2026. Safety measures must be practical and not hinder normal activities of organizations and individuals.

2. Producers, traders, exporters and importers of highly lethal knives shall provide information about their quantity, types, trademarks and name of the production establishment at the request of the police authority in the area where they are headquartered, place of production and trading or place of residence so as to maintain security and order.

Article 75. Transitional clauses

1. Any license or certificate related to weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments that is issued before the effective date of this Law and remains effective may be used until the expiry date written on that license or certificate.

2. Any application for issuance of a license or certificate related to weapons, explosive materials, explosive precursors or support instruments that is received before January 01, 2025 but has yet to be processed before the effective date of this Law or is being processed shall continue to be processed under the Law on Management and Use of Weapons, Explosive Materials and Support Instruments No. 14/2017/QH14 amended by the Law No. 50/2019/QH14 and Law No. 59/2020/QH14.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

This Law is adopted by the 15th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on this 29th of June 2024 during its 7th session.

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024
Số hiệu: 42/2024/QH15
Loại văn bản: Luật
Lĩnh vực, ngành: Bộ máy hành chính
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 29/06/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6, Điều 7 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 6. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ

1. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

2. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp cấp Bộ không sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.

3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới

a) Hồ sơ bao gồm: Văn bản đăng ký nhiệm vụ theo Mẫu số 01 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản về đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đối với trường hợp tổ chức chủ trì nhiệm vụ là đơn vị có cơ quan chủ quản); thuyết minh nhiệm vụ theo Mẫu số 02 hoặc Mẫu số 03 hoặc Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; hồ sơ minh chứng việc đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ, Vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức rà soát, đánh giá nội dung hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ bao gồm các nội dung: Tên, mục tiêu, nội dung, tiến độ và sản phẩm của nhiệm vụ. Trường hợp cần thiết, Vụ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trường hợp không phê duyệt, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp có sự thay đổi tên, mục tiêu, nội dung, tiến độ và sản phẩm của nhiệm vụ đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký bổ sung theo thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ đăng ký bổ sung bao gồm: Văn bản đăng ký bổ sung và tài liệu chứng minh sự thay đổi.

5. Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tiếp về Vụ Khoa học và Công nghệ.
...
Điều 7. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để đánh giá và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp

1. Việc đăng ký mới, đăng ký bổ sung sản phẩm vật liệu nổ vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Đăng ký mới đối với sản phẩm vật liệu nổ chưa có trong Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đăng ký bổ sung đối với sản phẩm vật liệu nổ phù hợp chủng loại, chỉ tiêu đặc tính kỹ thuật của sản phẩm thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung

a) Hồ sơ đăng ký mới, đăng ký bổ sung gồm: Văn bản đăng ký và thành phần hồ sơ theo quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

c) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tiếp về Vụ Khoa học và Công nghệ.

3. Thử nghiệm, đánh giá và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành thông báo bằng văn bản đến tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện sản xuất thử nghiệm và quyết định thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ kiểm tra các chỉ tiêu đặc tính kỹ thuật trong phòng thí nghiệm;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng khoa học và công nghệ tổ chức lấy mẫu, giám sát việc thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật tại phòng thử nghiệm được chỉ định. Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ quyết định việc thử nổ công nghiệp, trừ các trường hợp: Sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp là các loại phụ kiện nổ công nghiệp, thuốc nổ mạnh được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; không đảm bảo các điều kiện theo quy định để tiến hành thử nổ công nghiệp;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện thử nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp, Hội đồng khoa học và công nghệ giám sát thử nổ công nghiệp xem xét phương án nổ mìn, hộ chiếu nổ mìn và trình tự tiến hành thử nổ công nghiệp; giám sát việc thử nổ công nghiệp tại các vị trí đã được phê duyệt; lập biên bản về kết quả thử nổ công nghiệp;

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản về kết quả thử nổ công nghiệp và báo cáo tính toán hiệu quả sử dụng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới đạt yêu cầu, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 06 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với vật liệu nổ là sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu có yêu cầu thử nổ công nghiệp, cho phép sử dụng kết quả thử nổ công nghiệp để nghiệm thu nhiệm vụ và đăng ký sản phẩm vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp.
...
PHỤ LỤC V MỘT SỐ MẪU VĂN BẢN VỀ ĐĂNG KÝ ĐỂ NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN, THỬ NGHIỆM, ĐÁNH GIÁ VÀ CÔNG NHẬN KẾT QUẢ ĐĂNG KÝ SẢN PHẨM VẬT LIỆU NỔ VÀO DANH MỤC VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

Mẫu số 01. Văn bản đăng ký mới, đăng ký bổ sung nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Mẫu số 02. Nội dung thuyết minh dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ
...
Mẫu số 03. Nội dung thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
...
Mẫu số 04. Nội dung thuyết minh đề án khoa học và công nghệ cấp Bộ
...
Mẫu số 05. Văn bản đăng ký mới, đăng ký bổ sung sản phẩm vật liệu nổ vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp
...
Mẫu số 06. Quyết định công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp

Xem nội dung VB
Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
...
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, thủ tục đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, đánh giá và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam vào danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6, Điều 7 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 3. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam

1. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam (sau đây viết tắt là Danh mục vật liệu nổ công nghiệp), bao gồm:

a) Thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ công nghiệp, thuốc nổ mạnh quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

c) Vật liệu nổ công nghiệp đã được công nhận kết quả đăng ký theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam (sau đây viết tắt là Danh mục tiền chất thuốc nổ) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THUỐC NỔ CÔNG NGHIỆP, PHỤ KIỆN NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ THUỐC NỔ MẠNH ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM
...
PHỤ LỤC II DANH MỤC TIỀN CHẤT THUỐC NỔ ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

Xem nội dung VB
Điều 70. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
4. Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành danh mục vật liệu nổ công nghiệp quy định tại khoản 9 Điều 2; danh mục tiền chất thuốc nổ quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này.
Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Chương II CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 8. Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

1. Cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (sau đây viết tắt là Cơ sở dữ liệu) do Bộ Công Thương xây dựng, quản lý.

2. Việc cập nhật Cơ sở dữ liệu phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả.

3. Việc khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu phải đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Bảo đảm quyền của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm kinh phí duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu.

Điều 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu

1. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật; tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin, an toàn, an ninh thông tin và khả năng mở rộng các trường dữ liệu trong thiết kế hệ thống và phần mềm ứng dụng.

2. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Cơ sở dữ liệu bao gồm:

a) Hệ thống số hóa và tạo dựng nội dung số;

b) Hệ thống máy chủ (bao gồm dịch vụ quản trị, vận hành);

c) Hệ thống sao lưu và lưu trữ dữ liệu;

d) Hệ thống an toàn, an ninh và bảo mật thông tin;

đ) Đường truyền và các trang thiết bị phục vụ việc truy nhập, khai thác, cập nhật thông tin;

e) Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu.

Điều 10. Nội dung quản lý Cơ sở dữ liệu

1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu.

2. Quản lý, lưu trữ Cơ sở dữ liệu bảo đảm an toàn về thông tin, dữ liệu trên đường truyền.

3. Phân quyền và quản lý tài khoản đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý.

4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu.

Điều 11. Cập nhật, tra cứu Cơ sở dữ liệu

1. Cập nhật dữ liệu, thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trước khi chuyển đổi dữ liệu, phải kiểm tra, thống kê, lên danh sách cụ thể các trường thông tin trong mục chuyển đổi dữ liệu của Cơ sở dữ liệu, báo cáo cấp có thẩm quyền duyệt;

b) Thực hiện việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống phần mềm.

2. Cập nhật dữ liệu báo cáo định kỳ, đột xuất về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

a) Sở Công Thương tiếp nhận báo cáo của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất, sử dụng tiền chất thuốc nổ và cập nhật dữ liệu báo cáo vào Cơ sở dữ liệu;

b) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp nhận báo cáo của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cập nhật dữ liệu báo cáo vào Cơ sở dữ liệu;

c) Cục Hóa chất tiếp nhận báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và cập nhật dữ liệu báo cáo vào Cơ sở dữ liệu;

d) Vụ Khoa học và Công nghệ thực hiện cập nhật đăng ký mới, đăng ký bổ sung để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, đánh giá và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất hoặc lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp vào Cơ sở dữ liệu.

3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này thực hiện cập nhật thông tin giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ vào Cơ sở dữ liệu. Các thông tin bao gồm: Tên, mã số thuế của tổ chức, doanh nghiệp; số, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép, giấy chứng nhận; thời gian hiệu lực, phạm vi hoạt động của giấy phép, giấy chứng nhận; chủng loại, quy mô sản xuất, kinh doanh, sử dụng; các nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Tra cứu dữ liệu, thông tin

a) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Hóa chất, Vụ Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương được phép tra cứu dữ liệu, thông tin về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong phạm vi quản lý. Trường hợp tra cứu dữ liệu, thông tin ngoài phạm vi quản lý thì phải có văn bản đề nghị đơn vị sở hữu dữ liệu, thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này cho phép tra cứu và được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp tài khoản sau khi được sự đồng ý của đơn vị sở hữu dữ liệu, thông tin;

b) Tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khác có nhu cầu tra cứu phải có văn bản đề nghị đơn vị sở hữu dữ liệu, thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này cho phép tra cứu và được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp tài khoản sau khi được sự đồng ý của đơn vị sở hữu dữ liệu, thông tin.

Điều 12. Duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu

1. Duy trì Cơ sở dữ liệu

a) Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường cho việc cài đặt, vận hành Cơ sở dữ liệu;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh Cơ sở dữ liệu;

c) Thường xuyên cập nhật, nâng cấp, bảo trì, khắc phục sự cố để bảo đảm Cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định, liên tục;

d) Thiết lập và duy trì hệ thống dự phòng, sao lưu dữ liệu, phục hồi dữ liệu;

đ) Thực hiện hoạt động giám sát để cảnh báo các hành vi gây mất an toàn Cơ sở dữ liệu.

2. Rà soát, đề xuất phương án đầu tư mở rộng, duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Điều 13. Kinh phí xây dựng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu

1. Kinh phí xây dựng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước hoặc huy động từ các nguồn kinh phí khác.

2. Kinh phí xây dựng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu bao gồm:

a) Kinh phí để thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Thông tư này;

b) Thu thập, xử lý, cập nhật, tích hợp thông tin vào Cơ sở dữ liệu;

c) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu.

Xem nội dung VB
Điều 71. Cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 3. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam

1. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam (sau đây viết tắt là Danh mục vật liệu nổ công nghiệp), bao gồm:

a) Thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ công nghiệp, thuốc nổ mạnh quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

c) Vật liệu nổ công nghiệp đã được công nhận kết quả đăng ký theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THUỐC NỔ CÔNG NGHIỆP, PHỤ KIỆN NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ THUỐC NỔ MẠNH ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

Xem nội dung VB
Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
9. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự thuộc danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 3. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam
...
2. Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam (sau đây viết tắt là Danh mục tiền chất thuốc nổ) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
...
PHỤ LỤC II DANH MỤC TIỀN CHẤT THUỐC NỔ ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

Xem nội dung VB
Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
10. Tiền chất thuốc nổ là hóa chất nguy hiểm, trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ thuộc danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Danh mục tiền chất thuốc nổ được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 3 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn

1. Bộ Công Thương cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thẩm quyền của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp hoặc có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trừ tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và tổ chức, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để khai thác đá ốp lát, bột đá carbonat canxi;

d) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 (một) tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Thẩm quyền của Cục Hóa chất

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ;

b) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ.

4. Thẩm quyền của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Công Thương)

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn quản lý, trừ các tổ chức quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;

b) Cấp, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ.

Xem nội dung VB
Chương III QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Chương III ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ RỦI RO VỀ AN TOÀN; XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN NỔ MÌN, HỘ CHIẾU NỔ MÌN, KẾ HOẠCH ỨNG CỨU KHẨN CẤP VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ, ĐỘT XUẤT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 14. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn

1. Tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn theo nội dung quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định kỳ hàng năm hoặc khi có thay đổi liên quan đến các điều kiện an toàn, tổ chức quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải rà soát, cập nhật để đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn.

Điều 15. Phương án, hộ chiếu nổ mìn

1. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập Phương án nổ mìn theo nội dung quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và được người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp phê duyệt.

2. Căn cứ nội dung của Phương án nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập Hộ chiếu nổ mìn theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này cho mỗi lần nổ mìn.

Điều 16. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp

1. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo nội dung quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải thể hiện đầy đủ các phương án xử lý tình huống khẩn cấp theo kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn quy định tại Điều 14 của Thông tư này.

3. Định kỳ hàng năm, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện luyện tập, diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp. Kết quả luyện tập, diễn tập được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

4. Định kỳ hàng năm hoặc khi có thay đổi liên quan đến công tác ứng cứu khẩn cấp, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện rà soát, cập nhật, phê duyệt kế hoạch ứng cứu khẩn cấp để phù hợp với thực tiễn.

Điều 17. Báo cáo định kỳ, đột xuất

1. Báo cáo định kỳ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

a) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp báo cáo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 20 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 20 tháng 12 đối với báo cáo năm;

b) Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp báo cáo Sở Công Thương theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 18 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 18 tháng 12 đối với báo cáo năm.

2. Báo cáo định kỳ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất thuốc nổ

a) Tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ báo cáo Cục Hóa chất theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 20 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày 20 tháng 12 đối với báo cáo năm;

b) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ báo cáo Sở Công Thương theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 18 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày 18 tháng 12 đối với báo cáo năm;

c) Tổ chức sử dụng tiền chất thuốc nổ báo cáo Sở Công Thương theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 18 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày 18 tháng 12 đối với báo cáo năm.

3. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo; thời gian chốt số liệu báo cáo năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

4. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ báo cáo đột xuất với cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau:

a) Báo cáo Công an cấp huyện và Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện: Xảy ra xâm nhập trái phép khu vực tồn trữ vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, mất cắp, thất thoát hoặc xảy ra tai nạn, sự cố trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

b) Báo cáo Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tiến hành hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong thời hạn 48 giờ kể từ khi chấm dứt hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

c) Thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

d) Nội dung báo cáo đột xuất theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Báo cáo định kỳ, đột xuất được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi đến cơ quan nhận báo cáo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này bằng một trong các phương thức sau: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia; thư điện tử; hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ hoặc phương thức khác theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này và báo cáo về cấp trên là cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo về cơ quan được Bộ Quốc phòng giao quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
...
PHỤ LỤC VIII MẪU HỘ CHIẾU NỔ MÌN

Mẫu số 01. Hộ chiếu nổ mìn lộ thiên
...
Mẫu số 02. Hộ chiếu nổ mìn hầm/lò
...
Mẫu số 03. Hộ chiếu nổ mìn giếng khoan dầu khí
...
Mẫu số 04. Hộ chiếu nổ mìn thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp
...
PHỤ LỤC X MẪU BÁO CÁO VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
Mẫu số 01. Báo cáo định kỳ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
...
Mẫu số 02. Báo cáo định kỳ của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
...
Mẫu số 04. Báo cáo đột xuất của tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Xem nội dung VB
Điều 42. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
...
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, xây dựng phương án nổ mìn, hộ chiếu nổ mìn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất quy định tại khoản 1 Điều này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
2. Thẩm quyền của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

Xem nội dung VB
Điều 35. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; số quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương công nhận kết quả đăng ký của sản phẩm và đưa sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp vào danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam đối với vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng ở Việt Nam; số giấy phép môi trường. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Bản sao văn bản giao nhiệm vụ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đã được phép nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này;

c) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng;

d) Bản sao giấy chứng nhận kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thiết bị đo, kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật vật liệu nổ;

đ) Tài liệu chứng minh bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, bố trí mặt bằng, bố trí dây chuyền công nghệ; hệ thống điện, chống sét; kết quả nghiệm thu về chất lượng công trình xây dựng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đang sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có yêu cầu chuyển đổi tên tổ chức, doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất thì đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị; bản sao quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép đổi tên tổ chức, doanh nghiệp.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp nhưng không làm giảm yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mặt bằng, công nghệ và điều kiện về phòng, chống cháy, nổ, kỹ thuật an toàn của dây chuyền sản xuất đã được cấp phép thì sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, trong đó có thông tin về kết quả cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp bị sự cố, tai nạn phá hủy làm hư hỏng dây chuyền sản xuất thì sau khi có kết quả điều tra và sửa chữa phục hồi, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp lập hồ sơ kỹ thuật của quá trình sửa chữa, phục hồi và có văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, trong đó có thông tin về kết quả sửa chữa, phục hồi dây chuyền sản xuất.

5. Hồ sơ, văn bản quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
2. Thẩm quyền của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
...
b) Cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

Xem nội dung VB
Điều 36. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; lý do; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; danh sách lãnh đạo, cán bộ quản lý có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản, vận chuyển, kinh doanh; số giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng đo lường cấp cho cơ sở thí nghiệm vật liệu nổ công nghiệp (nếu có). Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Bản sao văn bản giao nhiệm vụ kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng hoặc có thay đổi phạm vi kinh doanh theo giấy phép được cấp thì doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm: báo cáo hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
3. Thẩm quyền của Cục Hóa chất
...
b) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

Xem nội dung VB
Điều 37. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; số giấy phép kinh doanh; lý do; số lượng, chủng loại, nước sản xuất; cửa khẩu; phương tiện, thời gian vận chuyển; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Bản sao hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp với doanh nghiệp nước ngoài; hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp với doanh nghiệp trong nước.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn 06 tháng.
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm c Khoản 2, Điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
2. Thẩm quyền của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
...
c) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp hoặc có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trừ tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và tổ chức, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để khai thác đá ốp lát, bột đá carbonat canxi;
...
4. Thẩm quyền của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Công Thương)

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn quản lý, trừ các tổ chức quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;

Xem nội dung VB
Điều 39. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bản sao giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí đối với doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, dầu khí; bản sao quyết định trúng thầu thi công công trình, bản sao hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp, văn bản của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Luật này;

c) Thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng, thiết kế khai thác mỏ, đề án thăm dò khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với công trình quy mô công nghiệp; phương án thi công, khai thác đối với hoạt động xây dựng, khai thác thủ công. Thiết kế hoặc phương án do chủ đầu tư phê duyệt phải bảo đảm điều kiện về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

d) Phương án nổ mìn được lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp ký duyệt.

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình quốc phòng, an ninh hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản phê duyệt của cơ quan cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý về phương án nổ mìn;

đ) Bản sao văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp và điều kiện bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

e) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có kho hoặc không có phương tiện vận chuyển, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có văn bản thể hiện ý định giao kết hợp đồng thuê kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp với tổ chức, doanh nghiệp có kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm điều kiện bảo quản, vận chuyển theo quy định của Luật này;

g) Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp và danh sách thợ nổ mìn, người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có); bản sao chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của người chỉ huy nổ mìn và đội ngũ thợ nổ mìn.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng, hết hiệu lực và không thay đổi điều kiện quy mô hoạt động thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp.

3. Trường hợp có thay đổi quy mô hoạt động hoặc điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì tổ chức, doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm: báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này chứng minh sự thay đổi về quy mô hoạt động hoặc điều kiện sử dụng.

4. Trường hợp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 38 của Luật này nhưng không tự thực hiện việc nổ mìn thì tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn.

5. Hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Thời hạn của giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thời hạn của giấy phép thăm dò khoáng sản nhưng không quá 04 năm; theo thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không quá 05 năm; theo thời hạn công trình đối với trường hợp phục vụ thi công công trình, thử nghiệm, hoạt động dầu khí và hoạt động khác do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật nhưng không quá 02 năm.

8. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm c Khoản 2, Điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn

1. Bộ Công Thương cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem nội dung VB
Điều 40. Dịch vụ nổ mìn

1. Hình thức và yêu cầu hoạt động dịch vụ nổ mìn quy định như sau:

a) Dịch vụ nổ mìn là việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện hợp đồng nổ mìn giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của Luật này, bao gồm: dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa; dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Số lượng, phạm vi, quy mô của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn phải phù hợp với nhiệm vụ, nhu cầu của hoạt động xây dựng, hoạt động khoáng sản tập trung và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương;

c) Trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp chỉ định, bắt buộc việc thực hiện dịch vụ nổ mìn ở khu vực, địa điểm có đặc thù về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn quy định như sau:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn; đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Có đủ điều kiện về sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của Luật này; có cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự bảo đảm cung ứng dịch vụ nổ mìn cho tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ;

c) Có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan khi sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp để thực hiện dịch vụ nổ mìn.

3. Tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ nổ mìn có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Không phải có giấy phép đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp đã thuê dịch vụ nổ mìn;

b) Chỉ được thuê tối đa 02 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ nổ mìn cung ứng một loại dịch vụ nổ mìn ở một khu vực cần thực hiện nổ mìn và phải phân định bằng văn bản để thống nhất phạm vi được phép sử dụng dịch vụ nổ mìn, phương thức nổ mìn bảo đảm an toàn giữa bên thuê và bên thực hiện dịch vụ nổ mìn có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý vật liệu nổ công nghiệp tại địa phương nơi sử dụng;

c) Theo sự điều hành của bên cung ứng dịch vụ nổ mìn trong các hoạt động cụ thể khi bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ bên cung ứng dịch vụ nổ mìn các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp;

b) Văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hình thức dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương; văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn của cơ quan quản lý có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định đối với dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Đề án dịch vụ nổ mìn nêu rõ mục tiêu, quy mô, phạm vi, tính phù hợp quy hoạch, nhu cầu về dịch vụ nổ mìn và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp; các điều kiện cần thiết và giải pháp bảo đảm về an ninh, an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ nổ mìn; bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc giấy phép dịch vụ nổ mìn và phương án nổ mìn điển hình đã thực hiện trong 02 năm trở về trước tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn; giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm đ, e và g khoản 1 Điều 39 của Luật này;

d) Trường hợp doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì hồ sơ không bao gồm giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b khoản này và điểm đ khoản 1 Điều 39 của Luật này.

5. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng, hết hiệu lực, doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép dịch vụ nổ mìn; khi có thay đổi phạm vi hoạt động dịch vụ nổ mìn, doanh nghiệp đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn; báo cáo hoạt động dịch vụ nổ mìn trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp lần trước.

6. Hồ sơ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, điều kiện thực tế, cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Giấy phép dịch vụ nổ mìn có thời hạn 02 năm.

9. Doanh nghiệp được cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất 10 ngày, thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện nổ mìn ít nhất 24h trước khi thực hiện hoạt động dịch vụ nổ mìn.
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn

1. Bộ Công Thương cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thẩm quyền của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp hoặc có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trừ tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và tổ chức, doanh nghiệp có giấy phép hoạt động khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để khai thác đá ốp lát, bột đá carbonat canxi;

d) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động giới hạn trong địa bàn đất liền của 01 (một) tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn trên thềm lục địa hoặc có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Thẩm quyền của Cục Hóa chất

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ;

b) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ.

4. Thẩm quyền của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Công Thương)

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn quản lý, trừ các tổ chức quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;

b) Cấp, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ.

Xem nội dung VB
Chương IV QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN CHẤT THUỐC NỔ
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
3. Thẩm quyền của Cục Hóa chất
...
c) Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ.

Xem nội dung VB
Điều 46. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; số giấy phép kinh doanh; lý do; số lượng, chủng loại, nước sản xuất; cửa khẩu; phương tiện, thời gian vận chuyển; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Bản sao hợp đồng, đơn đặt hàng hoặc hoá đơn mua bán tiền chất thuốc nổ;

c) Bản thuyết minh quy trình sản xuất, thử nghiệm hoặc đề cương nghiên cứu, trong đó có sử dụng tiền chất thuốc nổ đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất thuốc nổ để sử dụng trực tiếp cho sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm.

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ có thời hạn 06 tháng.
Thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
3. Thẩm quyền của Cục Hóa chất

a) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ;

Xem nội dung VB
Điều 45. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; số giấy phép môi trường. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên thì phải có số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bảng kê khai hệ thống kho, bến cảng, nhà xưởng của cơ sở kinh doanh và văn bản cho phép đưa công trình vào sử dụng; danh sách các phương tiện vận tải chuyên dùng và bản sao giấy phép lưu hành; kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

2. Khi giấy phép bị mất, hư hỏng thì doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Văn bản đề nghị cấp lại nêu rõ lý do mất, hư hỏng và kết quả xử lý. Thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp lại không thay đổi.

3. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ được điều chỉnh trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, địa điểm, quy mô, điều kiện hoạt động hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký. Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị điều chỉnh; giấy tờ, tài liệu liên quan chứng minh nội dung thay đổi. Thời hạn hiệu lực của giấy phép không thay đổi.

4. Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ có thời hạn 05 năm.
Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền cấp, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 4 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
...
Điều 4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ và ban hành văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn
...
4. Thẩm quyền của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Công Thương)
...
b) Cấp, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ.

Xem nội dung VB
Điều 44. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp; lý do; họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; số quyết định thành lập tổ chức, doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số văn bản thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà, công trình sản xuất, kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; số giấy phép môi trường. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên thì phải có số giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất tiền chất thuốc nổ theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đang sản xuất tiền chất thuốc nổ có yêu cầu chuyển đổi tên tổ chức, doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất thì đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ. Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị; bản sao quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép đổi tên tổ chức, doanh nghiệp và bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ là Amoni nitrat có hàm lượng từ 98,5% trở lên do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ có cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất tiền chất thuốc nổ nhưng không làm giảm các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mặt bằng, công nghệ và điều kiện về phòng, chống cháy, nổ, kỹ thuật an toàn của dây chuyền sản xuất đã được cấp phép thì sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ có văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ, trong đó có thông tin về kết quả cải tạo, nâng cấp hạ tầng và thiết bị sản xuất tiền chất thuốc nổ.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ bị sự cố, tai nạn phá hủy làm hư hỏng dây chuyền sản xuất thì sau khi có kết quả điều tra và sửa chữa phục hồi, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiền chất thuốc nổ lập hồ sơ kỹ thuật của quá trình sửa chữa, phục hồi và có văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ, trong đó có thông tin về kết quả sửa chữa, phục hồi dây chuyền sản xuất.

5. Hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền cấp, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 4 Điều 4 Thông tư 23/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 12, Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương III ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ; HUẤN LUYỆN, CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ KHO, NƠI CẤT GIỮ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 12. Đối tượng đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an phải được đào tạo, huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Trường hợp là huấn luyện viên, vận động viên sử dụng vũ khí thể thao để luyện tập, thi đấu thể thao thì được miễn huấn luyện về kỹ năng sử dụng.
...
Điều 13. Nội dung, thời gian, địa điểm, kinh phí tổ chức đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Việc đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với nội dung đăng ký đào tạo, huấn luyện về đối tượng, chủng loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Nội dung huấn luyện

a) Quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Cấu tạo, tính năng, tác dụng của từng loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

c) Công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, tháo lắp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

d) Kỹ năng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Thời gian đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng 10 ngày làm việc; quản lý, sử dụng vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ 05 ngày làm việc.

4. Địa điểm tổ chức đào tạo, huấn luyện phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với công tác huấn luyện; bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Trường hợp kiểm tra bắn đạn thật phải được tổ chức tại trường bắn theo quy định.

5. Kinh phí tổ chức đào tạo, huấn luyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị huấn luyện chịu trách nhiệm.

Điều 14. Tiêu chuẩn cán bộ đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Có trình độ đại học thuộc hệ thống đào tạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc trung cấp chuyên ngành quân khí trở lên.

2. Có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế 02 năm công tác trở lên trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 15. Thẩm quyền đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an

1. Thẩm quyền đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Cục Trang bị và kho vận, Bộ Công an;

d) Các học viện, trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân.

2. Thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có trụ sở đóng tại địa phương.

Điều 16. Thủ tục đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Hồ sơ đề nghị đào tạo, huấn luyện của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ nhu cầu, số lượng người tham gia đào tạo, huấn luyện; thời gian, địa điểm tổ chức đào tạo, huấn luyện;

b) Danh sách người tham gia đào tạo, huấn luyện, trong đó ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ; kèm theo 03 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ).

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, chức vụ, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xây dựng kế hoạch và quyết định mở lớp đào tạo, huấn luyện; bố trí cán bộ đào tạo, huấn luyện bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 Nghị định này. Trường hợp cơ quan quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này tổ chức đào tạo, huấn luyện thì sau khi có quyết định mở lớp đào tạo, huấn luyện phải có văn bản thông báo và kèm theo quyết định mở lớp cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này để tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 17. Kiểm tra, sát hạch để cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Sau khi kết thúc đào tạo, huấn luyện, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm thành lập Hội đồng sát hạch để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Trường hợp cơ quan quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này tổ chức đào tạo, huấn luyện thì sau khi kết thúc đào tạo, huấn luyện, phải có văn bản đề nghị; danh sách người tham gia đào tạo, huấn luyện, trong đó ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ; kèm theo 03 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này để tổ chức kiểm tra, sát hạch. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm thành lập Hội đồng sát hạch để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Thành lập Hội đồng sát hạch

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch, bao gồm: Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là Chủ tịch hội đồng; đại diện Phòng hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện; đại diện cơ quan tổ chức đào tạo, huấn luyện (nếu có) là thành viên hội đồng;

b) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch, bao gồm: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là Chủ tịch hội đồng; đại diện Đội đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và con dấu; đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện; đại diện cơ quan tổ chức đào tạo, huấn luyện (nếu có) là thành viên hội đồng.

4. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra lý thuyết

Cá nhân được đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải làm bài thi trắc nghiệm trong thời gian 40 phút; bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi về các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; số điểm tối đa bài thi trắc nghiệm là 30 điểm;

b) Kiểm tra thực hành

Cá nhân được đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện kỹ năng, thao tác, tháo lắp, bảo dưỡng, sử dụng. Thời gian kiểm tra căn cứ vào thực tế, Hội đồng sát hạch trực tiếp đánh giá kết quả kiểm tra;

c) Kiểm tra bắn đạn thật đối với người được đào tạo, huấn luyện về sử dụng súng quân dụng, súng thể thao; người được kiểm tra phải bắn 03 viên đạn thật tính điểm tại trường bắn theo quy định.

5. Đánh giá kết quả kiểm tra

Người được đào tạo, huấn luyện đạt yêu cầu khi có kết quả kiểm tra lý thuyết từ 25 điểm trở lên; đạt yêu cầu kiểm tra thực hành; kiểm tra bắn đạn thật tính điểm 03 viên từ 15 điểm trở lên (nếu có).

Điều 18. Cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Việc cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, sau khi kết thúc kiểm tra, sát hạch cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các cá nhân có kết quả đạt yêu cầu; đối với cá nhân không đạt yêu cầu, gửi thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện biết;

b) Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hết hạn thì thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với trường hợp bị hỏng hoặc mất giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý thực hiện như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ lý do; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ của người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận, chứng chỉ; kèm theo 02 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ);

b) Văn bản quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan đã cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ. Trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, chức vụ, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp, phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Giấy chứng nhận, chứng chỉ được cấp lại giữ nguyên thời hạn như giấy chứng nhận, chứng chỉ đã cấp trước đó.

Xem nội dung VB
Điều 6. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
...
3. Chính phủ quy định việc đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 12, Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 12, Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương III ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ; HUẤN LUYỆN, CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ KHO, NƠI CẤT GIỮ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 12. Đối tượng đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
...
2. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện và cấp Chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 13. Nội dung, thời gian, địa điểm, kinh phí tổ chức đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Việc đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với nội dung đăng ký đào tạo, huấn luyện về đối tượng, chủng loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Nội dung huấn luyện

a) Quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Cấu tạo, tính năng, tác dụng của từng loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

c) Công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, tháo lắp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

d) Kỹ năng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Thời gian đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng 10 ngày làm việc; quản lý, sử dụng vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ 05 ngày làm việc.

4. Địa điểm tổ chức đào tạo, huấn luyện phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với công tác huấn luyện; bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Trường hợp kiểm tra bắn đạn thật phải được tổ chức tại trường bắn theo quy định.

5. Kinh phí tổ chức đào tạo, huấn luyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị huấn luyện chịu trách nhiệm.

Điều 14. Tiêu chuẩn cán bộ đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Có trình độ đại học thuộc hệ thống đào tạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc trung cấp chuyên ngành quân khí trở lên.

2. Có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế 02 năm công tác trở lên trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 15. Thẩm quyền đào tạo, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an

1. Thẩm quyền đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Cục Trang bị và kho vận, Bộ Công an;

d) Các học viện, trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân.

2. Thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có trụ sở đóng tại địa phương.

Điều 16. Thủ tục đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Hồ sơ đề nghị đào tạo, huấn luyện của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ nhu cầu, số lượng người tham gia đào tạo, huấn luyện; thời gian, địa điểm tổ chức đào tạo, huấn luyện;

b) Danh sách người tham gia đào tạo, huấn luyện, trong đó ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ; kèm theo 03 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ).

2. Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, chức vụ, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xây dựng kế hoạch và quyết định mở lớp đào tạo, huấn luyện; bố trí cán bộ đào tạo, huấn luyện bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 Nghị định này. Trường hợp cơ quan quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này tổ chức đào tạo, huấn luyện thì sau khi có quyết định mở lớp đào tạo, huấn luyện phải có văn bản thông báo và kèm theo quyết định mở lớp cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này để tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Điều 17. Kiểm tra, sát hạch để cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Sau khi kết thúc đào tạo, huấn luyện, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm thành lập Hội đồng sát hạch để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Trường hợp cơ quan quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này tổ chức đào tạo, huấn luyện thì sau khi kết thúc đào tạo, huấn luyện, phải có văn bản đề nghị; danh sách người tham gia đào tạo, huấn luyện, trong đó ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ; kèm theo 03 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này để tổ chức kiểm tra, sát hạch. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm thành lập Hội đồng sát hạch để kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Thành lập Hội đồng sát hạch

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch, bao gồm: Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là Chủ tịch hội đồng; đại diện Phòng hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện; đại diện cơ quan tổ chức đào tạo, huấn luyện (nếu có) là thành viên hội đồng;

b) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng sát hạch, bao gồm: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là Chủ tịch hội đồng; đại diện Đội đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và con dấu; đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện; đại diện cơ quan tổ chức đào tạo, huấn luyện (nếu có) là thành viên hội đồng.

4. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra lý thuyết

Cá nhân được đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải làm bài thi trắc nghiệm trong thời gian 40 phút; bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi về các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; số điểm tối đa bài thi trắc nghiệm là 30 điểm;

b) Kiểm tra thực hành

Cá nhân được đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện kỹ năng, thao tác, tháo lắp, bảo dưỡng, sử dụng. Thời gian kiểm tra căn cứ vào thực tế, Hội đồng sát hạch trực tiếp đánh giá kết quả kiểm tra;

c) Kiểm tra bắn đạn thật đối với người được đào tạo, huấn luyện về sử dụng súng quân dụng, súng thể thao; người được kiểm tra phải bắn 03 viên đạn thật tính điểm tại trường bắn theo quy định.

5. Đánh giá kết quả kiểm tra

Người được đào tạo, huấn luyện đạt yêu cầu khi có kết quả kiểm tra lý thuyết từ 25 điểm trở lên; đạt yêu cầu kiểm tra thực hành; kiểm tra bắn đạn thật tính điểm 03 viên từ 15 điểm trở lên (nếu có).

Điều 18. Cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Việc cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, sau khi kết thúc kiểm tra, sát hạch cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các cá nhân có kết quả đạt yêu cầu; đối với cá nhân không đạt yêu cầu, gửi thông báo kết quả kiểm tra, sát hạch cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đào tạo, huấn luyện biết;

b) Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hết hạn thì thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với trường hợp bị hỏng hoặc mất giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý thực hiện như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ lý do; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số định danh cá nhân, chức vụ của người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận, chứng chỉ; kèm theo 02 ảnh màu chụp kiểu chân dung cỡ 03 cm x 04 cm, mặc trang phục theo quy định (ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ);

b) Văn bản quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan đã cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ. Trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, chức vụ, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và cấp lại giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp, phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Giấy chứng nhận, chứng chỉ được cấp lại giữ nguyên thời hạn như giấy chứng nhận, chứng chỉ đã cấp trước đó.

Xem nội dung VB
Điều 7. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
4. Chính phủ quy định việc huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương III HUẤN LUYỆN VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 10. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

1. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ phải được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ.

2. Trường hợp người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ đã được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp thì không phải thực hiện huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 11. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

1. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng trên địa bàn quản lý, trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho các người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 12. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

1. Yêu cầu về an toàn khi tiếp xúc với tiền chất thuốc nổ.

2. Quy định của pháp luật về bảo quản tiền chất thuốc nổ: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy kho bảo quản tiền chất thuốc nổ; các quy định về chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản tiền chất thuốc nổ.

3. Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng thử nghiệm, kiểm tra, biện pháp bảo đảm chất lượng tiền chất thuốc nổ; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn tiền chất thuốc nổ.

4. Cách sắp xếp, bảo quản tiền chất thuốc nổ; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, vận chuyển tiền chất thuốc nổ trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển.

5. Quy trình xuất, nhập, thống kê tiền chất thuốc nổ.

6. Trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ.

Điều 13. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

1. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý tiền chất thuốc nổ có trách nhiệm:

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ theo nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định này và phù hợp với tình hình bảo quản tiền chất thuốc nổ của tổ chức;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị định này kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;

d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;

đ) Căn cứ tình hình sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp có bảo quản tiền chất thuốc nổ có thể kết hợp tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ với huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Người huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ phải có trình độ đại học trở lên và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ, an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liền kề trở lên hoặc làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, hóa chất từ 03 năm liền kề trở lên; có kiến thức pháp luật về tiền chất thuốc nổ.

3. Hình thức huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này phải được huấn luyện trước khi được giao quản lý kho bảo quản tiền chất thuốc nổ. Thời gian huấn luyện ít nhất là 12 giờ;

b) Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.

Điều 14. Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

1. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ, bao gồm: Giấy đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; tài liệu huấn luyện chi tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13; bản sao bằng cấp chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này;

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định này phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức đề nghị; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định này phải tổ chức kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 13 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ

a) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất; hư hỏng; có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;

c) Hồ sơ đề nghị cấp lại: Giấy đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) và danh sách đối tượng cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 11 Nghị định này cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Hồ sơ quy định tại khoản 1, điểm c khoản 5 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất thuốc nổ đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị định này.

7. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ …… …… giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
...
Mẫu số 02 DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ………... CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN ……
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN

Xem nội dung VB
Điều 7. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
4. Chính phủ quy định việc huấn luyện, cấp chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 12, Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 4. Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải quản lý, bảo quản tại kho, nơi cất giữ; chỉ được sử dụng khi có giấy phép sử dụng hoặc đã đăng ký, khai báo theo quy định;

b) Kho vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định theo thẩm quyền;

c) Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; có phương án bảo vệ, phương án ứng phó sự cố, nội quy và được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phê duyệt; có thiết bị, phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

d) Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ bảo quản trong kho, nơi cất giữ, phải sắp xếp gọn gàng, riêng biệt theo từng chủng loại, nhãn hiệu; không để chung các vật liệu, vật dụng dễ cháy nổ với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc vật liệu nổ quân dụng với vũ khí, công cụ hỗ trợ trong cùng kho, nơi cất giữ.

2. Chế độ quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ theo dõi; khi xuất vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ ra khỏi kho, nơi cất giữ để sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng ý và ghi đầy đủ thông tin vào hồ sơ, sổ theo dõi, có chữ ký xác nhận của người giao, người nhận; sau khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc vật liệu nổ quân dụng không sử dụng hết phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản, quản lý theo quy định.

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thường xuyên tổ chức kiểm tra kỹ thuật, đánh giá chất lượng, phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng; định kỳ tháng 11 hằng năm báo cáo kết quả bằng văn bản về cơ quan có thẩm quyền trang cấp và cơ quan cấp giấy phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định;

c) Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng hoặc không thuộc đối tượng được trang bị phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền trang cấp để thu hồi, thanh lý, tiêu huỷ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

d) Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng hoặc không thuộc đối tượng được trang bị phải giao nộp cho cơ quan cấp giấy phép trang bị để thu hồi, thanh lý, tiêu hủy theo quy định;

đ) Trường hợp mất vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc xảy, ra sự cố đối với kho, nơi cất giữ phải báo cáo ngay với Công an cấp xã nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ quan trang cấp và cơ quan cấp giấy phép trang bị để có biện pháp xử lý theo quy định.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm thực hiện quy định sau đây:

a) Thống kê, ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi việc cấp phát, tiếp nhận, thu hồi, điều chuyển, điều động, chuyển cấp, hư hỏng, mất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, có biện pháp phòng chống han, gỉ, mối, mọt, ẩm, mốc đối với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thực hiện vệ sinh trong, ngoài kho, nơi cất giữ bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Xem nội dung VB
Điều 8. Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải theo đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.

2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường.

Kho vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Chương IV Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương IV QUẢN LÝ, BẢO QUẢN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP, GIẤY CHỨNG NHẬN VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 15. Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp

1. Vật liệu nổ công nghiệp được bảo quản trên phương tiện vận chuyển, vị trí trung chuyển và tại khu vực nổ mìn phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Kho vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được sử dụng, quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật liên quan.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện:

a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp;

b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho vật liệu nổ công nghiệp;

c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy và chữa cháy;

d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp trong kho, phân loại vật liệu nổ công nghiệp không bảo đảm chất lượng theo quy định;

đ) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho vật liệu nổ công nghiệp;

e) Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định;

g) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 16. Quản lý, bảo quản tiền chất thuốc nổ

1. Tiền chất thuốc nổ phải được bảo quản tại vị trí, địa điểm đáp ứng yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Kho tiền chất thuốc nổ phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho tiền chất thuốc nổ phải

a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho tiền chất thuốc nổ;

b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho tiền chất thuốc nổ;

c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập trong kho, phân loại tiền chất thuốc nổ không bảo đảm chất lượng theo quy định;

đ) Không được bảo quản chung tiền chất thuốc nổ với các loại hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có biện pháp chữa cháy khác nhau;

e) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho tiền chất thuốc nổ;

g) Xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phương án chữa cháy; phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật;

h) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 17. Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thực hiện như sau:

1. Cơ quan cấp phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

2. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi ban hành Quyết định thu hồi theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà tổ chức, doanh nghiệp không lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận tiến hành kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi và tiêu hủy giấy phép, giấy chứng nhận bằng hình thức phù hợp.
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 05 QUYẾT ĐỊNH Về việc thu hồi ……………………

Xem nội dung VB
Điều 8. Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải theo đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.

2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường.

Kho vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Chương IV Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 5. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo trình tự như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ để giao nộp. Sau khi nhận được văn bản đề nghị cấp giấy phép vận chuyển thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, sử dụng tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này. Trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ tại trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị giao nộp thì không phải cấp giấy phép vận chuyển.

Cơ quan có thẩm quyền trang cấp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sau khi nhận được văn bản đề nghị thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của các đơn vị trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thì tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị, sử dụng hoặc cơ quan có thẩm quyền trang cấp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản thu hồi, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ. Biên bản lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, 01 bản lưu tại cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

2. Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo trình tự như sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ, giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị về thời gian, địa điểm giao nộp để thu hồi;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản thu hồi, trong đó ghi rõ số lượng, loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ. Biên bản lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, 01 bản lưu tại cơ quan có thẩm quyền thu hồi;

c) Đối với các đơn vị trong Công an nhân dân sau khi giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền trang cấp thì phải giao nộp giấy phép sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.

3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì cơ quan có thẩm quyền trang cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị tiến hành kiểm tra, lập biên bản theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này, tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Sau khi thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy theo quy định. Đối với giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ đã thu hồi, định kỳ hằng năm cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải thống kê cụ thể từng loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ đã thu hồi và tổ chức tiêu hủy, lập biên bản ghi nhận kết quả tiêu hủy.

Xem nội dung VB
Điều 10. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ; lý do giao nộp; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; số giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ theo quy định.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không đề nghị giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì cơ quan cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi, xử lý theo quy định.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Điều 17. Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thực hiện như sau:

1. Cơ quan cấp phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

2. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi ban hành Quyết định thu hồi theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà tổ chức, doanh nghiệp không lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận tiến hành kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi và tiêu hủy giấy phép, giấy chứng nhận bằng hình thức phù hợp.
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 05 QUYẾT ĐỊNH Về việc thu hồi ……………………

Xem nội dung VB
Điều 10. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ; lý do giao nộp; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; số giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ theo quy định.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không đề nghị giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì cơ quan cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ phải kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi, xử lý theo quy định.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 6. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật

1. Vũ khí, công cụ hỗ trợ trước khi sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải làm mất tính năng, tác dụng; trừ vũ khí thô sơ thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

2. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ thì được thực hiện làm mất tính năng, tác dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an có thẩm quyền xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp giấy phép trang bị, sử dụng; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp giấy phép trang bị, sử dụng.

Cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thực hiện việc xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng phải thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện làm mất tính năng, tác dụng;

b) Văn bản quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp nộp trực tiếp thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

Đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì văn bản đề nghị nộp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Trường hợp nộp trực tiếp thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thực hiện thủ tục làm mất tính năng, tác dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này có văn bản thông báo cho phép làm mất tính năng, tác dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ, thời gian, tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp làm mất tính năng, tác dụng; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;

Sau khi tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an đã làm mất tính năng, tác dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì thông báo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành kiểm tra, lập biên bản đánh giá tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng và cấp Thông báo xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng có nhu cầu sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật; lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nguồn gốc, xuất xứ vũ khí, công cụ hỗ trợ;

b) Văn bản quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Công an, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp nộp trực tiếp thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

Đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thì văn bản đề nghị nộp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Trường hợp nộp trực tiếp thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải tiến hành kiểm tra, lập biên bản và có văn bản thông báo xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
Điều 14. Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để chào hàng, giới thiệu, triển lãm, trưng bày sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật
...
5. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương II KINH DOANH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VŨ KHÍ

Điều 9. Điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí

1. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kinh doanh vũ khí phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ kinh doanh vũ khí; trường hợp tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vũ khí quân dụng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Người quản lý, người có liên quan trực tiếp đến kinh doanh vũ khí phải được huấn luyện về quản lý vũ khí và nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường trong quản lý, bảo quản, vận chuyển vũ khí.

3. Tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phải là tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh vũ khí và được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Điều 10. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu; số quyết định thành lập hoặc số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nước sản xuất vũ khí; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ;

b) Bản sao văn bản được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

2. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải kiểm tra, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

3. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phải kiểm tra, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí có thời hạn 90 ngày.

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí

1. Chỉ được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; vũ khí phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất đối với từng loại vũ khí.

2. Duy trì thường xuyên các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Xem nội dung VB
Điều 17. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí
...
6. Chính phủ quy định chi tiết việc kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 7. Biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao

1. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển dao có tính sát thương cao phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Khi sản xuất dao có tính sát thương cao phải đóng, khắc nhãn hiệu, ký hiệu hoặc tên cơ sở sản xuất trên sản phẩm; quá trình sản xuất phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; sản phẩm dao có tính sát thương cao phải được bọc kín, đóng gói hoặc đóng thùng;

b) Bán, giới thiệu sản phẩm dao có tính sát thương cao tại địa điểm cố định phải cất giữ trong tủ, khay hoặc giá; trường hợp bán dao có tính sát thương cao không có địa điểm cố định thì phải được bọc kín, đóng gói hoặc có biện pháp cất giữ, bảo quản chặt chẽ, an toàn;

c) Việc xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại; sản phẩm dao có tính sát thương cao phải có nguồn gốc, xuất xứ hoặc trên sản phẩm có nhãn hiệu, ký hiệu hoặc tên cơ sở sản xuất;

d) Khi vận chuyển dao có tính sát thương cao để kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phải đóng gói, đóng thùng, chằng buộc chắc chắn bảo đảm không để rơi, mất, thất lạc trong quá trình vận chuyển;

đ) Quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển dao có tính sát thương cao bị mất, thất lạc tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

2. Cá nhân khi vận chuyển, mang dao có tính sát thương cao để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt phải được bọc hoặc cất giữ, quản lý bảo đảm an toàn; mang dao có tính sát thương cao vào nơi công cộng phải được bọc hoặc cất giữ, bảo quản chặt chẽ; việc sử dụng phải có biện pháp quản lý, bảo quản chặt chẽ, không để người khác lợi dụng sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

3. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 74. Áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với dao có tính sát thương cao

1. Căn cứ các quy định của Luật này, để phòng, chống các hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 8. Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

1. Cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an định kỳ 01 lần trong 01 năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập đoàn kiểm tra và thông báo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trước khi tổ chức thực hiện việc kiểm tra ít nhất 03 ngày làm việc; trường hợp kiểm tra đột xuất thì phải thông báo trước khi tiến hành kiểm tra cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kiểm tra phải xây dựng báo cáo kết quả công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế được ghi nhận tại biên bản kiểm tra hoặc xử lý vi phạm (nếu có).

4. Việc kiểm tra phải bảo đảm đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kết thúc kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra, biên bản được lập thành 02 bản, 01 bản giao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, 01 bản lưu tại cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

5. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Xem nội dung VB
Điều 69. Nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
12. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 149/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 3. Thẩm quyền quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để luyện tập, thi đấu thể thao, chào hàng, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

2. Cơ quan Công an được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải có văn bản trao đổi, thống nhất với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem nội dung VB
Điều 12. Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để làm nhiệm vụ bảo vệ theo quy định tại điểm a khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều 11 của Luật này; trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 11 của Luật này.

3. Số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 Điều 11 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Thẩm quyền quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Loại công cụ hỗ trợ được cấp giấy phép hoặc đăng ký, khai báo và trình tự, thủ tục đăng ký, khai báo được hướng dẫn bởi Điều 5, Điều 8 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 5. Loại công cụ hỗ trợ cấp giấy phép sử dụng hoặc cấp thông báo đăng ký khai báo

1. Công cụ hỗ trợ cấp giấy phép sử dụng, bao gồm: Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu; dùi cui điện, dùi cui kim loại, găng tay điện.

2. Các loại công cụ hỗ trợ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp thông báo đăng ký khai báo.
...
Điều 8. Thủ tục đăng ký khai báo công cụ hỗ trợ

1. Hồ sơ đề nghị đăng ký khai báo công cụ hỗ trợ, bao gồm: Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lý do, số lượng, chủng loại, nước sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu công cụ hỗ trợ, số giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; bản sao hóa đơn, phiếu xuất kho hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Trường hợp công cụ hỗ trợ là động vật nghiệp vụ, văn bản đề nghị bổ sung loại, tên, màu lông, tính biệt, cơ sở huấn luyện.

2. Hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra thực tế và cấp thông báo đăng ký khai báo công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

4. Công cụ hỗ trợ bị mất, hư hỏng không còn khả năng sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc đã sử dụng hết thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị phải báo cáo với cơ quan Công an có thẩm quyền cấp thông báo đăng ký khai báo công cụ hỗ trợ để theo dõi, quản lý hoặc xử lý theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 55. Cấp giấy phép sử dụng, đăng ký, khai báo công cụ hỗ trợ

1. Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng phải được cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo với cơ quan Công an có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Công an quy định loại công cụ hỗ trợ được cấp giấy phép hoặc đăng ký, khai báo và trình tự, thủ tục đăng ký, khai báo.
Loại công cụ hỗ trợ được cấp giấy phép hoặc đăng ký, khai báo và trình tự, thủ tục đăng ký, khai báo được hướng dẫn bởi Điều 5, Điều 8 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 7. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom

1. Vũ khí hạng nặng, bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại ngay sau khi tiếp nhận, cơ quan Công an phải thực hiện bàn giao cho cơ quan Quân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Vũ khí, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí quy định tại khoản 1 Điều này sau khi tiếp nhận, thu gom, cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện như sau:

a) Phải bố trí kho, nơi cất giữ và cán bộ quản lý, bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ; kho, nơi cất giữ phải có nội quy, phương án bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

b) Vũ khí, công cụ hỗ trợ trước khi đưa vào kho, nơi cất giữ phải kiểm tra an toàn theo quy định;

c) Vũ khí, công cụ hỗ trợ trong kho, nơi cất giữ phải sắp xếp khoa học theo từng chủng loại, nhãn hiệu, đặc điểm cấu tạo; vũ khí, công cụ hỗ trợ nguy hiểm, dễ cháy, nổ phải cài chốt, đóng khóa an toàn hoặc để riêng biệt trong tủ chuyên dùng;

d) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sau khi tiếp nhận, thu gom không cất giữ chung với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị;

đ) Phải lập hồ sơ, sổ theo dõi vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom;

e) Trường hợp mất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc xảy ra sự cố đối với kho, nơi cất giữ, cán bộ được giao quản lý phải báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị để có biện pháp xử lý theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 66. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom
...
2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi quản lý.
Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 9; Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 10; Điều 11. Điều 15 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 9. Đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc Bộ Công an; học viện, trường Công an nhân dân;

b) Công an cấp tỉnh;

c) Trại giam, trại tạm giam; cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân;

d) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là Công an cấp huyện);

đ) Công an cấp xã.

Điều 10. Loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị

1. Đối tượng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 9 Thông tư này được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không và đạn sử dụng cho các loại súng này; tên lửa chống tăng cá nhân; trực thăng vũ trang; mìn, lựu đạn; công cụ hỗ trợ; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư này được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này; công cụ hỗ trợ; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
...
4. Căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét quyết định trang bị bổ sung loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho đối tượng quy định tại Điều 9 Thông tư này.

5. Hằng năm trước ngày 30 tháng 6, Công an các đơn vị, địa phương lập dự trù loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cần trang bị năm sau theo tiêu chuẩn, định mức gửi Cục Trang bị và kho vận tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Điều 11. Thẩm quyền trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho toàn lực lượng Công an nhân dân.

2. Cục trưởng Cục Trang bị và kho vận quyết định trang bị bổ sung vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Căn cứ số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị, thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định trang bị số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Trường hợp Công an cấp tỉnh có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của địa phương thì Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định trang bị và thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sau khi trang bị báo cáo Cục Trang bị và kho vận để theo dõi, quản lý, bổ sung vào biên chế tài sản trong Công an nhân dân.
...
Điều 15. Đối tượng, loại vũ khí trang bị

1. Lực lượng Cơ yếu không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Trạm Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

3. Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng, Trạm Kiểm ngư, Đội tàu Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư hoặc phòng Kiểm ngư trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Riêng Đội tàu Kiểm ngư được trang bị thêm súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5mm và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Lực lượng An ninh hàng không được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

5. Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

6. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

7. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao được trang bị vũ khí thể thao.

Xem nội dung VB
Điều 18. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
...
3. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 9; Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 10; Điều 11. Điều 15 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 9; Khoản 3, 4, 5 Điều 10 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 9. Đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
...
2. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:

a) Học viện, trường Công an nhân dân;

b) Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;

c) Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.
...
Điều 10. Loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị
...
3. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này được trang bị các loại vũ khí thể thao.

4. Căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét quyết định trang bị bổ sung loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho đối tượng quy định tại Điều 9 Thông tư này.

5. Hằng năm trước ngày 30 tháng 6, Công an các đơn vị, địa phương lập dự trù loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cần trang bị năm sau theo tiêu chuẩn, định mức gửi Cục Trang bị và kho vận tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 24. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
...
2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 9; Khoản 3, 4, 5 Điều 10 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thẩm quyền trang bị vũ khí quân dụng thuộc quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 11. Thẩm quyền trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho toàn lực lượng Công an nhân dân.

2. Cục trưởng Cục Trang bị và kho vận quyết định trang bị bổ sung vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Căn cứ số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị, thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định trang bị số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Trường hợp Công an cấp tỉnh có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của địa phương thì Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định trang bị và thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sau khi trang bị báo cáo Cục Trang bị và kho vận để theo dõi, quản lý, bổ sung vào biên chế tài sản trong Công an nhân dân.

Xem nội dung VB
Điều 20. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng

1. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, đơn vị có nhu cầu trang bị, doanh nghiệp bán vũ khí quân dụng, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đến liên hệ, lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí quân dụng; văn bản đồng ý của lãnh đạo Bộ, ngành về việc trang bị vũ khí quân dụng;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép trang bị vũ khí quân dụng; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng có thời hạn 60 ngày.
Thẩm quyền trang bị vũ khí quân dụng thuộc quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Sử dụng vật liệu nổ quân dụng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 14. Sử dụng vật liệu nổ quân dụng

1. Người chỉ huy và người trực tiếp sử dụng vật liệu nổ quân dụng trong Công an nhân dân phải được đào tạo, huấn luyện về sử dụng vật liệu nổ quân dụng và được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng.

2. Các trường hợp sử dụng vật liệu nổ quân dụng, bao gồm:

a) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

b) Huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao;

c) Xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai.

3. Chỉ sử dụng vật liệu nổ quân dụng được trang bị, còn niên hạn sử dụng; khi sử dụng vật liệu nổ quân dụng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và bảo vệ môi trường; hạn chế thấp nhất thiệt hại do việc sử dụng vật liệu nổ quân dụng gây ra.

4. Vật liệu nổ quân dụng sau khi sử dụng phải được kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn; không sử dụng hết phải thu hồi, quản lý, bảo quản hoặc tiêu hủy theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 32. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng
...
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng vật liệu nổ quân dụng thuộc phạm vi quản lý.
Sử dụng vật liệu nổ quân dụng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 16. Đối tượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị

1. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 15 Thông tư này và cơ sở cai nghiện ma túy được trang bị công cụ hỗ trợ.

2. Lực lượng Cơ yếu không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cơ quan thi hành án dân sự các cấp; Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản được trang bị công cụ hỗ trợ, trừ động vật nghiệp vụ.

3. Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao;

Trường hợp, khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trang bị phương tiện xịt hơi cay; súng bắn điện; súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

Trường hợp, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại vườn thú; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; khu bảo tồn loài, sinh cảnh thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chăm sóc, bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trang bị súng bắn chất gây mê và đạn sử dụng cho loại súng này.

4. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao.

5. Lực lượng bảo vệ câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui kim loại, dùi cui cao su.

Xem nội dung VB
Điều 52. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:
...
q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 15 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Điều 15. Đối tượng, loại vũ khí trang bị

1. Lực lượng Cơ yếu không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Trạm Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

3. Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng, Trạm Kiểm ngư, Đội tàu Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư hoặc phòng Kiểm ngư trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Riêng Đội tàu Kiểm ngư được trang bị thêm súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5mm và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Lực lượng An ninh hàng không được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

5. Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho các loại súng này; vũ khí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

6. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí quân dụng, bao gồm: Súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

7. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao được trang bị vũ khí thể thao.

Xem nội dung VB
Điều 19. Loại vũ khí quân dụng trang bị cho Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan

1. Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, An ninh hàng không được trang bị súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

2. Kiểm lâm, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này.

3. Kiểm ngư được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5 mm và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Trường hợp cần thiết phải trang bị loại vũ khí quân dụng ngoài quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 15 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi của các đối tượng được trang bị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương III PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ SAU KHI THU HỒI CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRANG BỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG AN

Điều 17. Phân loại, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Cục Trang bị và kho vận có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang cấp cho các đơn vị trực thuộc Bộ Công an giao nộp, trừ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Phòng Hậu cần Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang cấp cho các đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, Công an cấp xã giao nộp.

2. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang cấp cho các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý giao nộp.

3. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm phân loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này giao nộp; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phân loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này giao nộp.

4. Định kỳ hằng năm, các đơn vị quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này phải thống kê, lập danh sách, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, giá trị sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thu hồi để thực hiện loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 18 Thông tư này.

5. Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi phải quản lý, bảo quản theo quy định tại Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 18. Thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy đối với vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ quân dụng quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 5 và khoản 8 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Cục trưởng Cục Trang bị và kho vận quyết định loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu huỷ đối với vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5 và khoản 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của các đơn vị thuộc Bộ Công an, trừ các đơn vị quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy đối với vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5 và khoản 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

4. Trình tự, thủ tục loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân thực hiện như sau:

a) Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện thuộc Công an cấp tỉnh được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ định kỳ hằng năm phân cấp chất lượng và lập hồ sơ gửi về Phòng Hậu cần để tổng hợp, báo cáo thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt chủ trương và quyết định thành lập Hội đồng loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

Thành phần Hội đồng thuộc các đơn vị Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, bao gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh, Cục là chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn và đơn vị đề nghị loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy là thành viên Hội đồng;

Thành phần Hội đồng Công an cấp tỉnh, bao gồm: Đại diện lãnh đạo Công an cấp tỉnh là chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo Phòng Hậu cần, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và đơn vị đề nghị loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy là thành viên Hội đồng;

b) Hội đồng loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải tổ chức đánh giá chất lượng, phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và báo cáo đề xuất thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định;

c) Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Công an cấp tỉnh căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng, quyết định loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ quy định tại khoản 3 Điều này và tổ chức thanh lý, tiêu hủy, báo cáo về Cục Trang bị và kho vận để loại khỏi biên chế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng quy định tại khoản 1 Điều này, Công an các đơn vị, địa phương phải lập hồ sơ đề nghị gửi về Cục Trang bị và kho vận tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy; sau khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Trang bị và kho vận thực hiện loại khỏi biên chế và thanh lý, tiêu hủy theo quy định;

d) Hồ sơ đề nghị loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, bao gồm: Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đề nghị loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy và tài liệu khác có liên quan (nếu có); trường hợp súng quân dụng bị mờ số hoặc không có số hiệu, ký hiệu phải có kết quả giám định số hiệu, ký hiệu, kết quả tra cứu với cơ sở dữ liệu dấu vết súng đạn của Viện Khoa học hình sự hoặc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh gửi kèm;

Đối với hồ sơ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Công an cấp tỉnh gửi về Cục Trang bị và kho vận phải kèm theo biên bản của Hội đồng loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

đ) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc loại khỏi biên chế, thanh lý, tiêu hủy tài sản theo quy định, Cục nghiệp vụ, Công an cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều này phải hạch toán giảm tài sản theo quy định và cập nhật đầy đủ thông tin vào phần mềm quản lý tài sản công, báo cáo Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Trang bị và kho vận, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để theo dõi, quản lý.

5. Trình tự, thủ tục thanh lý, tiêu hủy vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an giao nộp thực hiện như sau:

a) Sau khi thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giao nộp, Phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thanh lý, tiêu hủy vũ khí, công cụ hỗ trợ;

b) Hội đồng thanh lý, tiêu hủy phải tổ chức đánh giá chất lượng, phân loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Công an cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị gửi về Cục Trang bị và kho vận tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bổ sung vào biên chế tài sản trong Công an nhân dân theo quy định; đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ không còn giá trị sử dụng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định tiêu hủy theo quy định;

c) Thực hiện việc tiêu hủy phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo vệ môi trường; sau khi tiêu hủy, phải kiểm tra hiện trường bảo đảm tất cả vũ khí, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập biên bản, có xác nhận của chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Điều 19. Kinh phí bảo đảm cho việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Kinh phí phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Công an để chi cho các nội dung sau đây:

a) Xây dựng kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi, tiếp nhận, thu gom; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Hoạt động của các lực lượng thực hiện công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quân khí.

2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Trang bị và kho vận, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập dự trù kinh phí hằng năm phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của đơn vị, địa phương mình gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 60. Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
...
5. Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi của các đối tượng được trang bị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...

Điều 19. Kinh phí bảo đảm cho việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Kinh phí phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Công an để chi cho các nội dung sau đây:

a) Xây dựng kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi, tiếp nhận, thu gom; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

b) Hoạt động của các lực lượng thực hiện công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quân khí.

2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Trang bị và kho vận, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập dự trù kinh phí hằng năm phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của đơn vị, địa phương mình gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 68. Kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

c) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Việc quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương IV HUẤN LUYỆN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐỘNG VẬT NGHIỆP VỤ

Điều 20. Huấn luyện động vật nghiệp vụ

1. Việc huấn luyện động vật nghiệp vụ do đơn vị chức năng của Bộ Công an được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ thực hiện.

2. Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ, cụ thể:

a) Cán bộ huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ trong Công an nhân dân và được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm công tác quản lý, huấn luyện động vật nghiệp vụ;

b) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc nuôi dưỡng, huấn luyện động vật nghiệp vụ phải bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan biên soạn nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ phù hợp với mục đích huấn luyện theo từng chuyên khoa nghiệp vụ.

3. Sau khi kết thúc huấn luyện động vật nghiệp vụ, đơn vị huấn luyện thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Điều 21. Quản lý động vật nghiệp vụ

1. Cơ quan có thẩm quyền huấn luyện động vật nghiệp vụ phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi động vật nghiệp vụ, bao gồm:

a) Hệ phả;

b) Sổ theo dõi quá trình huấn luyện và kết quả sử dụng;

c) Sổ khám chữa bệnh;

d) Giấy chứng nhận động vật nghiệp vụ;

đ) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cấp giấy phép trang bị thì cơ quan huấn luyện động vật nghiệp vụ có trách nhiệm bàn giao động vật nghiệp vụ và hồ sơ quản lý động vật nghiệp vụ cho đơn vị, cơ quan, tổ chức được trang cấp hoặc trang bị động vật nghiệp vụ để quản lý, sử dụng theo quy định.

3. Sau khi được trang cấp hoặc trang bị động vật nghiệp vụ, đơn vị, cơ quan, tổ chức phải làm thủ tục đăng ký khai báo với cơ quan có thẩm quyền để cấp thông báo đăng ký khai báo theo quy định; trong quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ phải bổ sung các tài liệu có liên quan vào hồ sơ quản lý, theo dõi.

Điều 22. Sử dụng động vật nghiệp vụ

1. Người sử dụng động vật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Hỗ trợ tuần tra kiểm soát, canh gác, bảo vệ mục tiêu; chống gây rối trật tự công cộng, biểu tình, bạo loạn, khủng bố; bảo vệ phiên tòa, thi hành án, tìm xác người, vật chứng; truy tìm dấu vết mùi hơi người; phát hiện các chất ma túy, vật liệu nổ;

b) Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác;

c) Hỗ trợ phát hiện, ngăn chặn, truy lùng, bắt giữ, dẫn giải người phạm tội, can phạm, phạm nhân;

d) Thực hiện các nghi thức, tham gia diễu binh, duyệt binh.

2. Người sử dụng động vật nghiệp vụ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi sử dụng động vật nghiệp vụ đã tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp sử dụng động vật nghiệp vụ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng động vật nghiệp vụ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 49. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ
...
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý.
Việc quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương V Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
...
Chương V XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, CẬP NHẬT, KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 23. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Công an và kết nối đồng bộ đến Công an các đơn vị, địa phương.

2. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Bố trí nơi lắp đặt máy móc, thiết bị công nghệ thông tin;

b) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cho cơ sở dữ liệu, bao gồm hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị mạng, sao lưu dự phòng, thiết bị ngoại vi, phần mềm hệ thống và các thiết bị hỗ trợ khác;

c) Xây dựng phân hệ quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong cơ sở dữ liệu dùng chung của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

d) Chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

đ) Vận hành, hiệu chỉnh Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 24. Quản lý Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Quản lý hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Quản lý, lưu trữ Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm an toàn về thông tin, dữ liệu trên đường truyền.

4. Phân quyền và quản lý tài khoản đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.

5. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Bảo đảm kinh phí duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

8. Tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý, cập nhập, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 25. Bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống, đăng nhập vào các ứng dụng, thao tác trên các chức năng hệ thống của Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Mã hóa và bảo mật đường truyền, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ an toàn dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Thực hiện lưu vết trong việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ quản lý, giám sát hệ thống.

5. Thiết lập, duy trì hệ thống dự phòng và sao lưu dữ liệu vào hệ thống dự phòng để bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục trong điều kiện có sự cố về thiên tai, hỏa hoạn và sự cố khác.

Điều 26. Quản lý tài khoản quản trị Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

Quản lý tài khoản quản trị Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ do cán bộ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được giao nhiệm vụ và thực hiện chức năng quản trị sau đây:

1. Cấp, thu hồi tài khoản và mật khẩu cho người dùng để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Phân quyền các chức năng của cơ sở dữ liệu cho người dùng, nhóm người dùng.

3. Tìm kiếm và xem thông tin các thao tác đã được thực hiện trên cơ sở dữ liệu của các tài khoản.

Điều 27. Cập nhật, tra cứu Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cập nhật cơ sở dữ liệu là việc thực hiện cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp giấy phép, thông báo đăng ký khai báo, chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đã cấp vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, cụ thể:

a) Trước khi chuyển đổi dữ liệu, cán bộ được giao phải kiểm tra, thống kê, lên danh sách cụ thể các trường thông tin trong mục chuyển đổi dữ liệu của cơ sở dữ liệu, báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền duyệt;

b) Trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống phần mềm.

2. Cập nhật dữ liệu tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

a) Cán bộ được giao nhiệm vụ thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị và giấy phép, thông báo đăng ký khai báo phải tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiến hành phân loại và cập nhật thông tin, in biên bản bàn giao, trình lãnh đạo có thẩm quyền duyệt, ký;

b) Đối với các trường hợp thu gom do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Đối với các trường hợp thu gom do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp tại cơ quan, đơn vị khác thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận lập báo cáo và kèm theo biên bản gửi về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh để thực hiện cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

3. Các Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ, đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an cấp tỉnh có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được cập nhật, khai thác dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong cơ sở dữ liệu.

4. Tra cứu thông tin

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được phép tra cứu thông tin đối với dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh được phép tra cứu thông tin đối với dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong phạm vi quản lý của đơn vị. Trường hợp tra cứu thông tin ngoài phạm vi quản lý thì phải có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tra cứu;

c) Cục Trang bị và kho vận được tra cứu thông tin dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân; Viện Khoa học hình sự, Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh được tra cứu thông tin từ Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác giám định kỹ thuật hình sự;

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu phải có văn bản đề nghị và được Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh phê duyệt; trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu, cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện và báo cáo kết quả tra cứu trả lời cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị.

Điều 28. Sao lưu, phục hồi Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được sao lưu thường xuyên và được lưu trữ, quản lý tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Việc sao lưu phải được bảo vệ an toàn, kiểm tra định kỳ.

2. Phục hồi Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ sẽ được thực hiện khi dữ liệu bị phá hủy, tấn công mạng, truy cập trái phép hoặc có sự cố xảy ra làm hỏng dữ liệu đang hoạt động.

3. Các thiết bị lưu trữ dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bị lỗi, hư hỏng, khi giao cho tổ chức, cá nhân bảo hành, sửa chữa phải có cán bộ chuyên môn giám sát và được sự đồng ý của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; khi thay thế thiết bị lưu trữ phải giữ lại thiết bị cũ để quản lý.

Điều 29. Duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện việc duy trì Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

a) Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường cho việc cài đặt, vận hành Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoạt động liên tục;

d) Thiết lập và duy trì hệ thống dự phòng, sao lưu dữ liệu, phục hồi dữ liệu để bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục trong điều kiện có sự cố về thiên tai, hỏa hoạn và sự cố khác;

đ) Thực hiện hoạt động giám sát để cảnh báo các hành vi gây mất an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện rà soát, đề xuất phương án đầu tư mở rộng, duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Xem nội dung VB
Điều 71. Cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương V Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Danh mục vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, dao có tính sát thương cao được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều 6. Danh mục vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, dao có tính sát thương cao

1. Ban hành kèm theo Thông tư này phụ lục danh mục vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, dao có tính sát thương cao, bao gồm:

a) Phụ lục 1: Danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

b) Phụ lục 2: Danh mục vũ khí thể thao quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

c) Phụ lục 3: Danh mục vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

d) Phụ lục 4: Danh mục công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 11 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

đ) Phụ lục 5: Danh mục dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Căn cứ theo yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và dao có tính sát thương cao;

Trường hợp nhập khẩu vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ không thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.
...
PHỤ LỤC 1 DANH MỤC VŨ KHÍ QUÂN DỤNG (SÚNG BẮN ĐẠN GHÉM, SÚNG NÉN KHÍ, SÚNG NÉN HƠI VÀ ĐẠN SỬ DỤNG CHO CÁC LOẠI SÚNG NÀY)
...
PHỤ LỤC 2 DANH MỤC VŨ KHÍ THỂ THAO
...
PHỤ LỤC 3 DANH MỤC VŨ KHÍ THÔ SƠ
...
PHỤ LỤC 4 DANH MỤC CÔNG CỤ HỖ TRỢ
...
PHỤ LỤC 5 DANH MỤC DAO CÓ TÍNH SÁT THƯƠNG CAO

Xem nội dung VB
Điều 70. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
...
2. Bộ Công an là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2; danh mục vũ khí thể thao quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2; danh mục vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2; danh mục dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều 2; danh mục công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 11 Điều 2 của Luật này.
Danh mục vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, dao có tính sát thương cao được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
...
Chương II CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ mục đích thi công các công trình quốc phòng, an ninh; xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật, hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh, an toàn do cơ quan bảo vệ an ninh cấp thực hiện theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao quyết định trúng thầu thi công công trình, bản sao hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp còn hiệu lực; bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Bản sao thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng; phương án thi công đối với các hoạt động cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Phương án nổ mìn được lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp ký duyệt.

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình quốc phòng, an ninh hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản phê duyệt của cơ quan cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khu vực có phương án nổ mìn;

e) Bản sao văn bản nghiệm thu hoặc kiểm tra định kỳ về phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp theo quy định;

g) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không có kho hoặc không có phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có văn bản thể hiện ý định hợp đồng thuê kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp với tổ chức, doanh nghiệp có kho, phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm điều kiện bảo quản, vận chuyển theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

h) Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp và danh sách thợ nổ mìn, người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có); bản sao chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của người chỉ huy nổ mìn và đội ngũ thợ nổ mìn;

i) Bản sao giấy tờ chứng minh đã nộp phí thẩm định cấp phép theo quy định đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp.

2. Cơ quan, đơn vị quân đội không phải là doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ mục đích thi công các công trình quốc phòng, an ninh; xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật, hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, an toàn do cơ quan bảo vệ an ninh cấp thực hiện theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ nổ mìn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao giấy phép dịch vụ nổ mìn do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Bản sao hợp đồng dịch vụ nổ mìn giữa tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

d) Bản sao thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng; thiết kế khai thác mỏ, đề án thăm dò khoáng sản; phương án nghiên cứu, thử nghiệm; phương án thi công, khai thác đối với các hoạt động cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm đ, e, g, h và i khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không thuộc mục đích quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp;

c) Bản sao giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí đối với doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, dầu khí; bản sao quyết định trúng thầu thi công công trình, bản sao hợp đồng nhận thầu hoặc văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện hợp đồng thi công công trình của tổ chức quản lý doanh nghiệp còn hiệu lực; bản sao văn bản giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đối với các nhiệm vụ khác cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Bản sao thiết kế, bản vẽ thi công các hạng mục công trình xây dựng; thiết kế khai thác mỏ, đề án thăm dò khoáng sản; phương án nghiên cứu, thử nghiệm; phương án thi công, khai thác đối với các hoạt động cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm đ, e, g, h và i khoản 1 Điều này.

5. Hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại Bộ Tham mưu/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng hoặc nộp trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng.

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp bản sao các loại giấy tờ, tài liệu quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc quân bưu, tổ chức, doanh nghiệp nộp bản sao các loại giấy tờ, tài liệu quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp phải lập 01 bộ hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này là hồ sơ điện tử theo quy định của pháp luật.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tham mưu/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn của giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra thực tế địa điểm sử dụng, kho vật liệu nổ công nghiệp trước khi xem xét, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì thời gian thẩm định cấp phép không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

7. Tổ chức, doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, 3, 4 Điều này đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 4. Thủ tục cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Trường hợp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hết thời hạn, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này đề nghị cấp lại giấy phép; hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp lần trước thực hiện theo Mẫu số 11c quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Giấy tờ, tài liệu tương ứng với từng đối tượng quy định tại các điểm: Điểm b, c, d, đ, e, g, h, i khoản 1; điểm b khoản 2; điểm b, c, d, đ khoản 3; điểm b, c, d, đ khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bị mất hoặc bị hư hỏng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi giấy phép, hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao giấy tờ chứng minh đã nộp phí thẩm định cấp phép theo quy định đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp.

3. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn thời hạn nhưng có thay đổi về tên tổ chức, doanh nghiệp hoặc quy mô, điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này đề nghị điều chỉnh giấy phép, hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp cần điều chỉnh đến thời điểm đề nghị điều chỉnh thực hiện theo Mẫu số 11c quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

c) Giấy tờ, tài liệu tương ứng với từng đối tượng quy định tại các điểm: Điểm b, c, d, đ, e, g, h, i khoản 1; điểm b khoản 2; điểm b, c, d, đ khoản 3; điểm b, c, d, đ khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tham mưu/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thẩm định, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn của giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra thực tế địa điểm sử dụng, kho vật liệu nổ công nghiệp trước khi xem xét, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì thời gian thẩm định cấp phép không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Tổ chức, doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, 3, 4 Điều 3 Thông tư này đề nghị cấp lại, cấp đổi, cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.
...
PHỤ LỤC MẪU BIỂU

Mẫu số 01: Giấy đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lần đầu
...
Mẫu số 02. Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp sau khi hết thời hạn
...
Mẫu số 03. Giấy đề nghị lại (hoặc cấp đổi) Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc hư hỏng:
...
Mẫu số 04. Giấy đề nghị điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
...
Mẫu số 05a. Mặt ngoài Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
...
Mẫu 05b: Mặt trong Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (cấp mới, cấp lại, cấp đổi)
...
Mẫu 05c: Mặt trong Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (điều chỉnh)
...
Mẫu số 11c. Báo cáo của tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại hoặc cấp điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Xem nội dung VB
Điều 39. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
...
8. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
...

Chương III CẤP MỆNH LỆNH VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 5. Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

1. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ báo cáo nhu cầu vận chuyển của năm kế tiếp đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nội dung báo cáo theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện vận chuyển gồm:

a) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh;

b) Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với tổ chức, doanh nghiệp có ngành, nghề vận tải hàng hóa;

d) Danh sách phương tiện, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký của phương tiện vận chuyển;

đ) Danh sách người điều khiển phương tiện, bản sao giấy phép điều khiển phương tiện của người điều khiển phương tiện;

e) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo quy định, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy còn hiệu lực.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều này tổng hợp, xây dựng Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của năm kế tiếp thực hiện theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này báo cáo Bộ Tổng Tham mưu.

3. Bộ Tổng Tham mưu xem xét, phê duyệt Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Trường hợp phát sinh nhu cầu vận chuyển ngoài kế hoạch đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cấp dưới báo cáo nhu cầu đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt bổ sung trước ngày 25 của các tháng 3, 6, 9 hằng năm. Nội dung báo cáo thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

1. Tổng Tham mưu trưởng cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các đối tượng sau:

a) Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối do doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu;

b) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu;

c) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện, người áp tải thuộc các trường hợp phát sinh không có trong Kế hoạch đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 5 Thông tư này.

2. Chủ nhiệm các tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục II; Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh 86; Giám đốc, Hiệu trưởng các học viện, nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng căn cứ Kế hoạch vận chuyển được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, thực hiện cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các đối tượng sau:

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý;

b) Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý.

3. Hiệu lực của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ do người chỉ huy cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp Mệnh lệnh quyết định nhưng không quá 30 ngày và có giá trị cho một lượt vận chuyển.

Trường hợp không sử dụng hết số lượng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ hoặc vì các lý do khách quan không giao được vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo Mệnh lệnh vận chuyển thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng và cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển phải lập biên bản xác nhận số vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ còn thừa và sử dụng Mệnh lệnh vận chuyển đã cấp để vận chuyển ngược lại kho của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng hoặc kho bảo quản của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng. Sau khi hoàn thành việc vận chuyển phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp Mệnh lệnh vận chuyển.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển thực hiện theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, nêu rõ lý do, chủng loại, số lượng, khối lượng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cần vận chuyển; nơi giao, nơi nhận, thời gian thực hiện và tuyến đường vận chuyển; họ và tên của người điều khiển phương tiện, người áp tải; biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển;

b) Bản sao hợp đồng mua bán hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (trường hợp thực hiện vận chuyển nhiều lần thì gửi một lần cho cả thời hạn thực hiện hợp đồng); bản sao văn bản cho phép thử nghiệm (trường hợp vận chuyển đi thử nghiệm) hoặc bản sao văn bản cho phép thu gom, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển thu gom đi tiêu hủy) hoặc bản sao quyết định cho phép thu hồi thuốc thải loại từ việc tiêu huỷ đạn các loại (trường hợp tận thu thuốc thải loại) của cơ quan có thẩm quyền;

c) Giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 5 Thông tư này đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này.

5. Hồ sơ điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ gồm:

a) Văn bản đề nghị điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, nêu rõ nội dung và lý do đề nghị điều chỉnh;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh về lý do điều chỉnh (nếu có).

6. Hồ sơ quy định tại các khoản 4, 5 Điều này lập thành 01 bộ nộp tại cơ quan, đơn vị người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp bản sao quy định tại các khoản 4, 5 Điều này là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc quân bưu, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nộp bản sao các loại giấy tờ, tài liệu quy định tại các khoản 4, 5 Điều này là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải lập hồ sơ quy định tại các khoản 4, 5 Điều này dưới dạng hồ sơ điện tử theo quy định của pháp luật.

7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 Điều này thực hiện cấp, điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 Mệnh lệnh vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 Mệnh lệnh vận chuyển.

9. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ bên trong ranh giới mỏ, công trường hoặc cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên các đường không giao cắt với đường thủy, đường bộ công cộng thì không phải đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển, nhưng phải thực hiện đúng quy định sau:

a) Quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều 47 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với trường hợp vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

10. Khi có yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội liên quan đến các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự, việc tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được thực hiện như sau:

a) Tổng Tham mưu trưởng quyết định tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng;

b) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

c) Việc tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ lý do, thời gian tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành Mệnh lệnh vận chuyển cho đến khi hoạt động vận chuyển được tiếp tục thực hiện.

11. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khi cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải gửi 01 bản chính cho Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu và các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có tuyến đường vận chuyển đi qua địa bàn để theo dõi, quản lý và phối hợp kiểm soát.

12. Việc thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển đã cấp cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như quy định tại khoản 5 Điều 9 và Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

PHỤ LỤC MẪU BIỂU
...
Mẫu số 07. Nhu cầu vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (báo cáo cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng)
...
Mẫu số 08. Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (báo cáo Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt)
...
Mẫu số 09. Văn bản đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
...
Mẫu số 10. Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Xem nội dung VB
Điều 41. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
...
7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
...

Chương III CẤP MỆNH LỆNH VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ

Điều 5. Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

1. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ báo cáo nhu cầu vận chuyển của năm kế tiếp đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nội dung báo cáo theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện vận chuyển gồm:

a) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh;

b) Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với tổ chức, doanh nghiệp có ngành, nghề vận tải hàng hóa;

d) Danh sách phương tiện, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký của phương tiện vận chuyển;

đ) Danh sách người điều khiển phương tiện, bản sao giấy phép điều khiển phương tiện của người điều khiển phương tiện;

e) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo quy định, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy còn hiệu lực.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều này tổng hợp, xây dựng Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của năm kế tiếp thực hiện theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này báo cáo Bộ Tổng Tham mưu.

3. Bộ Tổng Tham mưu xem xét, phê duyệt Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Trường hợp phát sinh nhu cầu vận chuyển ngoài kế hoạch đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cấp dưới báo cáo nhu cầu đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt bổ sung trước ngày 25 của các tháng 3, 6, 9 hằng năm. Nội dung báo cáo thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

1. Tổng Tham mưu trưởng cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các đối tượng sau:

a) Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối do doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu;

b) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu;

c) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện, người áp tải thuộc các trường hợp phát sinh không có trong Kế hoạch đã được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 5 Thông tư này.

2. Chủ nhiệm các tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục II; Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh 86; Giám đốc, Hiệu trưởng các học viện, nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng căn cứ Kế hoạch vận chuyển được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, thực hiện cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho các đối tượng sau:

a) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý;

b) Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý.

3. Hiệu lực của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ do người chỉ huy cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp Mệnh lệnh quyết định nhưng không quá 30 ngày và có giá trị cho một lượt vận chuyển.

Trường hợp không sử dụng hết số lượng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ hoặc vì các lý do khách quan không giao được vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo Mệnh lệnh vận chuyển thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng và cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển phải lập biên bản xác nhận số vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ còn thừa và sử dụng Mệnh lệnh vận chuyển đã cấp để vận chuyển ngược lại kho của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng hoặc kho bảo quản của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng. Sau khi hoàn thành việc vận chuyển phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp Mệnh lệnh vận chuyển.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển thực hiện theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, nêu rõ lý do, chủng loại, số lượng, khối lượng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cần vận chuyển; nơi giao, nơi nhận, thời gian thực hiện và tuyến đường vận chuyển; họ và tên của người điều khiển phương tiện, người áp tải; biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển;

b) Bản sao hợp đồng mua bán hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (trường hợp thực hiện vận chuyển nhiều lần thì gửi một lần cho cả thời hạn thực hiện hợp đồng); bản sao văn bản cho phép thử nghiệm (trường hợp vận chuyển đi thử nghiệm) hoặc bản sao văn bản cho phép thu gom, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển thu gom đi tiêu hủy) hoặc bản sao quyết định cho phép thu hồi thuốc thải loại từ việc tiêu huỷ đạn các loại (trường hợp tận thu thuốc thải loại) của cơ quan có thẩm quyền;

c) Giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 5 Thông tư này đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này.

5. Hồ sơ điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ gồm:

a) Văn bản đề nghị điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, nêu rõ nội dung và lý do đề nghị điều chỉnh;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh về lý do điều chỉnh (nếu có).

6. Hồ sơ quy định tại các khoản 4, 5 Điều này lập thành 01 bộ nộp tại cơ quan, đơn vị người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp bản sao quy định tại các khoản 4, 5 Điều này là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc quân bưu, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nộp bản sao các loại giấy tờ, tài liệu quy định tại các khoản 4, 5 Điều này là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải lập hồ sơ quy định tại các khoản 4, 5 Điều này dưới dạng hồ sơ điện tử theo quy định của pháp luật.

7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 Điều này thực hiện cấp, điều chỉnh Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

8. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp 01 Mệnh lệnh vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 Mệnh lệnh vận chuyển.

9. Trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ bên trong ranh giới mỏ, công trường hoặc cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên các đường không giao cắt với đường thủy, đường bộ công cộng thì không phải đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển, nhưng phải thực hiện đúng quy định sau:

a) Quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều 47 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với trường hợp vận chuyển tiền chất thuốc nổ.

10. Khi có yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội liên quan đến các hoạt động cấp quốc gia hoặc ở những khu vực có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an ninh, trật tự, việc tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ được thực hiện như sau:

a) Tổng Tham mưu trưởng quyết định tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng;

b) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

c) Việc tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành của Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ lý do, thời gian tạm ngừng cấp hoặc tạm ngừng hiệu lực thi hành Mệnh lệnh vận chuyển cho đến khi hoạt động vận chuyển được tiếp tục thực hiện.

11. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khi cấp, điều chỉnh, thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải gửi 01 bản chính cho Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu và các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có tuyến đường vận chuyển đi qua địa bàn để theo dõi, quản lý và phối hợp kiểm soát.

12. Việc thu hồi Mệnh lệnh vận chuyển đã cấp cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như quy định tại khoản 5 Điều 9 và Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

PHỤ LỤC MẪU BIỂU
...
Mẫu số 07. Nhu cầu vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (báo cáo cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng)
...
Mẫu số 08. Kế hoạch vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (báo cáo Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt)
...
Mẫu số 09. Văn bản đề nghị cấp Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
...
Mẫu số 10. Mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Xem nội dung VB
Điều 47. Vận chuyển tiền chất thuốc nổ
...
6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, điều chỉnh, thu hồi và tạm ngừng cấp mệnh lệnh vận chuyển tiền chất thuốc nổ đối với tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.
Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 98/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương II TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất; vũ khí; vật liệu nổ; chỉ huy kỹ thuật công binh; khai thác mỏ; kỹ thuật mỏ; địa chất; xây dựng công trình; giao thông; thủy lợi; địa vật lý; dầu khí.

2. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên.

3. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí, vật liệu nổ, chỉ huy kỹ thuật công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.

4. Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:

a) Đối với chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chuyên ngành khoan nổ mìn, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác không thuộc các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.

5. Thợ nổ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 4 Điều này hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và phải có thời gian tối thiểu 06 tháng làm công việc phục vụ nổ mìn.

Điều 5. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố

1. Người quản lý.

2. Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp.

4. Chỉ huy nổ mìn.

5. Thợ nổ mìn.

6. Người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

7. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền do Bộ Công Thương quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Nội dung huấn luyện đối với người quản lý

a) Quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, thử nghiệm và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển;

c) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

2. Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp, đặc tính kỹ thuật của vật liệu nổ công nghiệp đang sản xuất;

c) Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;

d) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

đ) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này.

3. Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

b) Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cách sắp xếp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;

d) Quy trình xuất, nhập, thống kê vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Trách nhiệm của người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;

e) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

g) Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

4. Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;

đ) Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;

e) Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;

g) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Nội dung huấn luyện đối với thợ nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường, con người; khoảng cách an toàn khi nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Thực hiện thi công nổ mìn: Đọc và hiểu hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn; bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn; biện pháp an toàn khi làm ngòi mìn, mìn mồi, lắp đạn vào ống mang (đối với nổ mìn trong khai thác dầu khí); công việc nạp mìn, nạp bua, đầu nối mạng nổ mìn; xử lý mìn câm; phương pháp nổ, trình tự công việc, tín hiệu nổ, trách nhiệm của thợ nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai.

6. Nội dung huấn luyện đối với người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Các phương pháp, biện pháp bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trong kho, vị trí trung chuyển, trên phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và khu vực nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ có khả năng gây mất an toàn trong bốc dỡ, áp tải, vận chuyển, sử dụng và quy định bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

7. Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phân loại, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

d) Các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; các phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

8. Nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

a) Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp;

b) Xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán;

c) Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an ninh, an toàn vật liệu nổ công nghiệp: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;

d) Phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp;

đ) Công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố;

e) Kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.

Điều 8. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này trừ người quản lý theo nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 7 Điều 7 Nghị định này và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ người quản lý;

d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 5 Nghị định này.

3. Người huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật, an toàn vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liên tục liền kề trở lên hoặc làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp từ 03 năm liên tục liền kề trở lên.

4. Hình thức huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp trước khi thực hiện các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 5 Nghị định này và 12 giờ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

b) Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; thợ nổ mìn, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đã ngừng công việc từ 06 tháng trở lên hoặc có liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sản xuất, phương pháp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.

Điều 9. Thủ tục huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; kế hoạch huấn luyện; tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

a) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất, hư hỏng, có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;

c) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này nộp 01 bộ trên Công dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Công Thương, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.

5. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ …… …… giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
...
Mẫu số 02 DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ………... CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN ……
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN

Xem nội dung VB
Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
...
6. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; việc huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương II TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất; vũ khí; vật liệu nổ; chỉ huy kỹ thuật công binh; khai thác mỏ; kỹ thuật mỏ; địa chất; xây dựng công trình; giao thông; thủy lợi; địa vật lý; dầu khí.

2. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên.

3. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí, vật liệu nổ, chỉ huy kỹ thuật công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.

4. Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:

a) Đối với chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chuyên ngành khoan nổ mìn, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác không thuộc các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.

5. Thợ nổ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 4 Điều này hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và phải có thời gian tối thiểu 06 tháng làm công việc phục vụ nổ mìn.

Điều 5. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố

1. Người quản lý.

2. Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp.

4. Chỉ huy nổ mìn.

5. Thợ nổ mìn.

6. Người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

7. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền do Bộ Công Thương quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Nội dung huấn luyện đối với người quản lý

a) Quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, thử nghiệm và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển;

c) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

2. Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp, đặc tính kỹ thuật của vật liệu nổ công nghiệp đang sản xuất;

c) Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;

d) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

đ) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này.

3. Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

b) Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cách sắp xếp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;

d) Quy trình xuất, nhập, thống kê vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Trách nhiệm của người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;

e) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

g) Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

4. Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;

đ) Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;

e) Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;

g) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Nội dung huấn luyện đối với thợ nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường, con người; khoảng cách an toàn khi nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Thực hiện thi công nổ mìn: Đọc và hiểu hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn; bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn; biện pháp an toàn khi làm ngòi mìn, mìn mồi, lắp đạn vào ống mang (đối với nổ mìn trong khai thác dầu khí); công việc nạp mìn, nạp bua, đầu nối mạng nổ mìn; xử lý mìn câm; phương pháp nổ, trình tự công việc, tín hiệu nổ, trách nhiệm của thợ nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai.

6. Nội dung huấn luyện đối với người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Các phương pháp, biện pháp bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trong kho, vị trí trung chuyển, trên phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và khu vực nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ có khả năng gây mất an toàn trong bốc dỡ, áp tải, vận chuyển, sử dụng và quy định bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

7. Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phân loại, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

d) Các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; các phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

8. Nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

a) Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp;

b) Xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán;

c) Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an ninh, an toàn vật liệu nổ công nghiệp: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;

d) Phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp;

đ) Công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố;

e) Kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.

Điều 8. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này trừ người quản lý theo nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 7 Điều 7 Nghị định này và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ người quản lý;

d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 5 Nghị định này.

3. Người huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật, an toàn vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liên tục liền kề trở lên hoặc làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp từ 03 năm liên tục liền kề trở lên.

4. Hình thức huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp trước khi thực hiện các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 5 Nghị định này và 12 giờ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

b) Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; thợ nổ mìn, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đã ngừng công việc từ 06 tháng trở lên hoặc có liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sản xuất, phương pháp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.

Điều 9. Thủ tục huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; kế hoạch huấn luyện; tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

a) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất, hư hỏng, có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;

c) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này nộp 01 bộ trên Công dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Công Thương, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.

5. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ …… …… giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
...
Mẫu số 02 DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ………... CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN ……
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN

Xem nội dung VB
Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
...
6. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; việc huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương II TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất; vũ khí; vật liệu nổ; chỉ huy kỹ thuật công binh; khai thác mỏ; kỹ thuật mỏ; địa chất; xây dựng công trình; giao thông; thủy lợi; địa vật lý; dầu khí.

2. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên.

3. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí, vật liệu nổ, chỉ huy kỹ thuật công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.

4. Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:

a) Đối với chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chuyên ngành khoan nổ mìn, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác không thuộc các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.

5. Thợ nổ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 4 Điều này hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và phải có thời gian tối thiểu 06 tháng làm công việc phục vụ nổ mìn.

Điều 5. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố

1. Người quản lý.

2. Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp.

4. Chỉ huy nổ mìn.

5. Thợ nổ mìn.

6. Người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

7. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền do Bộ Công Thương quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Nội dung huấn luyện đối với người quản lý

a) Quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, thử nghiệm và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển;

c) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

2. Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp, đặc tính kỹ thuật của vật liệu nổ công nghiệp đang sản xuất;

c) Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;

d) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

đ) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này.

3. Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

b) Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cách sắp xếp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;

d) Quy trình xuất, nhập, thống kê vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Trách nhiệm của người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;

e) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

g) Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

4. Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;

đ) Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;

e) Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;

g) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Nội dung huấn luyện đối với thợ nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường, con người; khoảng cách an toàn khi nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Thực hiện thi công nổ mìn: Đọc và hiểu hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn; bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn; biện pháp an toàn khi làm ngòi mìn, mìn mồi, lắp đạn vào ống mang (đối với nổ mìn trong khai thác dầu khí); công việc nạp mìn, nạp bua, đầu nối mạng nổ mìn; xử lý mìn câm; phương pháp nổ, trình tự công việc, tín hiệu nổ, trách nhiệm của thợ nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai.

6. Nội dung huấn luyện đối với người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Các phương pháp, biện pháp bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trong kho, vị trí trung chuyển, trên phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và khu vực nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ có khả năng gây mất an toàn trong bốc dỡ, áp tải, vận chuyển, sử dụng và quy định bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

7. Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phân loại, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

d) Các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; các phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

8. Nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

a) Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp;

b) Xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán;

c) Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an ninh, an toàn vật liệu nổ công nghiệp: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;

d) Phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp;

đ) Công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố;

e) Kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.

Điều 8. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này trừ người quản lý theo nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 7 Điều 7 Nghị định này và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ người quản lý;

d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 5 Nghị định này.

3. Người huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật, an toàn vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liên tục liền kề trở lên hoặc làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp từ 03 năm liên tục liền kề trở lên.

4. Hình thức huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp trước khi thực hiện các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 5 Nghị định này và 12 giờ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

b) Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; thợ nổ mìn, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đã ngừng công việc từ 06 tháng trở lên hoặc có liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sản xuất, phương pháp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.

Điều 9. Thủ tục huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; kế hoạch huấn luyện; tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

a) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất, hư hỏng, có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;

c) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này nộp 01 bộ trên Công dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Công Thương, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.

5. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ …… …… giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
...
Mẫu số 02 DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ………... CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN ……
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN

Xem nội dung VB
Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
...
6. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; việc huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
...
Chương II TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất; vũ khí; vật liệu nổ; chỉ huy kỹ thuật công binh; khai thác mỏ; kỹ thuật mỏ; địa chất; xây dựng công trình; giao thông; thủy lợi; địa vật lý; dầu khí.

2. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên.

3. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí, vật liệu nổ, chỉ huy kỹ thuật công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.

4. Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:

a) Đối với chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chuyên ngành khoan nổ mìn, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác không thuộc các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.

5. Thợ nổ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 4 Điều này hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và phải có thời gian tối thiểu 06 tháng làm công việc phục vụ nổ mìn.

Điều 5. Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố

1. Người quản lý.

2. Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

3. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp.

4. Chỉ huy nổ mìn.

5. Thợ nổ mìn.

6. Người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

7. Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền do Bộ Công Thương quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng thuộc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Nội dung huấn luyện đối với người quản lý

a) Quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, thử nghiệm và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển;

c) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

2. Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp, đặc tính kỹ thuật của vật liệu nổ công nghiệp đang sản xuất;

c) Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;

d) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

đ) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này.

3. Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

b) Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Cách sắp xếp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;

d) Quy trình xuất, nhập, thống kê vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Trách nhiệm của người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;

e) Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;

g) Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

4. Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;

đ) Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;

e) Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;

g) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

5. Nội dung huấn luyện đối với thợ nổ mìn

a) Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường, con người; khoảng cách an toàn khi nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;

d) Thực hiện thi công nổ mìn: Đọc và hiểu hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn; bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn; biện pháp an toàn khi làm ngòi mìn, mìn mồi, lắp đạn vào ống mang (đối với nổ mìn trong khai thác dầu khí); công việc nạp mìn, nạp bua, đầu nối mạng nổ mìn; xử lý mìn câm; phương pháp nổ, trình tự công việc, tín hiệu nổ, trách nhiệm của thợ nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai.

6. Nội dung huấn luyện đối với người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp;

c) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

d) Các phương pháp, biện pháp bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trong kho, vị trí trung chuyển, trên phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và khu vực nổ mìn;

đ) Nhận diện nguy cơ có khả năng gây mất an toàn trong bốc dỡ, áp tải, vận chuyển, sử dụng và quy định bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

7. Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp

a) Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phân loại, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;

d) Các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; các phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

8. Nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

a) Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp;

b) Xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán;

c) Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an ninh, an toàn vật liệu nổ công nghiệp: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;

d) Phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp;

đ) Công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố;

e) Kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.

Điều 8. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm

a) Biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này trừ người quản lý theo nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 7 Điều 7 Nghị định này và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp;

b) Lựa chọn người huấn luyện phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ người quản lý;

d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 5 Nghị định này.

3. Người huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và có kinh nghiệm thực tế làm việc về kỹ thuật, an toàn vật liệu nổ công nghiệp từ 05 năm liên tục liền kề trở lên hoặc làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp từ 03 năm liên tục liền kề trở lên.

4. Hình thức huấn luyện

a) Huấn luyện lần đầu: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp trước khi thực hiện các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 5 Nghị định này và 12 giờ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

b) Huấn luyện định kỳ: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được huấn luyện 02 năm một lần. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu;

c) Huấn luyện lại: Các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này phải thực hiện huấn luyện lại khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; thợ nổ mìn, người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đã ngừng công việc từ 06 tháng trở lên hoặc có liên quan đến sự thay đổi về công nghệ sản xuất, phương pháp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thời gian huấn luyện bằng một nửa (1/2) thời gian huấn luyện lần đầu.

Điều 9. Thủ tục huấn luyện, kiểm tra, cấp, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

1. Huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch huấn luyện, kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức huấn luyện, kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ người quản lý

a) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện; kế hoạch huấn luyện; tài liệu huấn luyện chi tiết phù hợp cho từng đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này; bản sao bằng cấp chuyên môn chứng minh việc đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phải tổ chức kiểm tra.

Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện quy định tại Điều 7 Nghị định này; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp cho các đối tượng có kết quả kiểm tra từ 6/10 điểm trở lên;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này thực hiện cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

a) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại trong các trường hợp sau: Bị mất, hư hỏng, có sự thay đổi thông tin ghi trên giấy chứng nhận huấn luyện;

b) Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp được cấp lại có thời hạn hiệu lực như giấy chứng nhận huấn luyện đã cấp trước đó;

c) Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, bao gồm: Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; danh sách người đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 02 ảnh (3x4 cm) của người trong danh sách đề nghị cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này nộp 01 bộ trên Công dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Công Thương, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện của Sở Công Thương hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.

5. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ …… …… giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn
...
Mẫu số 02 DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ………... CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN ……
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN

Xem nội dung VB
Điều 34. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
...
6. Chính phủ quy định về trình độ chuyên môn; việc huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Khoản được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025