Sinh viên sư phạm học tập đạt loại yếu dự kiến sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt có đúng không?

Cho tôi hỏi, sinh viên sư phạm học tập đạt loại yếu dự kiến sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt có đúng không?

Nội dung chính

    Dự kiến sinh viên sư phạm học tập đạt loại yếu sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt?

    Tại Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP có quy định việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt như sau:

    Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ

    1. Mức hỗ trợ:

    a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

    b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

    2. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

    Tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Tải về) có đề xuất việc chi trả chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm như sau:

    4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 4 như sau:

    “b). Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chỉ trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chỉ trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học”.

    Như vậy, theo dự thảo mới có đề xuất thì sinh viên sư phạm từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo trở đi nếu có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu thì sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

    Dự kiến sinh viên sư phạm học tập đạt loại yếu sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt? (Hình từ Internet)

    Theo dự thảo thì sinh viên sư phạm đào tạo từ năm học 2022 - 2023 trở về trước có áp dụng quy định không được hỗ trợ chi phí sinh hoạt nếu có điểm học tập loại yếu không?

    Tại Điều 3 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Tải vềcó đề xuất năm học áp dụng việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt như sau:

    Quy định chuyển tiếp

    Sinh viên sư phạm đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2022 - 2023 trở về trước thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 116. Sinh viên sư phạm trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2023-2024 trở đi sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 116 và các quy định tại Nghị định này.

    Đối với các quy định về thu hồi chi phí bồi hoàn và trách nhiệm về hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí được thực hiện theo Nghị định này từ năm học 2021-2022.

    Như vậy, đối với sinh viên sư phạm đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2022 - 2023 trở về trước thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 116 nghĩa là không áp dụng quy định không được hỗ trợ chi phí sinh hoạt nếu có điểm học tập loại yếu.

    Tuy nhiên sinh viên sư phạm trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2023-2024 trở đi nếu có điểm học tập loại yếu thì sẽ không được hỗ trợ chi phí sinh hoạt.

    Dự kiến sửa quy định về việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm như thế nào?

    Tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Tải vềcó dự kiện sửa đổi quy định về thu hồi chi phí bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm như sau:

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP:

    Cơ sở đào tạo giáo viên theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP:

    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên cư trú theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm hoặc gia đình thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP:

    Cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm hoặc gia đình thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo dõi, hướng dẫn ra thông báo thu hồi kinh phí thì:

    Sinh viên hoặc gia đình phải có trách nhiệm nộp số tiền bồi hoàn vào kho bạc nhà nước và gửi chứng từ nộp ngân sách nhà nước (bản sao) tới cơ quan theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn.

    Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

    Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

    Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

    - Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nếu thuộc đối tượng chính sách, khó khăn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc thù của sinh viên sư phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn.

    - Số tiền thu hồi từ chi phí bồi hoàn của sinh viên sư phạm được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.

    - Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.

    Lưu ý: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP chưa có hiệu lực thi hành và đang trong quá trình lấy ý kiến.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    35
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ