Sau sáp nhập Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được bố trí thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Sau sáp nhập Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được bố trí thế nào? Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp làm gì?

Nội dung chính

Sau sáp nhập Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được bố trí thế nào?

Căn cứ tại Mục 1 Công văn 828/TТСР-ВТCDTW năm 2025 về việc sắp xếp, bố trí trụ sở, địa điểm tiếp công dân cấp tỉnh quy định như sau:

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Sắp xếp, bố trí trụ sở và địa điểm tiếp công dân cấp tỉnh
Đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất theo Nghị quyết 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nghiên cứu áp dụng mô hình của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, bố trí thêm điểm tiếp công dân cấp tỉnh theo hướng: tiếp tục sử dụng các Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh cũ (trước khi sáp nhập) làm điểm tiếp công dân cấp tỉnh trực thuộc Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh sau sáp nhập; rà soát, bố trí lại các điểm tiếp công dân cấp tỉnh phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo duy trì cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ phục vụ công tác tiếp công dân; đảm bảo thuận tiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa việc công dân phải di chuyển xa hoặc kéo về Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh hoặc kéo về Trung ương, đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội để tụ tập khiếu kiện, tạo hình ảnh xấu và nguy cơ mất an ninh, trật tự.
[...]

Như vậy, sau sáp nhập điểm tiếp công dân cấp tỉnh theo hướng trụ sở cũ Tiếp công dân cấp tỉnh vẫn duy trì tại tỉnh mới, được sử dụng làm điểm tiếp công dân trực thuộc, nhằm thuận tiện cho người dân và đảm bảo hiệu quả công tác tiếp dân.

Sau sáp nhập Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được bố trí thế nào?

Sau sáp nhập Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được bố trí thế nào? (Hình từ Internet)

Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp làm gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Tiếp công dân 2013 quy định như sau:

Điều 10. Trụ sở tiếp công dân
1. Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết.
2. Trụ sở tiếp công dân bao gồm:
a) Trụ sở tiếp công dân ở trung ương;
b) Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh);
c) Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trụ sở tiếp công dân cấp huyện).
[...]

Theo đó, Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương.

Tại đây, có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên, đồng thời là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết.

Thực hiện bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 10. Việc bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân
1. Việc bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân
Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân của người đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
Trụ sở tiếp công dân phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân, việc đi lại của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trụ sở tiếp công dân các cấp được trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tiếp công dân.
2. Việc bố trí cơ sở vật chất tại địa điểm tiếp công dân
Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân mà không cử người tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân các cấp phải bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân.

Như vậy, việc bố trí cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân được quy định cụ thể:

- Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác nhằm phục vụ cho việc tiếp công dân của người đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

- Trụ sở tiếp công dân phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân và thuận tiện cho việc đi lại của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, Trụ sở tiếp công dân các cấp phải được trang bị đầy đủ phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ cho hoạt động tiếp công dân.

saved-content
unsaved-content
1