Việc quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 07/2020/TT-BTNMT quy định việc quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng được quy định như sau:
(1) Việc quan trắc chế độ thủy văn các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc thủy văn.
Việc quan trắc chất lượng môi trường nước, trầm tích các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc môi trường.
(2) Nội dung quan trắc đa dạng sinh học và các mối đe dọa vùng đất ngập nước quan trọng thực hiện như sau:
- Đa dạng sinh học:
+ Quan trắc số lượng và thành phần các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm;
+ Số cá thể loài được ưu tiên bảo vệ;
+ Số lượng cá thể các loài chim nước, chim di cư;
- Mối đe dọa:
+ Quan trắc số lượng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại;
+ Số lượng các hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng đất ngập nước quan trọng;
+ Các nội dung quan trắc quy định tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế.
Tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.
(3) Diện tích, ranh giới của vùng đất ngập nước quan trọng và các kiểu đất ngập nước được quan trắc theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế với tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.
(4) Kết quả quan trắc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư 07/2020/TT-BTNMT gửi đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Việc quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Ký hiệu hệ thống phân loại đất ngập nước ở Việt Nam?
Căn cứ tại Phần 2 Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư 07/2020/TT-BTNMT như sau:
Hệ thống phân loại đất ngập nước ở Việt Nam bao gồm 03 nhóm với 26 kiểu.
Các kiểu đất ngập nước này được ký hiệu bởi những chữ cái tiếng Việt viết tắt cho kiểu (từ hai đến ba ký tự) và tương ứng với các ký hiệu kiểu đất ngập nước theo phân loại các kiểu đất ngập nước của Công ước Ramsar.
Cụ thể như sau:
Nhóm 1: Đất ngập nước ven biển, ven đảo
Tên kiểu đất ngập nước | Kí hiệu của Việt Nam | Ký hiệu của Ramsar |
1. Vùng biển nông ven bờ, bao gồm cả vũng, vịnh | Vbn | A |
2. Thảm cỏ biển | Tcb | B |
3. Rạn san hô | Rsh | C |
4. Các vùng bờ biển vách đá, kể cả vùng có vách đá ngoài khơi | Bvd | D |
5. Bãi vùng gian triều, bao gồm cả bãi bùn sét, cát, sỏi, cuội, cồn cát | Bgt | E, G |
6. Vùng nước cửa sông | Vcs | F |
7. Rừng ngập mặn | Rnm | I |
8. Đầm, phá ven biển | Dp | J |
9. Các-xtơ và hệ thống thủy văn ngầm ven biển, ven đảo (bao gồm cả thung hoặc tùng, áng) | Cvb | Zk(a) |
Nhóm 2: Đất ngập nước nội địa
Tên kiểu đất ngập nước | Kí hiệu của Việt Nam | Ký hiệu của Ramsar |
1. Sông, suối có nước thường xuyên | Stx | M |
2. Sông, suối có nước theo mùa | Stm | N |
3. Hồ tự nhiên | Htn | O, P |
4. Vùng đất than bùn có rừng, cây bụi hoặc không có thực vật che phủ | Tb | U, Xp |
5. Vùng ngập nước có cây bụi chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa | Cb | W |
6. Vùng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa | Cg | Xf |
7. Suối, điểm nước nóng, nước khoáng | Snn | Y, Zg |
8. Hệ thống thủy văn ngầm các-xtơ và hang, động nội địa | Cnd | Zk(b) |
Nhóm 3: Đất ngập nước nhân tạo
Tên kiểu đất ngập nước | Kí hiệu của Việt Nam | Ký hiệu của Ramsar |
1. Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ | Anm | 1, 2 |
2. Đồng cói | Dc | 4 |
3. Đồng muối | Dm | 5 |
4. Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước ngọt | Ann | 1, 2 |
5. Đất canh tác nông nghiệp | Dnn | 3 |
6. Hồ chứa nước nhân tạo | Hnt | 6 |
7. Moong khai thác khoáng sản | Mks | 7 |
8. Ao, hồ chứa và xử lý nước thải | Vxl | 8 |
9. Sông đào, kênh, mương, rạch | Sd | 9 |
Quy định về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước như thế nào?
Căn cứ tại Điều 27 Nghị định 66/2019/NĐ-CP quy định về tài chính cho quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước như sau:
(1) Các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước được chi từ các nguồn tài chính sau:
- Ngân sách nhà nước cấp, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được phân cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015. Các nhiệm vụ chi từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015;
- Đầu tư, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các nguồn thu được từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ tại vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.
(2) Nhà nước đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động sau:
- Triển khai các hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quy định tại Điều 4 Nghị định 66/2019/NĐ-CP;
- Vận hành bộ máy, các hoạt động quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và mạng lưới các khu Ramsar trên toàn quốc.
(3) Ưu tiên ngân sách chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp môi trường cho các hoạt động, nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.