Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Chuyên viên pháp lý: Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng là gì? Quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Nội dung chính

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Căn cứ tại Điều 101 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng như sau:

- Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng có các quyền sau:

+ Yêu cầu được cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ năng lực;

+ Được hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước theo nội dung quy định được ghi trên chứng chỉ năng lực;

+ Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cấp và sử dụng chứng chỉ năng lực.

- Tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng có các nghĩa vụ sau:

+ Khai báo trung thực hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác, hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ do mình cung cấp khi đề nghị cấp chứng chỉ; cung cấp thông tin khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; nộp lệ phí theo quy định;

+ Hoạt động đúng với lĩnh vực, phạm vi hoạt động ghi trên chứng chỉ năng lực được cấp, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;

+ Duy trì, đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức theo chứng chỉ năng lực được cấp;

+ Không được tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ năng lực;

+ Người đại diện theo pháp luật của tổ chức xuất trình chứng chỉ năng lực và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng là gì?

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực xây dựng là gì? (Hình từ Internet)

Quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng?

Căn cứ Điều 96 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

(1) Đối với chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I

Phân cấp thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I theo quy định tại khoản 4 Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 cho Ủy ban nhân dân dân cấp tỉnh đối với tổ chức có trụ sở chính tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp tiếp cho Sở Xây dựng địa phương thực hiện công tác này theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

(2) Đối với chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, hạng III

- Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức có trụ sở chính tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình;

- Tổ chức xã hội nghề nghiệp được công nhận theo quy định tại Điều 111 Nghị định 175/2024/NĐ-CP cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức là hội viên, thành viên được kết nạp trước thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ năng lực tối thiểu 03 tháng.

(3) Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực là cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ năng lực do mình cấp.

Trường hợp chứng chỉ năng lực được cấp không đúng quy định mà cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực không thực hiện thu hồi thì Bộ Xây dựng trực tiếp quyết định thu hồi chứng chỉ năng lực.

(4) Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực quy định tại khoản 1 Điều 96 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thực hiện việc cấp lại chứng chỉ năng lực đối với chứng chỉ do mình cấp trước đó.

Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có hiệu lực bao nhiêu năm?

Căn cứ tại khoản 6 Điều 94 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, quy định về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức như sau:

Điều 94. Năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức
1. Tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:
[...]
6. Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm hoặc theo thời hạn ghi trên văn bản về thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không quá 10 năm khi cấp mới. Trường hợp cấp lại thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.
7. Chứng chỉ năng lực có quy cách và nội dung chủ yếu theo Mẫu số 06 Phụ lục IV Nghị định này.
8. Chứng chỉ năng lực được quản lý thông qua số chứng chỉ năng lực, bao gồm 02 nhóm ký hiệu, các nhóm được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), cụ thể như sau:
a) Nhóm thứ nhất: có tối đa 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định tại Phụ lục IX Nghị định này;
b) Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ năng lực.
9. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về việc cấp, thu hồi chứng chỉ năng lực; quản lý cấp mã số chứng chỉ năng lực; công khai danh sách tổ chức được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của mình; tổ chức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ năng lực trực tuyến.

Theo đó, chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm hoặc theo thời hạn ghi trên văn bản về thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không quá 10 năm khi cấp mới. Trường hợp cấp lại thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.

Như vậy, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có hiệu lực 10 năm hoặc theo thời hạn ghi trên văn bản về thành lập tổ chức do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không quá 10 năm khi cấp mới.

saved-content
unsaved-content
24