Nội dung kiểm tra hồ sơ, tra cứu hệ thống MHS đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm những gì?
Nội dung chính
Nội dung kiểm tra hồ sơ, tra cứu hệ thống MHS đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm những gì?
Tại Khoản 1 Điều 3 Quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 1921/QĐ-TCHQ năm 2018, quy định về nội dung kiểm tra như sau:
a) Kiểm tra mô tả hàng hóa:
- Mô tả hàng hóa khai báo phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng các tiêu chí về tên gọi, mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Đối chiếu mô tả hàng hóa khai báo với: nội dung chú giải phần, chương, phân chương, nhóm, phân nhóm liên quan tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai; tài liệu kỹ thuật, chứng từ khác liên quan đến hàng hóa tại hồ sơ hải quan.
b. Kiểm tra mã số:
- Mã số hàng hóa khai báo phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo mức độ chi tiết hàng hóa của mặt hàng cần phân loại tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Đối chiếu mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa khai báo với mô tả hàng hóa, mã số tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.
c) Kiểm tra mức thuế:
- Đối chiếu mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế khai báo với mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế tại các Biểu thuế và chính sách thuế có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai;
- Đối chiếu các chứng từ trong hồ sơ hải quan với điều kiện áp dụng các Biểu thuế có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai (như quy định về nước xuất khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hình thức vận chuyển từ nước xuất khẩu).
Lưu ý: phải kiểm tra việc áp dụng mức thuế theo quy định tại các Biểu thuế đối với các trường hợp khai mức thuế suất thủ công (có ký hiệu chữ “M” bên phải cột “thuế suất”).
Trường hợp công chức hải quan thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 Mục 1 Quy trình này dẫn đến thất thu thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của ngành.
d) Khi làm thủ tục hải quan, ngoài việc kiểm tra thông tin do người khai hải quan khai báo về mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế theo nội dung tại khoản 1a, 1b, 1c Điều này, công chức hải quan phải đối chiếu với tài liệu kỹ thuật, chứng từ khác liên quan đến hàng hóa tại hồ sơ hải quan, các thông tin sẵn có tại hệ thống MHS (lưu ý tra cứu thông tin sau: Thông tin về kết quả xác định trước mã số tại chức năng 2.02 mục 2 - Tra cứu; Kết quả phân tích, phân loại tại chức năng 2.03 mục 2 - Tra cứu; Văn bản hướng dẫn phân loại tại chức năng 3.03.06 mục 3 - website; Khai báo mô tả hàng hóa, mã số của các lô hàng tương tự đã xuất khẩu, nhập khẩu tại chức năng 2.08, mục 2 - Tra cứu) và xử lý theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 quy trình này.
đ) Riêng đối với hàng hóa được phân luồng xanh: Công chức hải quan được giao nhiệm vụ kiểm tra theo chỉ dẫn rủi ro do hệ thống Vnaccs cảnh báo hoặc tiến hành đánh giá rủi ro về mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế theo khai báo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó lưu ý các thông tin rủi ro trong việc khai sai mô tả hàng hóa, khai sai mục đích sử dụng, khai sai chủng loại hàng hóa, khai mã số ngụy trang để hưởng mức thuế suất thấp, đặc biệt là các mặt hàng không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt khai báo mã số sang mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, các mặt hàng dễ lẫn, các mặt hàng nhập khẩu từ các nước không được hưởng thuế suất ưu đãi (MFN) phải áp dụng thuế suất thông thường, chuyển thông tin rủi ro để thực hiện kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định.
Trên đây là nội dung kiểm tra hồ sơ, tra cứu hệ thống MHS đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trân trọng!