Quản lý vận hành nhà chung cư cần thực hiện các hoạt động gì?

Quản lý vận hành nhà chung cư cần thực hiện các hoạt động gì? Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư gồm có các nội dung gì?

Nội dung chính

    Quản lý vận hành nhà chung cư cần thực hiện các hoạt động gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về các hoạt động cần phải thực hiện khi quản lý vận hành nhà chung cư như sau:

    Các hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư
    1. Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm các công việc sau đây:
    a) Điều khiển, duy trì hoạt động, kiểm tra thường xuyên hệ thống thang máy, bảo dưỡng máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, các thiết bị dự phòng và các thiết bị khác thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư để đảm bảo cho các hệ thống thiết bị này hoạt động bình thường;
    b) Cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác bảo đảm cho nhà chung cư hoạt động bình thường;
    c) Các công việc khác có liên quan do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
    2. Trường hợp nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều 149 của Luật Nhà ở thì tất cả các công việc quy định tại khoản 1 Điều này phải do đơn vị quản lý vận hành thực hiện; chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không được thuê riêng các dịch vụ khác nhau để thực hiện quản lý vận hành. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có thể ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện các công việc quản lý vận hành nhà chung cư nhưng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý vận hành theo nội dung hợp đồng dịch vụ đã ký kết với Ban quản trị.

    Như vậy, hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm việc duy trì và kiểm tra thường xuyên các hệ thống như thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, và các thiết bị chữa cháy, nhằm đảm bảo chúng hoạt động bình thường. Ngoài ra, các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, và chăm sóc cây cảnh cũng là phần quan trọng của quản lý vận hành.

    Khi nhà chung cư yêu cầu có đơn vị quản lý, tất cả công việc này phải do đơn vị đó thực hiện, không được phép thuê dịch vụ riêng lẻ. Đơn vị quản lý có thể ký hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc quản lý theo nội dung hợp đồng với Ban quản trị.

    Quản lý vận hành nhà chung cư cần thực hiện các hoạt động gì?

    Quản lý vận hành nhà chung cư cần thực hiện các hoạt động gì? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư gồm có các nội dung gì?

    Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 3 Điều 29 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:

    - Thông tin về người đại diện ký kết hợp đồng: họ tên, địa chỉ.

    - Quy mô và diện tích các khu vực chung trong và ngoài nhà chung cư cần quản lý.

    - Nội dung dịch vụ, yêu cầu về chất lượng, thời gian và địa điểm cung cấp dịch vụ.

    - Giá dịch vụ quản lý tính theo mét vuông (m²) và phương thức thanh toán các khoản phí.

    - Thời gian thực hiện hợp đồng.

    - Các trường hợp chấm dứt hợp đồng, thời gian và trách nhiệm thông báo của các bên.

    - Quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm phối hợp và cách giải quyết tranh chấp.

    - Các thỏa thuận khác.

    - Hiệu lực của hợp đồng.

    Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư như sau:

    Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư
    1. Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng hàng tháng hoặc theo định kỳ (bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư mà chưa sử dụng) để đơn vị quản lý vận hành thực hiện các công việc trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
    2. Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được tính bằng giá dịch vụ quản lý vận hành và được tính trên mỗi m2 diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư nhân (x) với diện tích sử dụng của căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư đó.
    3. Diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác không phải căn hộ trong nhà chung cư làm cơ sở để tính kinh phí quản lý vận hành được quy định như sau:
    a) Trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận thì xác định theo diện tích ghi trong Giấy chứng nhận;
    b) Trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận thì xác định diện tích sử dụng theo hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc biên bản bàn giao căn hộ.
    4. Đối với nhà chung cư thuộc tài sản công thì việc thu kinh phí quản lý vận hành được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 151 của Luật Nhà ở.

    Theo đó, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu và người sử dụng đóng hàng tháng hoặc định kỳ, nhằm đảm bảo đơn vị quản lý thực hiện các công việc theo hợp đồng. Kinh phí này được tính dựa trên giá dịch vụ quản lý vận hành cho mỗi mét vuông diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư.

    Diện tích để tính kinh phí được xác định theo Giấy chứng nhận nếu có, hoặc theo hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ trong trường hợp chưa có Giấy chứng nhận. Đối với nhà chung cư thuộc tài sản công, việc thu kinh phí quản lý vận hành sẽ tuân theo quy định của luật

    40