Sang nhượng đất bằng giấy tay, chủ đất đem thế chấp ngân hàng: Muốn giải quyết, phải kiện ra tòa

Gia đình tôi có mua một phần diện tích đất của ông B nhưng chưa làm hợp đồng chuyển nhượng đất mà chỉ mới thỏa thuận mua bán bằng giấy viết tay. Được biết, trong quá trình sử dụng, ông B đã thế chấp ngân hàng toàn bộ diện tích đất của gia đình ông, trong đó có phần diện tích mà ông B đã bán cho gia đình tôi. Nay ông B không đủ khả năng để trả nợ ngân hàng, toàn bộ diện tích thế chấp của gia đình ông nguy cơ bị ngân hàng phát mãi. Xin hỏi, trong trường hợp này gia đình tôi có thể đòi lại được đất hay không?

Nội dung chính

     Theo quy định tại Điều 689 và Điều 692 của Bộ luật dân sự, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (tức được cơ quan nhà nước chấp thuận cho trước bạ sang tên chủ quyền). Mặt khác, theo quy định pháp luật về đất đai thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực.

    Trường hợp chuyển nhượng đất của gia đình bạn (mua bán đất bằng giấy tay) chưa tuân thủ về hình thức của hợp đồng, chưa đăng ký chuyển nhượng nên  việc chuyển nhượng đất chưa có hiệu lực pháp luật, Nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn.

    Hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay chỉ được công nhận khi đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao như sau: Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố...; Bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng.

    Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của của mình, gia đình bạn cần khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trường hợp Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này (tức công nhận quyền sử dụng đất) thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng sẽ bị vô hiệu đối với phần đất của bạn, ngân hàng không có quyền yêu cầu phát mãi đối với phần đất này. Nếu Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì bạn có quyền yêu cầu chủ đất trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.

    180