Thanh lý rừng trồng là gì? Nguyên nhân và nguyên tắc của việc thanh lý rừng trồng theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/10/2024?

Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Nghị định 140/2024/NĐ-CP ban hành ngày 25/10/2024 có quy định về thanh lý rừng trồng. Vậy thanh lý rừng trồng là gì, nguyên nhân, nguyên tắc và các trường hợp thanh lý rừng trồng?

Nội dung chính

    Thanh lý rừng trồng là gì?

    Vào ngày 25 tháng 10 năm 2024, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 140/2024/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc thanh lý rừng trồng. Nghị định này đưa ra các nguyên tắc, quy trình, và các quy định chi tiết cho việc xử lý rừng trồng bị thiệt hại, nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả tài sản rừng và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Căn cứ tại Điều 3 của Nghị định 140/2024/NĐ-CP có quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau
    1. Rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân là rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ thông qua chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là dự án); rừng trồng của các chủ rừng là tổ chức nhà nước được đầu tư bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.
    2. Thanh lý rừng trồng là việc xử lý về tài chính, tài sản đối với rừng trồng bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này.

    Theo đó, thanh lý rừng trồng được hiểu là biện pháp cần thiết nhằm quản lý hiệu quả tài chính và tài sản đối với các khu vực rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai, từ đó giảm thiểu tổn thất và tạo điều kiện phục hồi sản xuất lâm nghiệp.

    Thanh lý rừng trồng là gì? Nguyên nhân và nguyên tắc của việc thanh lý rừng trồng theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/10/2024? (Ảnh từ Internet)

    Thanh lý rừng trồng là gì? Nguyên nhân và nguyên tắc của việc thanh lý rừng trồng theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/10/2024? (Ảnh từ Internet)

    Nguyên nhân thanh lý rừng trồng là gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Nguyên nhân thanh lý rừng trồng
    1. Do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác.
    2. Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.

    Như vậy, việc thanh lý rừng trồng chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

    (1) Tác động của các hiện tượng thiên tai

    (2) Sự xâm hại của dịch sâu, bệnh, và các sinh vật gây hại, nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tài sản rừng một cách hiệu quả.

    Nguyên tắc thanh lý rừng trồng được quy định như thế nào?

    Tại Điều 5 Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi tiến hành thanh lý rừng trồng, nhằm đảm bảo quá trình thanh lý được thực hiện hiệu quả, đúng pháp luật và phù hợp với các quy định về quản lý tài nguyên rừng. Theo đó, các nguyên tắc này bao gồm:

    Nguyên tắc thanh lý rừng trồng
    1. Tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; pháp luật về quản lý đầu tư công và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
    2. Thực hiện thanh lý rừng trồng bảo đảm kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản.
    3. Thực hiện thanh lý đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại và đảm bảo có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
    4. Phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

    Như vậy, việc thanh lý rừng trồng phải tuân thủ các quy định pháp luật về lâm nghiệp, đầu tư và tài sản công, đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy trình để tránh lãng phí và thất thoát tài sản, đồng thời có đầy đủ hồ sơ pháp lý và thực hiện phục hồi rừng theo đúng quy định.

    Trường hợp rừng trồng nào được thanh lý?

    Theo Điều 7 của Nghị định 140/2024/NĐ-CP, các trường hợp rừng trồng được thanh lý được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo việc xử lý rừng trồng bị thiệt hại diễn ra một cách có trật tự, đúng quy định pháp luật và đạt hiệu quả trong quản lý tài nguyên rừng. Cụ thể, Điều 7 Nghị định 140/2024/NĐ-CP liệt kê các trường hợp như sau:

    Các trường hợp rừng trồng được thanh lý
    1. Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
    2. Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

    Như vậy, rừng trồng được thanh lý trong các trường hợp không đạt yêu cầu về nghiệm thu hoặc tiêu chuẩn quốc gia do thiệt hại từ các nguyên nhân quy định, nhằm quản lý hiệu quả tài sản rừng.

    Việc khai thác hoặc chặt bỏ chỉ áp dụng với cây không thể phục hồi, trong khi những cây còn khả năng phục hồi sẽ được đánh giá và lập phương án phục hồi chi tiết theo quy định.

    180
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ