Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi theo Công điện 116 CĐ TTg năm 2024
Nội dung chính
Ai là người trực tiếp theo dõi và chỉ đạo thực hiện Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024?
Ngày 14 tháng 11 năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, từng gây ra các đợt dịch lớn và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, trong đó có nơi đã công bố dịch sởi. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 nhằm chủ động kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của bệnh trên diện rộng.
Theo đó tại mục 5 của Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 quy định như sau:
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện./.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện Công điện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi theo Công điện 116 CĐ TTg năm 2024 (Ảnh từ Internet)
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc phòng, chống bệnh sởi theo Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024
Theo quy định tại mục 1 Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 như sau:
Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục:
a) Hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh;
b) Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
c) Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.
Như vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi.
Bao gồm triển khai tiêm chủng, giám sát và xử lý dịch, đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở y tế.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phòng, chống bệnh sởi là gì?
Căn cứ tại mục 2 Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Như vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, theo dõi sức khỏe học sinh, kịp thời thông báo cho cơ quan y tế khi phát hiện ca nghi ngờ, và vận động gia đình đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em.
Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phòng, chống bệnh sởi
Theo quy định tại mục 3 Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 quy định như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
a) Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi;
b) Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi;
c) Tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời;
d) Bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi.
đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống bệnh sởi.
Bao gồm theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm chủng đầy đủ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm nguồn lực hậu cần và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để ngăn chặn dịch bùng phát và lây lan.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phòng, chống bệnh sởi như thế nào?
Căn cứ tại mục 4 Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 quy định như sau:
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; thông tin thường xuyên, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh; ngăn chặn, xử lý thông tin không đúng về dịch sởi.
Như vậy, các cơ quan thông tin, truyền thông và báo chí chịu trách nhiệm tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng, chống bệnh sởi.
Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, đồng thời ngăn chặn và xử lý các thông tin sai lệch về dịch sởi.
Công điện 116/CĐ-TTg năm 2024 có hiệu lực từ ngày 14 tháng 11 năm 2024.