Rừng ngập mặn nào của nước ta có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á?
Nội dung chính
Rừng ngập mặn nào của nước ta có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á?
Rừng ngập mặn là kiểu rừng đặc trưng, thường phân bố ở cửa sông lớn và ven biển. Khu vực này có nước lợ, nơi nước mặn hòa lẫn với nước ngọt. Khi thủy triều lên, một phần hoặc thậm chí toàn bộ rừng bị ngập trong nước. Đến lúc thủy triều rút, cả khu rừng lại lộ ra hoàn toàn.
Những cây có bộ rễ nôm như đước, sú, tràm, mắm, vẹt,... cùng các loại cỏ và cây bụi tạo nên các “bức tường” tự nhiên giúp chắn sóng. Rừng ngập mặn của nước ta không chỉ đóng vai trò giữ đất, bồi tụ phù sa mà còn là nơi trú ngụ cho nhiều loài chim và cá. Bên cạnh đó, rừng còn điều hòa khí hậu trong vùng và giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai.
Rừng ngập mặn Cà Mau là hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất tại Việt Nam, nằm ở phía Nam của bán đảo Cà Mau. Rừng ngập mặn này có diện tích khoảng hơn 60.000 ha, trải dài từ khu vực Mũi Cà Mau, nơi cực Nam của đất nước.
Rừng ngập mặn Cà Mau còn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới, là một trong những địa điểm bảo vệ thiên nhiên đặc biệt của thế giới. Điều này không chỉ khẳng định giá trị toàn cầu của rừng ngập mặn Cà Mau mà còn là yếu tố thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển bền vững của vùng đất này.
Như vậy, rừng ngập mặn của nước ta có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á là rừng ngập mặn Cà Mau.
Rừng ngập mặn nào của nước ta có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á? (Ảnh từ Internet)
Có bao nhiêu loại rừng, căn cứ vào đâu để phân loại rừng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:
Phân loại rừng
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:
a) Rừng đặc dụng;
b) Rừng phòng hộ;
c) Rừng sản xuất.
2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
a) Vườn quốc gia;
b) Khu dự trữ thiên nhiên;
c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
d) Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
3. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
4. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
5. Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và Quy chế quản lý rừng.
6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.
Như vậy, rừng được phân thành 3 loại:
(1) Rừng đặc dụng;
(2) Rừng phòng hộ;
(3) Rừng sản xuất.
Theo đó, căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại theo quy định trên.
Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ thì có được nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở trong khu vực rừng phòng hộ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
...
8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Như vậy, đối với cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ.