Thứ 3, Ngày 05/11/2024

Quy định về mặt khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy?

Quy định về mặt khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy?

Nội dung chính

    Quy định về mặt khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy?

    a. Hành vi khách quan
           Có thể nói hành vi khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy cũng tương tự như hành vi khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại điều 194 Bộ luật hình sự.
            Hành vi tàng trữ: Tàng trữ trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là cất giữ bất hợp pháp tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ở bất cứ nơi nào như: trong nhà ở, phòng làm việc, trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách… mà không nhằm mục đích mua bán hay vận chuyển từ nơi này đến nơi khác mà chỉ nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma túy.
    Hành vi vận chuyển trái phép chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác… bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán mà chỉ nhằm mục đích dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
           Hành vi mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là bán hay mua để bán lại; vận chuyển tiền chất để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại nhằm dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; hoặc dùng tiền chất để đổi lấy hàng hóa khác hay dùng hàng hóa để đổi lấy tiền chất.
           Bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy cho người khác là dùng tiền chất mà mìn có dưới bất kỳ hình thức nào như: mua được, xin được, nhặt được, người khác gửi hoặc chiếm đoạt được để bán cho người khác lấy tiền hoặc lấy tài sản.
    Mua tiền chất nhằm bán lại trái phép cho người khác là dùng tiền hoặc tài sản để đổi lấy tiền chất và dùng tiền chất đó bán cho người khác ấy tiền hoặc lấy tài sản. Chỉ khi xác định rõ mục đích của người phạm tội mua tiền chất đó là nhằm bán lại nhằm dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Việc xác định này là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, căn cứ vào các tình tiết của vụ án.
             Xin tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác là bằng lời nói hoặc hành động để người khác cho mình tiền chất rồi dùng tiền chất đó đem bán cho người khác lấy ít tiền hoặc tài sản khác. Việc xin tiền chất nhằm bán lại cho người khác trong thực tế rất ít xảy ra, vì người cho tiền chất thường bị người xin nói dối là sẽ dùng vào việc khác chứ không dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. 

            Tàng trữ tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác là hành vi cất giữ trái phép tiền chất sau đó đem bán tiền chất đó cho người khác.

             Vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy để bán trái phép cho người khác cũng giống như hành vi vận chuyển trái phép tiền chất, chỉ khác hành vi vận chuyển trái phép tiền chất ở chỗ người phạm tội không chỉ vận chuyển mà còn bán tiền chất mà mình vận chuyển cho người khác.

             Nếu không chứng minh được người phạm tội có mục đích bán tiền chất mà họ vận chuyển cho người khác thì chỉ định tội là “vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”, còn nếu chứng minh được người phạm tội có mục đích bán tiền chất mà họ vận chuyển trái phép thì định tội là “vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.

           Nếu biết người khác mua bán trái phép tiền chất mà vẫn tàng trữ, vận chuyển thì bị coi là hành vi giúp sức người mua bán và bị định tội là mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy với vai trò giúp sức.

           Nếu hành vi vận chuyển tiền chất không trái phép và người vận chuyển tiền chất đó lại bán cho người khác một cách trái phép thì phải định tội là “chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.
           Cũng coi là hành vi mua bán trái phép tiền chất, nếu dùng tiền chất để trao đổi, để thanh toán trái phép hoặc dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy tiền chất để bán lại trái phép cho người khác.
           Khi xác định hành vi mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy cần chú ý một số vấn đề sau:
           Tiền chất mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào tiền chất đó là thật hay giả, tốt hay xấu.
     
    Việc xác minh người phạm tội có mục đích bán tiền chất cho người khác dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
     
    Trong trường hợp không chứng minh được mục đích bán trái phép tiền chất của họ, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà định tội là “tàng trữ trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” hay tội “vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” hoặc “tàng trữ, vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.
     
    Trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi mua bán trái phép tiền chất và kèm theo các hành vi khác như tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt tiền chất thì tùy từng trường hợp cụ thể mà định tội là “tàng trữ, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”; “vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy’’; “ chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” hay tội dnah đầy đủ là “tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy”.
     
    Hành vi chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi cướp tiền chất, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tiền chất, cưỡng đoạt tiền chất, cướp giật tiền chất, công nhiên chiếm đoạt tiền chất, trộm cắp tiền chất, lừa đảo chiếm đoạt tiền chất, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền chất, tham ô tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
     
    Hành vi chiếm đoạt tiền chất cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt trước, trong khi thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt. Nếu người phạm tội không có ý thức chiếm đoạt tiền chất hoặc không chứng minh được ý thức chiếm đoạt tiền chất mà chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau khi chiếm đoạt được tài sản mới biết trong tài sản còn có tiền chất nhưng người phạm tội vẫn cất giữ, vận chuyển hoặc mua bán thì không bị coi là hành vi chiếm đoạt trái phép tiền chất, mà tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội có tính chất chiếm đoạt (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản….) và tội tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
     
    Nếu ngay sau khi chiếm đoạt tài sản người phạm tội mới biết trong tài sản có tiền chất và đem tiền chất đó nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không coi là hành vi chiếm đoạt tiền chất mà chỉ bị coi là chiếm đoạt tài sản. Nếu mục đích ban đầu là chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì lại không có tiền chất mà chỉ có tài sản thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
     
    Nếu người phạm tội không có mục đích rõ rệt là sẽ chiếm đoạt cái gì đó (cái gì cũng được) nhưng khi chiếm đoạt lại là tiền chất và dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì vẫn bị truy cứu về tội chếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Nhưng nếu không dùng tiền chất đó vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì người phạm tội chỉ bị coi là chiếm đoạt tài sản.
     
    b. Hậu quả
     
    Hậu quả của các tội phạm về ma túy nói chung và hậu quả của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nói riêng không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội chính là những thiệt hại phi vật chất (chính sách quản lý của nhà nước đối với các chất ma túy). Riêng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy còn gây ra hậu quả là có một hoặc một số chất ma túy được sản xuất ra làm tăng số lượng chất ma túy trong xã hội.
     
    Trong một số trường hợp, nếu hành vi tàng trữ vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy còn gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với những thiệt hại mà người phạm tội gây ra. Ví dụ: Nguyễn Hoàng M vận chuyển trái phép 700 gam axit sun-phua-ric, trong quá trình vận chuyển, do không cẩn thận nên đã để axit làm bỏng nặng cháu Nguyễn Hoàng L con của M có tỷ lệ thương tật 50%. Ngoài tội vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, M còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích nặng cho người khác theo Điều 108 Bộ luật hình sự.
     
    Số lượng tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy mà người phạm tội tàn trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cũng được coi là hậu quả của tội phạm, nhưng hậu quả này chỉ là những thiệt hại gián tiếp cho xã hội và đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, số lượng càng lớn thì thiệt hại cho xã hội càng nhiều và người phạm tội bị phạt càng nặng.
     

    4