Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Thời điểm nào thích hợp để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư?

Dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư là gì? Thời điểm nào thích hợp để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư? Phê duyệt dự án xây dựng lại nhà chung cư quy định thế nào?

Nội dung chính

    Dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 98/2024/NĐ-CP về khái niệm của việc dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư sẽ được chia thành 2 loại khái niệm tách biệt bao gồm dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư độc lập và dự án đầu tư xay dựng lại cụm nhà chung cư như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư độc lập là dự án với mục tiêu phá dỡ một khối nhà chung cư (block) độc lập hoặc nhiều khối nhà có chung kết cấu xây dựng hoặc chung hệ thống kỹ thuật công trình trên một khu đất thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của Luật Nhà ở để xây dựng lại nhà chung cư mới, công trình thương mại, dịch vụ (nếu có) nhằm mục tiêu bố trí tái định cư hoặc kết hợp tái định cư và kinh doanh nhà ở, dịch vụ, thương mại theo quy định của Nghị định này.

    2. Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu chung cư là dự án phá dỡ từ 02 khối nhà chung cư độc lập quy định tại khoản 1 Điều này trở lên trên cùng một khu đất, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ, các công trình hiện hữu khác (nếu có) để xây dựng lại khu chung cư, công trình khác đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt nhằm mục tiêu bố trí tái định cư hoặc kết hợp tái định cư và kinh doanh nhà ở, dịch vụ thương mại theo quy định của Nghị định này.

    ...

    Như vậy, theo khái niệm của luật thì dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư độc lập là dự án nhằm phá dỡ một hoặc nhiều khối nhà chung cư độc lập để xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc công trình thương mại, dịch vụ, với mục tiêu bố trí tái định cư hoặc kết hợp tái định cư và kinh doanh theo quy định.

    Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu chung cư là dự án phá dỡ từ hai khối nhà chung cư độc lập trở lên trên cùng một khu đất, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ, để xây dựng lại khu chung cư và các công trình hạ tầng đồng bộ, nhằm mục đích bố trí tái định cư hoặc kết hợp tái định cư và kinh doanh.

    Thời điểm nào thích hợp để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư?

    Thời điểm nào thích hợp để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư? (Hình từ Internet)

    Thời điểm đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư là khi nào?

    Thời điểm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư, theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 98/2024/NĐ-CP, có thể thực hiện theo hai cách như sau: theo tiến độ dự án hoặc nộp một lần sau khi nhận bàn giao căn hộ.

    - Đóng góp theo tiến độ: Nếu chọn hình thức này, các lần đóng góp sẽ được thực hiện theo quy định về thanh toán trong hợp đồng mua bán hoặc thuê mua, và phải được ghi rõ trong hợp đồng.

    - Đóng góp một lần: Nếu chọn nộp một lần sau khi nhận bàn giao căn hộ, chủ sở hữu sẽ phải thanh toán toàn bộ số tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng với chủ đầu tư.

    Lưu ý rằng số tiền đóng góp này không bao gồm kinh phí bảo trì và quản lý vận hành nhà chung cư.

    Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc gì?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 98/2024/NĐ-CP về các nguyên tắc cần phải thực hiện khi đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư như sau:

    Nguyên tắc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư
    2. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
    a) Đối với phần diện tích căn hộ trong nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư đóng góp kinh phí theo diện tích sử dụng căn hộ chung cư mới được tái định cư nêu trong phương án bồi thường, tái định cư nhân (x) giá nhà ở xây dựng mới được tính trên tổng mức đầu tư của dự án do các bên thỏa thuận tại thời điểm lập phương án bồi thường, tái định cư;

    b) Đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ thì các chủ sở hữu đóng góp kinh phí theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản này để tiếp tục mục tiêu kinh doanh dịch vụ, thương mại theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt.

    ...

    Theo đó, việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo nguyên tắc:

    - Chủ sở hữu căn hộ phải đóng góp theo diện tích căn hộ mới được tái định cư, nhân với giá nhà xây dựng mới, dựa trên tổng mức đầu tư dự án đã thỏa thuận.

    - Đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ, các chủ sở hữu cũng đóng góp theo nguyên tắc này để hỗ trợ mục tiêu kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án.

    Phê duyệt dự án xây dựng lại nhà chung cư được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 98/2024/NĐ-CP về việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án xây dựng lại nhà chung cư như sau:

    Lập, thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
    1. Chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật xây dựng, trừ trường hợp chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư dự án.
    2. Trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
    3. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư theo quy định của pháp luật xây dựng; trường hợp điều chỉnh nội dung dự án mà thuộc diện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Nghị định này thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh nội dung dự án.

    Như vậy, chủ đầu tư cần lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, trừ trường hợp chỉ cần báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

    Sau khi nhận kết quả thẩm định, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư sẽ phê duyệt dự án.

    Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có thể điều chỉnh nội dung dự án theo quy định, nhưng nếu điều chỉnh thuộc diện thay đổi chủ trương đầu tư, phải thực hiện điều chỉnh chủ trương trước.

    21