Tổng quan về 02 Khu thương mại tự do của Việt Nam hiện nay

Chuyên viên pháp lý: Võ Trung Hiếu
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Tổng quan về 02 Khu thương mại tự do của Việt Nam hiện nay. Việc sử dụng đất đối với các loại đất trong Khu thương mại tự do Hải Phòng thực hiện trên cơ sở nào?

Nội dung chính

    Tổng quan về 02 Khu thương mại tự do của Việt Nam hiện nay

    Việt Nam đã chính thức có 02 Khu thương mại tự do là Khu thương mại tự do Đà Nẵng (tại thành phố Đà Nẵng) và Khu thương mại tự do Hải Phòng (tại thành phố Hải Phòng).

    (1) Khu thương mại tự do Đà Nẵng

    Được thành lập theo Quyết định 1142/QĐ-TTg năm 2025

    Căn cứ vào Điều 1, 2 Quyết định 1142/QĐ-TTg năm 2025 thì sơ lược về Khu thương mại tự do Đà Nẵng như sau:

    (-) Quy mô và các khu chức năng

    Khu thương mại tự do Đà Nẵng có quy mô khoảng 1.881 ha bố trí tại các vị trí không liền kề, bao gồm các khu chức năng: sản xuất, logistics; thương mại - dịch vụ; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.

    (-) Vị trí cụ thể của các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng như sau:

    + Vị trí 1 - Có diện tích khoảng 100 ha, nằm trên địa bàn phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Phía Bắc giáp với chân đèo Hải Vân và đường kết nối Cảng biển Liên Chiểu; phía Nam giáp sông Cu Đê; phía Đông giáp Vịnh Kim Liên; phía Tây giáp Khu công nghiệp Liên Chiểu.

    + Vị trí 2 - Có diện tích khoảng 77 ha, nằm trên địa bàn phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Phía Bắc giáp dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân và khu vực đình làng Liên Chiểu; phía Nam giáp Khu công nghiệp Liên Chiểu và khu dân cư phía sau Vịnh Kim Liên; phía Đông giáp khu dân cư và Khu công nghiệp Liên Chiểu; phía Tây giáp dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân.

    + Vị trí 3 - Có diện tích khoảng 500 ha, nằm trên địa bàn phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu và xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang. Phía Bắc giáp tuyến đường ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam; phía Nam giáp sông Cu Đê; phía Đông - giáp tuyến đường tránh Nam Hải Vân; phía Tây giáp thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

    + Vị trí 4 - Có diện tích khoảng 559 ha, nằm trên địa bàn xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Phía Bắc giáp nghĩa trang Hòa Ninh và tuyến đường vành đai phía Tây, xã Hòa Ninh; phía Nam giáp thôn Đông Sơn và Sơn Phước, xã Hòa Ninh; phía Đông giáp thôn Sơn Phước xã Hòa Ninh và tuyến đường ĐT 602; phía Tây giáp tuyến đường vành đai phía Tây.

    + Vị trí 5 - Có diện tích khoảng 90 ha nằm trên địa bàn xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Phía Bắc giáp đất mặt nước (Suối Mơ); phía Nam giáp đất mặt nước: (Suối Lạnh); phía Đông giáp đất mặt nước (Suối Mơ) và đất dịch vụ du lịch; phía Tây giáp đất rừng sản xuất.

    + Vị trí 6 - Có diện tích khoảng 154 ha nằm trên địa bàn xã Hòa Nhơn và xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Phía Bắc giáp thôn An Sơn, xã Hòa Ninh; phía Nam giáp thôn Diêu Phong và thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn; phía Đông giáp thôn Diêu Phong và thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn; phía Tây giáp thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, đường Hoàng Văn Thái và thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn.

    + Vị trí 7 - Có diện tích khoảng 401 ha nằm trên địa bàn xã Hòa Nhơn và xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Phía Bắc giáp Dự án Mở rộng sân golf Bà Nà, xã Hòa Phú và thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn; phía Nam giáp thôn Đông Lâm và thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú; phía Đông giáp thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn; phía Tây giáp thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.

    (-) Mục tiêu phát triển

    + Khu thương mại tự do Đà Nẵng được quy hoạch và phát triển trên nền tảng hạ tầng hiện đại, đồng bộ các lĩnh vực sản xuất, thương mại, logistics, công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mang tầm khu vực, đóng vai trò là cực tăng trưởng chiến lược của miền Trung và cả nước trong bối cảnh phát triển mới.

    + Mục tiêu dài hạn là xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là trung tâm sản xuất, đầu mối trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn kết với cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế Đà Nẵng và hành lang kinh tế Đông - Tây; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam theo hướng bền vững và hội nhập sâu rộng.

    + Phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng, hình thành hệ sinh thái kinh tế hiện đại, thông minh, có tính cạnh tranh cao, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

    (2) Khu thương mại tự do Hải Phòng

    Điều 9 Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng

    (-) Các khu chức năng

    Được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.

    (-) Thẩm quyền và trình tự, thủ tục thành lập

    + Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, mở rộng điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

    Trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD được thực hiện theo trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới như đối với khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;

    + Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thành phố trong ranh giới Khu TMTD;

    + Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về Khu TMTD theo quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

    Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu TMTD; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong Khu TMTD.

    Tổng quan về 02 Khu thương mại tự do của Việt Nam hiện nay

    Tổng quan về 02 Khu thương mại tự do của Việt Nam hiện nay (Hình từ Internet)

    Việc sử dụng đất đối với các loại đất trong Khu thương mại tự do Hải Phòng thực hiện trên cơ sở nào?

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 226/2025/QH15 về các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do Thành phố thì:

    Việc sử dụng đất đối với các loại đất trong Khu TMTD được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Thành phố.

    Trường hợp vượt chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia được phân bổ thì Thành phố cập nhật vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp theo.

    Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm những loại nào?

    Căn cứ vào khoản 5 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp thì:

    Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, bao gồm:

    (1) Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp là đất xây dựng các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; kể cả nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, công trình dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công trình hạ tầng và các công trình khác trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung;

    (2) Đất thương mại, dịch vụ là đất xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại; cơ sở lưu trú, dịch vụ cho người chơi gôn (trừ phần đường gôn của sân gôn, sân tập trong sân gôn và hệ thống cây xanh, mặt nước, cảnh quan, hạng mục công trình phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh sân gôn); trụ sở, văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế; đất làm kho, bãi để hàng hóa của tổ chức kinh tế không thuộc khu vực sản xuất; bãi tắm gắn với cơ sở kinh doanh, dịch vụ;

    (3) Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là đất xây dựng các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại (1), kể cả trụ sở và các công trình khác phục vụ cho sản xuất hoặc cho người lao động gắn liền với cơ sở sản xuất; đất làm sân kho, nhà kho, bãi gắn với khu vực sản xuất;

    (4) Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là đất thăm dò, khai thác hoặc khai thác gắn với chế biến khoáng sản, đất xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động khoáng sản, kể cả nhà làm việc, nhà nghỉ giữa ca và các công trình khác phục vụ cho người lao động gắn với khu vực khai thác khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

    saved-content
    unsaved-content
    2