Phạm vi hoạt động của các tàu cá trên vùng biển có bị giới hạn không?
Nội dung chính
Phạm vi hoạt động của các tàu cá trên vùng biển có bị giới hạn không?
Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản, có quy định:
- Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;
+ Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
- Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;
+ Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì tàu cá hoạt động trên vùng biển sẽ bị giới hạn bởi kích thước của tàu cá. Tùy vào kích thước của tàu cá mà vùng khai thác thủy sản cũng sẽ tương ứng. Vùng khai thác thủy sản được quy định như sau:
- Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;
- Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;
- Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.