Quy định về cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước như thế nào?
Nội dung chính
Quy định về cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước như thế nào?
Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước được quy định tại Điều 11 Nghị định 66/2019/NĐ-CP.
Theo đó, quy định về cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước như sau:
(1) Cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước là một phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học và bao gồm:
- Các thông tin, dữ liệu về điều tra, kiểm kê, đánh giá và quan trắc các vùng đất ngập nước;
- Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về các vùng đất ngập nước;
- Thông tin, dữ liệu khác liên quan đến các vùng đất ngập nước.
(2) Định kỳ 03 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo về các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.
Quy định về cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung cơ bản của Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng gồm có những gì?
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 66/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 25. Quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn
1. Yêu cầu đối với các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn:
a) Duy trì chế độ thủy văn tự nhiên của vùng đất ngập nước; duy trì, bảo vệ các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước;
b) Không tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm môi trường vùng đất ngập nước quan trọng; không gây tổn hại đến các loài nguy cấp, quý, hiếm và sinh cảnh của các loài chim nước di cư, chim nước, nơi nuôi dưỡng và bãi đẻ của các loài thủy sản;
c) Bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa của vùng đất ngập nước;
d) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không triển khai các dự án đầu tư gây tổn hại đến chức năng, dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và làm thay đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng;
đ) Triển khai các biện pháp phòng ngừa sự biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng; phục hồi vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;
e) Thực hiện nội dung quy định tại Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
2. Nội dung cơ bản của Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng gồm có:
a) Ranh giới và diện tích vùng đất ngập nước quan trọng;
b) Các mối đe dọa đến vùng đất ngập nước và yêu cầu đối với các hoạt động trong vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm các yêu cầu cụ thể của hoạt động được phép, không được phép triển khai trong vùng đất ngập nước quan trọng;
c) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hoạt động trên vùng đất ngập nước, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có địa bàn quản lý nằm trong hoặc giáp ranh với vùng đất ngập nước quan trọng và các bên có liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng;
d) Nguồn lực tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng.
[...]
Như vậy, nội dung cơ bản của Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng gồm có:
- Ranh giới và diện tích vùng đất ngập nước quan trọng;
- Các mối đe dọa đến vùng đất ngập nước và yêu cầu đối với các hoạt động trong vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm các yêu cầu cụ thể của hoạt động được phép, không được phép triển khai trong vùng đất ngập nước quan trọng;
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hoạt động trên vùng đất ngập nước, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có địa bàn quản lý nằm trong hoặc giáp ranh với vùng đất ngập nước quan trọng và các bên có liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng;
- Nguồn lực tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý vùng đất ngập nước quan trọng.
Chính sách đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng quy định thế nào?
Tại Điều 28 Nghị định 66/2019/NĐ-CP quy định về chính sách đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng như sau:
(1) Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng, bao gồm:
- Ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quy định tại Điều 5 Nghị định 66/2019/NĐ-CP;
- Hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước.
(2) Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước;
- Đầu tư xây dựng phát triển vùng đệm phục vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; các mô hình sinh kế bền vững tại vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước và mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng;
- Các hạng mục đầu tư khác liên quan đến quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.
(3) Nhà nước ưu đãi đầu tư cho các hoạt động sau đây:
- Phục hồi các sinh cảnh, môi trường sống của các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phục hồi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;
- Bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài chim di cư, chim nước thuộc các vùng đất ngập nước quan trọng;
- Chuyển đổi các sinh kế bền vững về môi trường và hài hòa với thiên nhiên, đa dạng sinh học.