Xử lý tài sản chung là phần quyền sử dụng đất để thi hành án như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Xử lý tài sản chung là phần quyền sử dụng đất để thi hành án như thế nào? Sau khi kết hôn mà vợ được thừa kế quyền sử dụng đất thì là tài sản chung hay riêng?

Nội dung chính

Xử lý tài sản chung là phần quyền sử dụng đất để thi hành án như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định như sau:

Điều 74. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án
1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Như vậy, việc xử lý tài sản chung là quyền sử dụng đất được thực hiện theo trình tự sau:

- Nếu chưa xác định được phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung, Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án và những người đồng sở hữu để họ tự thỏa thuận phân chia phần quyền sử dụng đất, hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

- Sau 30 ngày, kể từ ngày có thông báo nếu không có thỏa thuận, hoặc thỏa thuận vi phạm pháp luật, hoặc không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án.

- Nếu sau 15 ngày kể từ khi có thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sử dụng đất thuộc người phải thi hành án.

- Sau khi có quyết định của Tòa án, Chấp hành viên tiến hành xử lý phần tài sản đó để thi hành án.

 

Tài sản kê biên là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

- Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

- Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Chủ sở hữu chung quyền sử dụng đất được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.

Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật Thi hành án dân sự 2008

 

Xử lý tài sản chung là phần quyền sử dụng đất để thi hành án như thế nào?

Xử lý tài sản chung là phần quyền sử dụng đất để thi hành án như thế nào? (Hình từ Internet)

Sau khi kết hôn mà vợ được thừa kế quyền sử dụng đất thì là tài sản chung hay riêng?

Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Đồng thời, căn cứ Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung
1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, sau khi kết hôn mà người vợ được nhận thừa kế quyền sử dụng đất riêng thì quyền sử dụng đất này là tài sản riêng của vợ, tuy nhiên vợ chồng có thể thoả thuận nhập tài sản riêng là quyền sử dụng đất của người vợ vào tài sản chung của hai vợ chồng.

Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì sổ đỏ đứng tên ai?

Căn cứ khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 135. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
[...]
4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.

Như vậy, đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào sổ đỏ trừ trường hợp có thỏa thuận giữa vợ và chồng thì ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.

Bên cạnh đó, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mà sổ đỏ đã cấp chỉ ghi tên một trong hai người thì có thể yêu cầu cấp đổi sang sổ đỏ mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

saved-content
unsaved-content
1