Tổ chức khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình cần phải có chứng chỉ năng lực không?
Nội dung chính
Tổ chức khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình cần phải có chứng chỉ năng lực không?
Căn cứ điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a khoản 26 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng quy định như sau:
Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
1. Tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:
...
đ) Thi công xây dựng công trình;
...
2. Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ năng lực), trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động của chứng chỉ năng lực thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII Nghị định này. Trường hợp tổ chức đã được cấp chứng chỉ năng lực có lĩnh vực hoạt động xây dựng khác với quy định tại Phụ lục VII Nghị định này thì lĩnh vực hoạt động xây dựng ghi trên chứng chỉ năng lực khi được gia hạn là lĩnh vực quy định tại Phụ lục VII Nghị định này được xác định tương ứng theo kinh nghiệm thực hiện công việc phù hợp của tổ chức kê khai trong đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực.
...
Như vậy, tổ khi tham gia ký kết hợp đồng thi công xây dựng với chủ đầu tư phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng tương ứng với theo lĩnh vực và phạm vi hoạt động quy định chi tiết tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP, trừ các trường hợp như sau:
- Các công việc liên quan đến thiết kế, giám sát, thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định về phòng cháy, chữa cháy;
- Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;
- Thiết kế, giám sát, thi công các hạng mục hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa và các công việc tương tự không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực; giám sát, thi công nội thất công trình;
- Hoạt động xây dựng với nhà ở riêng lẻ, công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng, đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông, và các dự án chỉ bao gồm những công trình kể trên, theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014.
Tổ chức khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình cần phải có chứng chỉ năng lực không? (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư ký kết hợp đồng thi công xây dựng với tổ chức không có chứng chỉ năng lực bị phạt thế nào?
Căn cứ điểm e khoản 1, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng quy định như sau:
Vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia một trong các hoạt động sau:
...
e) Thi công xây dựng công trình;
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công trình, hạng mục công trình có hành vi quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực với hành vi quy định tại điểm a, điểm c, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng và điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công xây dựng;
...
Đồng thời, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt quy định như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
...
3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:
...
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo đó, chủ đầu tư là cá nhân bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình, tức 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đình chỉ hoạt động xây dựng của chủ đầu tư từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công trình, hạng mục công trình.
Buộc lựa chủ đầu tư chọn tổ chức đủ điều kiện năng lực với hành vi đối với công trình chưa khởi công xây dựng.
Thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng quy định như sau:
Cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng
...
2. Chứng chỉ năng lực bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực chấm dứt hoạt động xây dựng, giải thể hoặc phá sản;
b) Không còn đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định;
c) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ năng lực;
d) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng chứng chỉ năng lực;
đ) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ năng lực;
e) Chứng chỉ năng lực được cấp không đúng thẩm quyền;
g) Chứng chỉ năng lực bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực;
h) Chứng chỉ năng lực được cấp khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
...
Như vậy, chứng chỉ năng lực của tổ chức có thể bị thu hồi khi rơi vào một trong các trường hợp trên.