Thực hiện chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo hình thức nào?
Nội dung chính
Thực hiện chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo hình thức nào?
Hình thức thực hiện chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Điều 11 Thông tư 55/2017/TT-BTC quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội có hiệu lực từ ngày 06/07/2017 như sau:
- Chi ngân sách nhà nước thực hiện theo hình thức rút dự toán đối với các nhiệm vụ:
+ Chi an ninh và trật tự, an toàn xã hội thường xuyên, trừ các khoản chi thực hiện theo hình thức lệnh chi tiền quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Chi các hoạt động sự nghiệp quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định số 165/2016/NĐ-CP, trừ các nội dung chi được cấp bằng hình thức lệnh chi tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Chi ngân sách nhà nước thực hiện theo hình thức lệnh chi tiền đối với nhiệm vụ chi an ninh và trật tự, an toàn xã hội thường xuyên, bao gồm:
+ Mật phí, địa bàn, kinh phí đặc biệt của lực lượng Tình báo, kinh phí cho Cơ quan đại diện Bộ Công an tại nước ngoài;
+ Mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện bằng ngoại tệ; chi đầu tư xây dựng cơ bản có yêu cầu bảo mật cao;
+ Ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với một số khoản thu, chi cụ thể theo quy định của Bộ Tài chính;
+ Nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và một số khoản chi đột xuất khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Chi dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
- Chi đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu (nguồn vốn đầu tư) thực hiện theo quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính.
Trên đây là quy định về Hình thức thực hiện chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 55/2017/TT-BTC.