Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thuộc về ai? Không lưu trữ có bị xử phạt không?

Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thuộc về ai? Không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng có bị xử phạt không?

Nội dung chính

    Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thuộc về ai?

    Căn cứ Điều 88 Luật Xây dựng 2014 như sau:

    Lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng
    1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng. Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ công việc do mình thực hiện.
    2. Hồ sơ phục vụ quản lý, sử dụng công trình xây dựng do người quản lý, sử dụng công trình lưu trữ trong thời gian tối thiểu bằng thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật.
    3. Việc lập, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
    4. Chính phủ quy định chi tiết về lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng.

    Như vậy, người có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng là chủ đầu tư. Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ công việc do mình thực hiện.

    Trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thuộc về ai? (Ảnh từ Internet)

    Không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng có bị xử phạt không?

    Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ
    1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định;
    b) Không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng hoặc lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định.
    2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện việc lưu trữ hoặc bổ sung đầy đủ danh mục tài liệu lưu trữ với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

    Theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
    ...
    3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:
    a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
    b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;
    c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể như sau:
    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
    b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
    c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm;
    d) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
    đ) Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng;
    e) Những biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định này.
    5. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VI Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bằng 1/2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, chủ đầu tư không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân. Đồng thời chủ đầu tư vi phạm còn bị buộc thực hiện việc lưu trữ hồ sơ theo quy định.

    Công trình xây dựng đã hoàn thành có bắt buộc nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng hay không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng 2014 quy định:

    Nghiệm thu công trình xây dựng
    1. Việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm:
    a) Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết;
    b) Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.
    2. Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này.

    Như vậy, công trình xây dựng đã hoàn thành bắt buộc phải nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng để bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình.

    11