Quy định như thế nào về lý lịch di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh?

Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Quy định như thế nào về lý lịch di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh?

    Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được quy định tại Điều 6 Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về Quy định nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành như sau:

    Lý lịch di tích phải kê khai đầy đủ các nội dung sau đây:

    - Tên gọi di tích:

    + Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích;

    + Các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó.

    - Địa điểm và đường đi đến di tích:

    + Địa điểm di tích: ghi đầy đủ tên gọi cũ và tên gọi mới của địa phương có di tích, gồm số nhà, đường phố, xóm, làng, xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và nêu rõ nguyên nhân của việc đổi tên qua các thời kỳ;

    + Đường đi đến di tích: ghi rõ khoảng cách từ trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có di tích đến di tích và chỉ dẫn cụ thể đường đến di tích bằng các phương tiện giao thông.

    - Phân loại di tích:

    Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích để phân loại di tích theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010.

    Trường hợp di tích chứa đựng nhiều loại giá trị thì phân loại theo các loại giá trị đó, bắt đầu từ giá trị tiêu biểu nhất (ví dụ: di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh).

    - Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:

    + Đối với di tích lịch sử: trình bày sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về sự kiện, nhân vật lịch sử đó;

    + Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật: trình bày tóm tắt về sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích (nếu có), quá trình xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về quá trình xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích;

    + Đối với di tích khảo cổ: tổng thuật quá trình phát hiện, khai quật di tích, các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về niên đại, chủ nhân, đặc trưng, tính chất của di tích đó;

    + Đối với danh lam thắng cảnh: trình bày tóm tắt sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến danh lam thắng cảnh (nếu có), nêu các đặc điểm của danh lam thắng cảnh về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc những dấu vết vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

    - Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích:

    Miêu tả chi tiết lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác liên quan đến di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu trước đó và đề xuất nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về đặc điểm, giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích.

    - Khảo tả di tích:

    + Giới thiệu khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích, cảnh quan môi trường khu vực di tích; đánh giá khái quát hiện trạng kỹ thuật của di tích, nêu rõ mức độ hư hại, xuống cấp của di tích, tình trạng vi phạm di tích (nếu có).

    + Giới thiệu cụ thể đối với từng loại di tích:

    Đối với di tích lịch sử: miêu tả chi tiết công trình xây dựng, di vật và vết tích còn lại liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích;

    Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật: miêu tả chi tiết kỹ thuật xây dựng, kết cấu kiến trúc, vật liệu xây dựng, các đề tài, họa tiết và nghệ thuật trang trí của từng hạng mục kiến trúc cấu thành di tích;

    Đối với di tích khảo cổ: nêu rõ các thành phần, đặc điểm, tầng văn hóa, hiện vật quan trọng được phát hiện trong quá trình nghiên cứu, thăm dò, khai quật di tích; hiện trạng của di tích;

    Đối với danh lam thắng cảnh: miêu tả chi tiết về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu vết vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất; miêu tả các công trình kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến danh lam thắng cảnh (nếu có);

    - Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:

    Lập sơ đồ vị trí các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (sau đây gọi chung là hiện vật) thuộc di tích tại thời điểm lập hồ sơ khoa học di tích; chú thích rõ tên gọi, mã số hiện vật được thể hiện trên sơ đồ theo đúng tên gọi và mã số hiện vật được ghi ở Bản thống kê hiện vật thuộc di tích quy định tại Điều 10 Thông tư này.

    - Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:

    Đánh giá tổng quát giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, nêu rõ những giá trị nổi bật của di tích được tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích lấy làm căn cứ để xác định loại di tích.

    - Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

    Nêu rõ tên của tổ chức, cá nhân trực tiếp là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích và thực trạng việc tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

    Trường hợp di tích thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước thì phải ghi rõ quyết định thành lập Ban (tổ) bảo vệ hoặc quản lý di tích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

    - Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

    Đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm bảo tồn bền vững di tích gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    - Kết luận:

    Đề xuất của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xếp hạng di tích đó là di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia hoặc di tích quốc gia đặc biệt.

    - Tài liệu tham khảo:

    + Lập thư mục tài liệu tham khảo liên quan đến việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

    + Tập hợp những tư liệu, bài viết, kỷ yếu hội thảo khoa học trực tiếp về di tích để lập thành Phụ lục lý lịch di tích. Đối với di tích khảo cổ, Phụ lục di tích phải có phần viết hoặc bản sao Báo cáo khai quật.

    - Xác định cá nhân, tổ chức lập lý lịch di tích:

    Lý lịch di tích được đóng thành quyển, khổ giấy A4. Tại trang cuối cùng, người lập lý lịch di tích phải ghi ngày, tháng, năm lập lý lịch, ký, ghi rõ họ tên, thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích ký, đóng dấu xác nhận.

    17