Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn theo Hướng dẫn 38
Nội dung chính
Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn theo Hướng dẫn 38
Căn cứ theo quy định tại Tiểu mục 5.1 Mục 5 Hướng dẫn 38/HD-TLĐ năm 2024 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn được hướng dẫn như sau:
(1) Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
- Người bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.
- Người bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.
- Có trên hai phần ba (2/3) số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ họp lấy phiếu theo quy định.
- Có hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm (đối với cán bộ công đoàn là đảng viên); vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị, tổ chức công đoàn nơi đang làm việc.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
- Ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp không dự họp ban chấp hành công đoàn ba lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng.
- Khi có ít nhất một phần ba số lượng đoàn viên công đoàn kiến nghị và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.
(2) Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn:
- Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc, ban chấp hành công đoàn có trách nhiệm trao đổi với cán bộ công đoàn bị xem xét miễn nhiệm, đồng thời tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng hoặc hội nghị toàn thể đoàn viên để biểu quyết bằng phiếu kín theo đa số, sau đó làm văn bản đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
- Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định miễn nhiệm trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của công đoàn cấp dưới, trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày làm việc.
(3) Hồ sơ miễn nhiệm cán bộ công đoàn:
- Tờ trình của ban chấp hành công đoàn nơi cán bộ công đoàn làm việc bị xem xét miễn nhiệm.
- Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, biên bản, nghị quyết hội nghị, biên bản kiểm phiếu, danh sách trích ngang cá nhân và các tài liệu liên quan.
Trên đây là Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn theo Hướng dẫn 38
Quy trình xem xét miễn nhiệm cán bộ công đoàn theo Hướng dẫn 38 (Hình từ Internet)
Đối tượng nào không được kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Tiểu mục 1.2 Mục 1 Hướng dẫn 38/HD-TLĐ năm 2024 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam bao gồm:
- Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị (bao gồm các tổng công ty/tập đoàn kinh tế nước ngoài, xuyên quốc gia), giám đốc hoặc tổng giám đốc, người được ủy quyền ký hợp đồng lao động với người lao động.
- Người quản lý trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát, thành viên hội đồng quản trị trực tiếp quản lý điều hành và ký hợp đồng lao động với người lao động.
- Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
- Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án.