Tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công đúng không?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công đúng không? Khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm việc đúng không?

Nội dung chính

Tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công đúng không?

Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định

Điều 20. Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
2. Quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
3. Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị.
4. Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu.
5. Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công.

Tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công đúng không?

Tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc là tài sản công đúng không? (Hình từ Internet)

Khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm việc đúng không?

Căn cứ khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định

Điều 30. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước
1. Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước được đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước chưa có trụ sở làm việc hoặc trụ sở làm việc hiện có không bảo đảm điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật mà Nhà nước không có trụ sở làm việc để giao và không thuộc trường hợp thuê trụ sở làm việc;
b) Sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
2. Trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng theo một trong các mô hình sau đây:
a) Khu hành chính tập trung;
b) Trụ sở làm việc độc lập.
3. Khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm việc được quy hoạch và xây dựng tập trung tại một khu vực để bố trí cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng sử dụng. Việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí hành chính và thuận tiện trong giao dịch cho các tổ chức và công dân;
b) Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; phù hợp với định hướng biên chế được phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc;
c) Nguồn kinh phí xây dựng khu hành chính tập trung được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành chính tập trung có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
[...]

Theo đó, khu hành chính tập trung được định nghĩa là tổ hợp trụ sở làm việc được quy hoạch và xây dựng tập trung tại một khu vực để bố trí cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng sử dụng.

Giá trị trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm ai ban hành quyết định giao đất?

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 9. Xác định giá trị trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT
1. Giá trị trụ sở làm việc thanh toán Dự án BT là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất xác định tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán. Trong đó:
a) Đối với giá trị quyền sử dụng đất: Trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất thì giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất Trường hợp cho thuê đất thì giá trị quỹ đất thanh toán là tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê được xác định theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
b) Đối với giá trị tài sản trên đất: Là giá trị tài sản theo kết quả đánh giá lại theo giá trị thị trường.
2. Giá trị trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tại thời điểm ký Hợp đồng BT, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị trụ sở làm việc thanh toán thì thực hiện như sau:
a) Giá trị điều chỉnh trụ sở làm việc thanh toán xác định theo quy định của pháp luật tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Giá trị điều chỉnh được ghi nhận bằng Phụ lục Hợp đồng BT ký kết giữa các Bên ký kết Hợp đồng BT.
b) Giá trị điều chỉnh trụ sở làm việc thanh toán ghi tại Phụ lục Hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị trụ sở làm việc để thanh toán cho Nhà đầu tư.
[...]

Như vậy, giá trị trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không thay đổi kể từ thời điểm ký Hợp đồng BT, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

saved-content
unsaved-content
22