Tăng vốn điều lệ bằng tài sản cố định được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Tăng vốn điều lệ bằng tài sản cố định được quy định như thế nào?
1. Thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản
Căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 tại Khoản 13, điều 4; Điều 35, 36, 37, 48, 49; cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp đối với tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên.
Việc chuyển tài sản góp vốn sang công ty được phân làm hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: góp vốn bằng tài sản phải đăng ký quyền tài sản người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.
- Trường hợp thứ hai: góp vốn bằng tài sản không bắt buộc phải đăng ký quyền tài sản, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
2. Xem xét quy định của pháp luật về việc đăng ký tài sản
- Về tàu cá:
Theo Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản và Quyết định 10/2006/QĐ-BTS về Quy chế Đăng ký tàu cá và Thuyền viên do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành, tất cả các loại tàu cá đều phải đăng ký quyền sở hữu.
Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sẽ đăng ký tàu cá Việt Nam hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam.
- Về xe ô tô:
Theo Điều 53 Luật giao thông đường bộ, xe cơ giới (ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự ) phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Về nhà xưởng xây dựng trên đất:
Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cần phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, khi góp vốn bằng các tài sản nói trên vào công ty, ông Nam phải thực hiện thủ tục sang tên tài sản theo quy định của pháp luật.
Việc định giá tài sản:
Điều 37 Luật Doanh nghiệp quy định:
Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam phải được các thành viên hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do Hội đồng thành viên và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.