10:34 - 02/12/2024

Sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng? Các ban Đảng nào sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động?

Sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng? Các ban Đảng nào sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động? Nhiệm vụ, giải pháp chung với toàn bộ hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW?

Nội dung chính

    Sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng? Các ban Đảng nào sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động?

    Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW 2017, các cấp ủy và tổ chức đảng cần nghiên cứu và đề xuất một số phương án về sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng cụ thể nhằm cải cách, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Những phương án này bao gồm:

    - Sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương: Nghiên cứu việc hợp nhất hai ban này để giảm bớt tổ chức và nâng cao hiệu quả công việc.

    - Kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương: Chuyển các nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại về Bộ Ngoại giao và một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.

    - Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương: Chuyển nhiệm vụ quản lý về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.

    - Chuyển chức năng của các Hội đồng Trung ương: Nghiên cứu việc chuyển giao chức năng của Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

    - Kết thúc hoạt động của các tạp chí ban đảng Trung ương: Chuyển các nhiệm vụ này về Tạp chí Cộng sản, tập trung phát triển Tạp chí Cộng sản thành cơ quan nghiên cứu và tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.

    - Kết thúc hoạt động của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Chuyển chức năng của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về Báo Nhân Dân. Giao trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Báo Nhân Dân thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và biên chế.

    - Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân: Chuyển các chức năng và nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời, tập trung xây dựng Báo Nhân Dân trở thành cơ quan ngôn luận của Trung ương, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

    - Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương: Đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

    - Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương: Thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng và cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, bao gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Đặc biệt, sẽ có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.

    - Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương: Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy một số bộ chuyên ngành (tùy thuộc vào quy mô và tính chất quan trọng của từng Đảng bộ doanh nghiệp).

    Sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng? Các ban Đảng nào sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động?Sáp nhập các Ban Đảng, tinh gọn bộ máy Đảng? Các ban Đảng nào sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động? (Hình từ Internet)

    Nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW

    Theo quy định tại Chương III Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 về nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị như sau:

    Nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị
    - Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh.
    - Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
    - Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
    - Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra. Quy định và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm"; giảm tỉ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.
    - Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, các địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.
    - Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương. Thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức.
    - Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
    - Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.
    - Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh; tổng kết, đánh giá để có giải pháp sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, chống lãng phí, góp phần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Đầu tư thoả đáng các nguồn lực cho công tác nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Nghiên cứu sửa đổi quy định và thực hiện việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Cảnh giác và chủ động có các giải pháp ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

    Như vậy, nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW được quy định như trên.

    17