Phường Giáp Bát sáp nhập phường nào theo Nghị quyết 1656 sắp xếp ĐVHC cấp xã TP Hà Nội?
Nội dung chính
Phường Giáp Bát sáp nhập phường nào theo Nghị quyết 1656 sắp xếp ĐVHC cấp xã TP Hà Nội?
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội. Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội có 126 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 51 phường và 75 xã.
Theo đó, phường Giáp Bát sáp nhập theo sắp xếp ĐVHC cấp xã TP Hà Nội như sau:
(1) Sắp xếp một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Giáp Bát, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, Tân Mai, Thịnh Liệt, Tương Mai, Trần Phú, Vĩnh Hưng và Yên Sở thành phường mới có tên gọi là phường Hoàng Mai.
(2) Sắp xếp một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Giáp Bát, phường Phương Liệt, phần còn lại của phường Mai Động sau khi sắp xếp theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15, phần còn lại của các phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), Đồng Tâm, Trương Định sau khi sắp xếp theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15, phần còn lại của các phường Hoàng Văn Thụ, Tân Mai, Tương Mai sau khi sắp xếp theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 và phần còn lại của phường Vĩnh Hưng sau khi sắp xếp theo quy định tại các khoản 7, 16, 17 Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 thành phường mới có tên gọi là phường Tương Mai.
(3) Sắp xếp một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, xã Tân Triều, xã Thanh Liệt, một phần diện tích tự nhiên, toàn bộ quy mô dân số của phường Đại Kim và phần còn lại của phường Giáp Bát sau khi sắp xếp theo quy định tại khoản 16, khoản 18 Điều 1 Nghị quyết 1656/NQ-UBTVQH15 thành phường mới có tên gọi là phường Định Công.
Phường Giáp Bát sáp nhập phường nào theo Nghị quyết 1656 sắp xếp ĐVHC cấp xã TP Hà Nội? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh, thành gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
Điều 10. Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính
1. Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Hồ sơ đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính gồm có:
a) Tờ trình về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
b) Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính;
c) Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
d) Dự thảo nghị quyết của Quốc hội hoặc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
3. Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến Nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
4. Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính có liên quan để xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
5. Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ và được thẩm tra trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
6. Việc lập đề án, trình tự, thủ tục xem xét, thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh, thành gồm có:
- Tờ trình về việc sáp nhập tỉnh, thành;
- Đề án về việc sáp nhập tỉnh, thành;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết của Quốc hội hoặc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập tỉnh, thành.