Thể hiện nội dung của bản đồ tài nguyên nước dưới đất với tỷ lệ 1:50.000 được thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Thể hiện nội dung của bản đồ tài nguyên nước dưới đất với tỷ lệ 1:50.000 được thực hiện như thế nào?
Kỹ thuật thể hiện nội dung bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 được quy định tại Điều 10 Thông tư 15/2013/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:
1. Nguyên tắc thể hiện
Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 phải thể hiện được nội dung các kết quả nghiên cứu đã được tiến hành điều tra đánh giá tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000. Các nội dung, thông tin thể hiện trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 dựa theo các nguyên tắc sau:
a) Các đối tượng chứa nước và không chứa nước được thể hiện theo ranh giới phân bố;
b) Trữ lượng khai thác tiềm năng được thể hiện dạng vùng;
c) Trữ lượng nước dưới đất đã được đánh giá thể hiện qua các cấp trữ lượng phê duyệt, thể hiện bằng khung và giá trị trữ lượng các cấp;
d) Chất lượng nước dưới đất được thể hiện dạng đường và dạng điểm;
đ) Các khu vực bị nhiễm bẩn, ô nhiễm được thể hiện bằng dạng điểm (điểm nhiễm bẩn), dạng vùng nền chấm (vùng nhiễm bẩn);
e) Các công trình nhân tạo như trạm đo thủy văn, giếng khoan, giếng đào, nguồn lộ nước dưới đất thể hiện bằng dạng điểm;
g) Các công trình khai thác nước dưới đất thể hiện bằng các biểu tượng dạng điểm và chỉ thể hiện các công trình có công suất ≥ 20m3/ngày;
h) Các đứt gãy trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 thể hiện các đứt gãy chứa nước, dự báo chứa nước và không xác định điều kiện chứa nước, thể hiện bằng đường màu đỏ, nét đậm;
i) Định hướng khai thác sử dụng nước dưới đất được thể hiện bằng bảng số liệu kèm theo các thông tin liên quan.
2. Kích thước đối tượng thể hiện
Trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000, các đối tượng thể hiện theo dạng vùng phải có kích thước thực tế lớn hơn hoặc bằng 0,25km2; các đối tượng thể hiện theo dạng đường phải có chiều dài thực tế lớn hơn hoặc bằng 500m; trên mặt cắt, đối tượng được thể hiện phải có chiều dày thực tế lớn hơn hoặc bằng 5m, kéo dài tối thiểu 500m.
3. Kỹ thuật thể hiện bản đồ
a) Các phức hệ, tầng chứa nước và các thành tạo, phức hệ không chứa nước:
- Mỗi phức hệ, tầng chứa nước được thể hiện các thông tin, dạng tồn tại, tên phức hệ và diện tích phân bố;
- Ranh giới các phức hệ, tầng chứa nước trên mặt thể hiện bằng đường liền màu tím nét 0,4mm; đối với các phức hệ, tầng chứa nước bị phủ được thể hiện đường liền màu tím nét 0,4mm, có gạch hướng về phức hệ, tầng phân bố;
- Các thành tạo, phức hệ không chứa nước thể hiện bằng vùng màu nâu.
b) Trữ lượng khai thác tiềm năng phân theo các cấp rất nghèo, nghèo, trung bình, giàu và rất giàu thể hiện bằng mức độ đậm, nhạt của màu.
- Đối với các tầng chứa nước lỗ hổng lộ trên mặt thể hiện bằng vùng màu xanh lam;
- Đối với tầng chứa nước khe nứt lộ trên mặt thể hiện bằng màu xanh lá cây;
- Đối với các tầng chứa nước bị phủ thể hiện bằng đường kẻ sọc và hướng nét sọc màu nâu, nét 1mm, cách nhau 3mm (chỉ thể hiện tại từng điểm đại diện);
- Đối với các vùng không có khả năng khai thác nước dưới đất thể hiện nền màu nâu kèm theo ranh giới màu đến 1mm.
c) Trữ lượng nước dưới đất đã được đánh giá thể hiện bằng khung màu đen nét 1mm và các số, chữ màu đen chỉ số trữ lượng ở các cấp, ký hiệu đơn vị chứa nước đánh giá.
d) Chất lượng nước dưới đất: phân chia các vùng có chất lượng nước khác nhau dựa theo giá trị tổng khoáng hóa theo thang (đơn vị g/l): < 1; 1 ÷ 1,5; 1,5 ÷ 3; 3 ÷ 10 và ≥ 10.
- Các tầng chứa nước thứ nhất trên bản đồ được thể hiện bằng đường đẳng giá trị theo thang màu cam nét 0,5mm kèm theo giá trị, tên tầng chứa nước và có hướng chỉ về phía có độ tổng khoáng hóa cao;
- Các tầng chứa nước bị phủ trên bản đồ chỉ thể hiện bằng đường ranh giới nhiễm mặn M = 1g/l màu cam nét 0,5mm kèm theo hướng chỉ về phía có tổng khoáng hóa cao và bằng màu theo thang tại từng điểm đại diện.
đ) Dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất chỉ thể hiện các chỉ tiêu vi lượng, nitơ, dư lượng thuốc trừ sâu và vi sinh có giá trị vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN 09/2008/BTNMT).
- Điểm nhiễm bẩn thể hiện ký hiệu đường tròn màu nâu đường kính 3mm kèm theo tên các yếu tố nhiễm bẩn và tầng chứa nước;
- Vùng nhiễm bẩn: thể hiện dạng vùng có ký hiệu nền chấm màu nâu vàng và ranh giới màu nâu vàng nét 0,3mm kèm theo tên các yếu tố nhiễm bẩn và tên tầng chứa nước.
e) Các điểm nghiên cứu nước dưới đất:
- Trạm đo thủy văn: được thể hiện bằng tam giác hướng xuống dưới màu xanh lam có chiều cao 3mm kèm theo các thông tin như tên trạm, lưu lượng và giá trị mô đun dòng ngầm;
- Lỗ khoan: thể hiện bằng đường tròn màu đen đường kính 3mm kèm theo các thông tin như số hiệu lỗ khoan, ký hiệu đơn vị chứa nước nghiên cứu, lưu lượng, độ hạ thấp mực nước, mực nước tĩnh, độ tổng khoáng hóa và chiều sâu lỗ khoan;
- Giếng đào: thể hiện bằng hình vuông màu đen cạnh 3mm kèm theo các thông tin như số hiệu, ký hiệu đơn vị chứa nước nghiên cứu, mực nước tĩnh, lưu lượng, độ hạ thấp mực nước, độ tổng khoáng hóa, chiều sâu giếng;
- Nguồn lộ: thể hiện bằng đường tròn màu đen đường kính 3mm có mũi tên hướng lên trên đối với các điểm lộ chảy lên và hướng xuống dưới đối với các điểm lộ chảy xuống, kèm theo các thông tin như số hiệu nguồn lộ, lưu lượng, độ tổng khoáng hóa.
g) Vị trí điểm tổng hợp (vị trí đại diện) các tầng chứa nước được thể hiện các thông tin liên quan đến các tầng chứa nước và thể hiện dưới dạng cột ô vuông, gồm: chiều sâu mái và đáy, độ sâu mực nước, giá trị mô đun và tổng khoáng hóa của từng tầng chứa nước có mặt trong khu vực (sử dụng màu theo thang).
h) Các công trình khai thác nước dưới đất:
- Đối với các nhà máy, công trình cấp nước tập trung thể hiện bằng biểu tượng theo quy mô lớn (≥ 10.000m3/ngày), trung bình (3.000 - 10.000m3/ngày) và nhỏ (< 3.000 m3/ngày);
- Đối với các công trình khai thác riêng lẻ ký hiệu bằng đường tròn màu đỏ đường kính 3mm.
i) Các đứt gãy thể hiện bằng đường màu đỏ nét 0,7mm. Các đứt gãy chứa nước thể hiện bằng đường liền có dấu nhân (x), các đứt gãy dự báo chứa nước thể hiện bằng đường nét gạch có dấu chấm (.) và các đứt gãy không xác định điều kiện chứa nước thể hiện bằng đường nét gạch.
k) Thông tin về hiện trạng và định hướng khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất:
- Thống kê số liệu tình hình khai thác nước dưới đất gồm:
+ Số lượng giếng, tổng lượng nước khai thác theo quy mô nhỏ hơn 20m3/ngày; lớn hơn hoặc bằng 20m3/ngày;
+ Tổng số giếng khoan khai thác tập trung và lưu lượng khai thác;
+ Mật độ khai thác.
- Định hướng khai thác nước dưới đất thể hiện các thông tin gồm: Tầng chứa nước, chiều sâu phân bố, bề dày tầng chứa nước; trữ lượng khai thác tiềm năng; tổng lượng nước hiện đang khai thác; khả năng khai thác thêm và mực nước hạ thấp cho phép;
- Ngưỡng giới hạn khai thác tài nguyên nước dưới đất bao gồm các thông số giới hạn: chiều sâu mực nước và lưu lượng khai thác của từng tiểu lưu vực (đối với vùng lập bản đồ theo lưu vực sông) hoặc theo huyện/ thị xã/ thành phố thuộc tỉnh (đối với vùng lập bản đồ theo tỉnh hoặc liên tỉnh);
- Vùng cấm, hạn chế khai thác được thể hiện dạng vùng nền dấu nhân (x) màu đỏ và ranh giới vùng được thể hiện dạng đường nét đứt màu đỏ nét 0,5mm (nếu có yêu cầu và số liệu tin cậy).
l) Mặt cắt bản đồ tài nguyên nước dưới đất thể hiện các đơn vị chứa nước nghiên cứu theo chiều sâu. Đường vẽ mặt cắt phải được vạch trên bản đồ bằng màu đen, nét 0,7mm. Trên mỗi tầng chứa nước thể hiện các thông tin trữ lượng, chất lượng nước. Ngoài ra còn thể hiện vị trí và các thông tin của các công trình nghiên cứu điển hình.
Phương pháp và quy cách thể hiện cụ thể theo Phụ lục 1 và 2 kèm theo.
Trên đây là nội dung quy định về kỹ thuật thể hiện nội dung bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000.