Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện là chính sách gì?
Nội dung chính
Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện là chính sách gì?
Căn cứ khoản 4 Điều 5 Luật Điện lực 2024 quy định như sau:
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực
[...]
4. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
[...]
Như vậy, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện là một chính sách của Nhà nước nhằm phát triển điện lực.
Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện là chính sách gì? (Hình từ Internet)
Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng bao gồm các giai đoạn nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì trình tự thực hiện đầu tư xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng 2014 cụ thể như sau:
- Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc:
+ Lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có);
+ Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
+ Khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án;
+ Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập dự án;
+ Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng;
+ Các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;
- Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc:
+ Chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có);
+ Khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở;
+ Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng;
+ Cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng);
+ Ký kết hợp đồng xây dựng;
+ Thi công xây dựng công trình;
+ Giám sát thi công xây dựng;
+Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành;
+ Vận hành, chạy thử;
+ Nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng;
+ Quyết toán hợp đồng xây dựng;
+ Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng;
+ Các công việc cần thiết khác liên quan đến thực hiện dự án;
- Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc:
+ Quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình;
+ Bàn giao công trình đưa vào sử dụng;
+ Bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan;
+ Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng;
+ Các công việc cần thiết khác.
Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đúng không?
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Phân loại dự án đầu tư xây dựng
Dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được phân loại nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau:
[...]
3. Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm:
a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
b) Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất), trừ dự án đầu tư xây dựng công trình di sản văn hoá thực hiện theo pháp luật về di sản văn hoá;
c) Dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì, duy tu, bảo dưỡng;
d) Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa;
đ) Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 10 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư);
e) Người quyết định đầu tư được quyết định việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản này khi dự án có yêu cầu đặc thù về kỹ thuật xây dựng hoặc thiết kế công nghệ cần lập thiết kế cơ sở; các dự án này không thuộc trường hợp phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, đảm bảo các nội dung thẩm định tuân thủ theo quy định pháp luật.
Như vậy, một số dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng mà không cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.