Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Thừa kế đất đai có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? Cách tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp?

Thừa kế đất đai có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không? Cách tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế đất đai?

Nội dung chính

    Thừa kế đất đai có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?

    Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế, như sau:

    Các khoản thu nhập chịu thuế
    9. Thu nhập từ nhận thừa kế
    Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:
    c) Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
    d) Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

    Theo đó thừa kế đất đai sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân trừ các trường hợp nhận thừa kế sau sẽ không phải đóng thuế:

    Thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

    Thừa kế đất đai có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?

    Cách tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế đất đai?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về cách tính số thuế thu nhập cá nhân phải đóng khi nhận thừa kế đất đai, dựa trên công thức như sau:

    Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

    =

    Thu nhập tính thuế

    x

    Thuế suất 10%

    Trong đó:

    Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận. Giá trị tài sản nhận thừa kế được xác định đối với trường hợp thừa kế đất đai được xác định như sau:

    - Đối với bất động sản là giá trị quyền sử dụng đất thì phần giá trị quyền sử dụng đất được xác định căn cứ vào Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng bất động sản.

    - Đối với bất động sản là nhà và công trình kiến trúc trên đất thì giá trị bất động sản được xác định căn cứ vào quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phân loại giá trị nhà; quy định tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành; giá trị còn lại của nhà, công trình kiến trúc tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu.

    Trường hợp không xác định được theo quy định trên thì căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

    Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thừa kế, quà tặng được áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

    Ai được quyền nhận thừa kế đất đai khi không có di chúc?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người nhận thừa kế đối với trường hợp thừa kế không có di chúc hay còn gọi là thừa kế theo pháp luật như sau:

    Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    24