Quy định về hương liệu sử dụng trong thực phẩm sẽ được sửa đổi, bổ sung từ ngày 09/11/2023?
Nội dung chính
Sửa đổi, bổ sung quy định về hương hiệu dùng trong thực phẩm từ ngày 09/11/2023?
Ngày 25/9/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 24/2019/TT-BYT có quy định về hương hiệu dùng trong thực phẩm trước ngày 09/11/2023 như sau:
Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và mức sử dụng tối đa trong thực phẩm
1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm tại Phụ lục 1.
2. Ban hành kèm theo Thông tư này Mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm trong thực phẩm tại Phụ lục 2A và Phụ lục 2B.
3. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục phụ gia thực phẩm và đối tượng thực phẩm sử dụng theo GMP tại Phụ lục 3.
4. Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI). Các hương liệu này phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tương ứng về nhận biết và độ tinh khiết; tuân theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6417:2010 Hướng dẫn sử dụng hương liệu và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2023/TT-BYT (có hiệu lực từ 09/11/2023) có sửa đổi quy định về hương hiệu dùng trong thực phẩm như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu thuộc một trong các danh mục sau:
a) Hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI);
b) Hương liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA);
c) Hương liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu.”.
Như vậy, từ ngày 09/11/2023, hương hiệu dùng trong thực phẩm sẽ bao gồm:
- Hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI);
- Hương liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA);
- Hương liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hương hiệu dùng trong thực phẩm từ ngày 09/11/2023? (Hình từ Internet).
Kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch tối đa 01 lần/năm từ ngày 09/11/2023?
Theo Điều 7 Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch như sau:
Kiểm tra theo kế hoạch
...
3. Tần suất kiểm tra:
a) Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Căn cứ theo khoản 6 Điều 5 Thông tư 17/2023/TT/BYT quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:
“3. Tần suất kiểm tra theo kế hoạch không quá 01 lần một năm, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất quy định tại Điều 8 Thông tư này.”
...
Như vậy, theo quy định mới tại Thông tư 17/2023/TT/BYT thì tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch sẽ không chia đối tượng kiểm tra thành 02 đối tượng là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Theo quy định mới, tần suất kiểm tra theo kế hoạch sẽ không quá 01 lần một năm, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.
Khi nào thì áp dụng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định mới?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 17/2023/TT/BYT quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 09 tháng 11 năm 2023.
Theo đó, việc áp dụng tần suất 01 lần/năm về kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch sẽ bắt đầu từ ngày 09/11/2023.